Giải pháp nào xóa bỏ nạn “nhũng nhiễu”, “bôi trơn”? 

(ĐCSVN) - Có thể nói, “tham nhũng vặt” đã trở thành vấn đề bức xúc của xã hội. Nó xuất hiện ở hầu hết lĩnh vực của đời sống. Đặc biệt người dân, doanh nghiệp khi muốn thực hiện thủ tục hành chính nhanh gọn thì cần “biết ý”, có chi phí “bôi trơn”. Nhưng không phải lúc nào vấn đề này cũng dễ dàng phát hiện mà chỉ bị phanh phui khi có tố cáo của người trong cuộc.

“Tham nhũng vặt” là hành vi của cán bộ, công chức trong các cơ quan công quyền của Nhà nước lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà nhằm buộc hoặc gợi ý doanh nghiệp, người dân phải lo lót, “bôi trơn”. Đặc trưng của “tham nhũng vặt” tuy giá trị không lớn nhưng nó kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho địa phương, đơn vị trong thu hút đầu tư; làm giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp; làm thoái hóa, biến chất đội ngũ cán bộ, đảng viên, đe dọa sự tồn vong của chế độ…

Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải ví “tham nhũng vặt" tinh vi và như "ổ mối ăn mòn chân đê". Ổ mối tuy nhỏ, nhưng có thể phá hủy cả con đê lớn...

Trong khi đó, báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 của Chính phủ đã chỉ rõ tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, hay còn gọi là tham nhũng “vặt”, chưa được ngăn chặn hiệu quả. Tất nhiên, không phải cán bộ, công chức nào cũng có hành vi nhũng nhiễu, nhưng tình trạng cán bộ, công chức gây khó dễ gần như trở nên khá phổ biến hiện nay.

Điều này tương đồng với báo cáo khảo sát Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI). Báo cáo cho thấy, trong 7 năm qua, người Việt đang ngày càng dễ dàng chi một khoản tiền lớn để "bôi trơn" khi sử dụng các dịch vụ thiết yếu. Ở giai đoạn 2011-2012, số tiền trung bình khiến người dân có thể trình báo chuyện hối lộ với cơ quan chức năng là khoảng 5 triệu đồng. Chỉ sau vài năm, con số này tăng gấp 5 lần: 27,5 triệu đồng.

Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người hàng tháng ở Việt Nam năm 2017 ở mức 5,3 triệu đồng. Điều đó nghĩa là người dân sẵn sàng bỏ ra tới nửa năm thu nhập để hối lộ, nhằm đạt được mục đích. Mức độ “chịu đựng” và “thỏa hiệp” với tham nhũng của người dân đang bỏ xa mức thu nhập.

Ở góc độ bên nhận, con số này cũng bỏ xa mức cấu thành tội hối lộ (2 triệu đồng). Theo điều 354 Bộ luật Hình sự 2015, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhận hối lộ từ 2 đến dưới 100 triệu đồng thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Tại một số kỳ họp Quốc hội, một số đại biểu phản ánh thực trạng, dù thủ tục hành chính đã được niêm yết đầy đủ, nhưng người dân vẫn không hiểu hết để thực hiện. Và tuy có công khai nhưng vẫn thiếu minh bạch, “một cửa nhưng vẫn có nhiều khóa”…Vì vậy, người dân và doanh nghiệp sẵn sàng chi tiền cho một cá nhân, tổ chức trung gian giúp họ mọi thủ tục để khỏi mất thời gian, khỏi bị phiền hà. Từ nhu cầu thực tế đó, xuất hiện đủ các loại “cò” như: “cò đất”, “cò nhà”, “cò xây dựng”, “cò cấp giấy phép đầu tư”…

Một số đại biểu Quốc hội đã bày tỏ rất nhiều quan ngại về việc người dân, doanh nghiệp sẵn sàng đưa hối lộ để được việc, chấp nhận “bôi trơn” thay vì phải tố cáo hành vi tiêu cực… Và cán bộ, công chức cũng sẵn sàng nhận tiền hoặc gợi ý đưa tiền để thực hiện nhiệm vụ, xem đó như là một thủ tục hành chính trong quy trình cải cách thủ tục hành chính!

Sự phục vụ tận tụy của những “đầy tớ nhân dân” theo ý kiến của cử tri vẫn còn rất xa trong tiến trình cải cách hành chính. Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra hiệu quả vẫn không cao, chỉ phát hiện rất ít so với thực tế. Thậm chí còn có sự bao che, dung túng cho hành vi “tham nhũng vặt” của cán bộ do mình quản lý…

Từ thực tế đó, việc tập trung xử lý, ngăn chặn “tham nhũng vặt” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 được Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng đề ra. Tại phiên họp đầu năm nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng đã yêu cầu: “Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc, kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước (nhất là trong cơ quan phòng, chống tham nhũng) những cán bộ hư hỏng, tham nhũng”.

Đáng chú ý, tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng tổ chức tháng 5 vừa qua đã nêu nhiều giải pháp căn cơ, trong đó có công tác tư tưởng, cải cách tổ chức bộ máy... Hay tại Tọa đàm "Tham nhũng vặt - Thực trạng và giải pháp phòng chống" do Ban Nội chính Trung ương tổ chức, các đại biểu cũng đã đề xuất 8 nhóm giải pháp nhằm hạn chế tình trạng “tham nhũng vặt”. Trong đó, có các giải pháp như: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế kiểm soát quyền lực, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền… được đề cao.

Cùng với đó, cần tăng cường, nâng cao chất lượng, chuyên môn của cán bộ, công chức cấp quận, huyện và phường, xã. Ðây là hai cấp rất quan trọng, trực tiếp với người dân, trực tiếp đến công việc và nắm chắc tình hình ở cơ sở. Ðội ngũ này cần được đầu tư đào tạo nâng cao chuyên môn để đáp ứng được công việc được giao.

Một số ý kiến cho rằng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, HÐND, đại biểu Quốc hội, đại biểu HÐND theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cần tăng cường hơn nữa công tác giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, có cơ chế thích hợp để khuyến khích, động viên nhân dân, doanh nghiệp và các phương tiện thông tin đại chúng tham gia giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính…

Đặc biệt phải có cơ chế để Mặt trận, nhân dân, báo chí thực hiện quyền giám sát. Đây cũng chính là kênh quan trọng, góp phần chống các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Khi các quy định được hoàn thiện cụ thể, đầy đủ, với quyết tâm cao của Ðảng trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện; các cấp ủy, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt thật sự lắng nghe, cầu thị thì nhất định sẽ tạo sự chuyển biến mới, mạnh mẽ trong công tác xây dựng Ðảng hiện nay. Muốn vậy, hoạt động của các cơ quan, đơn vị phải công khai, minh bạch. Công khai đầy đủ các thủ tục hành chính, các dự án đầu tư, về đấu thầu, chi tiêu công… Chỉ khi công khai, minh bạch thì người dân, Mặt trận mới thực hiện được quyền giám sát của mình.

Rõ ràng, không thiếu những giải pháp, nhưng phòng, chống “tham nhũng vặt”, “nhũng nhiễu” đòi hỏi các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu phải nhận thức sâu sắc về hiểm họa của nó và quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi.  Muốn thế vấn đề đặt ra là phải cải cách mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa, nhất là chế độ trách nhiệm phải rõ ràng. Cần mạnh dạn giao trách nhiệm gắn với giao quyền và có sự kiểm soát để không lạm quyền, không thể “nhũng nhiễu”…

Nếu chúng ta giải quyết rốt ráo vấn nạn này, không chỉ tạo lòng tin trong nhân dân mà chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ để ngăn chặn những vụ tham nhũng lớn./.

Thu Hà

396 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 515
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 515
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87069738