Giải pháp nào ngăn chặn doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội? 

(ĐCSVN) - Theo con số thống kê của các cơ quan chức năng, hiện cả nước có khoảng 2,79 triệu lao động đang bị doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội từ một tháng trở lên; trong đó hơn 200.000 người bị treo quyền lợi do doanh nghiệp đã phá sản, giải thể hoặc có chủ bỏ trốn.

Vậy giải pháp nào để giải quyết quyền lợi cho hàng trăm nghìn lao động này? Để xử lý dứt điểm tình trạng doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, cần liều thuốc nào đặc trị? Ông Nguyễn Duy Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có cuộc trao đổi với báo chí về nội dung này.

 

Ông Nguyễn Duy Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội 

Phóng viên (PV): Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về thực trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp thời gian gần đây?   

Ông Nguyễn Duy Cường: Tình trạng chậm đóng, trốn đóng diễn ra ở nhiều doanh nghiêp, nhiều địa phương, đặc biệt là mấy năm gần đây, nhất là từ năm 2020 đến nay. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn. Thời gian qua, với sự vào cuộc của cơ quan chức năng các địa phương cũng đã cố gắng đẩy mạnh các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH. Tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH cũng đã có những cải thiện, chuyển biến tích cực. Tỷ lệ chậm đóng so với số phải thu của năm 2020 chiếm 4,4%, đến năm 2021 giảm xuống còn 3,64%, năm 2022 con số này là 2,9% trên tổng số phải thu. Tuy vậy, cũng phải thừa nhận rằng, số chậm đóng vẫn chiếm từ 3 đến 5% tổng số phải thu và việc doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải quyết các chế độ BHXH cho người lao động.      

PV: Thưa ông, bên cạnh những doanh nghiệp khó khăn thực sự do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 thì tỷ lệ những doanh nghiệp cố tình chây ì và trốn đóng BHXH thường ở mức như thế nào và nhóm thuộc ngành nào? Xin ông thông tin cụ thể hơn về con số hơn 200.000 người lao động đang là nạn nhân của tình trạng trốn đóng BHXH thời gian vừa qua?.

Ông Nguyễn Duy Cường: Qua phân tích số liệu chậm đóng thời gian vừa qua, số chậm đóng đầu tiên tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Con số các năm chiếm khoảng từ 60 đến 80% tổng số chậm đóng, các doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 10%. Trong bước đầu rà soát cơ sở dữ liệu quản lý của cơ quan BHXH thì đây là số lao động tập trung ở các đơn vị doanh nghiệp đã phá sản, các doanh nghiệp đang làm thủ tục phá sản, các doanh nghiệp ngừng hoạt động và các doanh nghiệp không có người đại diện theo pháp luật mà chúng ta hay dùng từ là “có chủ bỏ trốn”. Trong tổng số gần 200 nghìn người lao động này có khoảng 20% là những người có đủ điều kiện hưởng BHXH như hưởng lương hưu, hưởng BHXH một lần, hay chế độ tử tuất. Khoảng gần 40% trong số này là những người hiện nay đang tiếp tục tham gia ở các doanh nghiệp, đơn vị khác và khoảng gần 20% số người hiện nay đang nghỉ việc và không tiếp tục tham gia ở đơn vị nào.   

PV: Vậy quyền lợi của hàng trăm nghìn lao động sẽ bị ảnh hưởng như thế nào khi không chốt được sổ bảo hiểm xã hội? Và ở đây cần xác định trách nhiệm của các cơ quan liên quan ra sao, thưa ông?     

Ông Nguyễn Duy Cường: Việc doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH thì cơ quan BHXH không có cơ sở để ghi nhận quá trình đóng và như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc giải quyết các chế độ BHXH của người lao động. Về trách nhiệm của các cơ quan như thế nào đối với vấn đề này thì trong Luật BHXH quy định, trách nhiệm của người sử dụng lao động là phải đóng BHXH cho người lao động và hàng tháng phải trích từ tiền lương của người lao động theo quy định để đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH. Luật BHXH cũng quy định giao trách nhiệm tổ chức thu BHXH cho cơ quan BHXH. Như vậy có thể thấy, trách nhiệm trước tiên thuộc về của người sử dụng lao động và cơ quan BHXH. Bên cạnh đó cũng phải nói đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp là trách nhiệm của các tổ chức đại diện cho người lao động.

PV: Thực tế trong quá trình xử lý tình trạng nợ, trốn đóng BHXH của doanh nghiệp dừng hoạt động, giải thể, phá sản, rồi chủ bỏ trốn đã gặp những vướng mắc, khó khăn nào, thưa ông?   

Ông Nguyễn Duy Cường: Trong quá trình nghiên cứu để xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng ở các đơn vị phá sản, ngừng hoạt động hay có chủ bỏ trốn thì có một số vấn đề khó khăn đặt ra. Thứ nhất, liên quan đến việc thống kê đầy đủ, chính xác các số liệu. Giai đoạn trước đây, việc thống kê, quản lý dữ liệu của cơ quan BHXH thực hiện khá thủ công. Những năm gần đây, với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thì việc quản lý cũng như thống kê số liệu mới từng bước được chuyển hóa. Thứ hai, trong quá trình nghiên cứu phải vừa đảm bảo được quyền lợi của người lao động nhưng đồng thời phải phù hợp với nguyên tắc đóng-hưởng bảo hiểm trong Luật BHXH. Bên cạnh đó cũng phải đảm bảo sự thống nhất trong việc giải quyết, đồng thời không làm phát sinh những hệ lụy, tạo ra những tiền lệ để doanh nghiệp khác lợi dụng tiếp tục trốn đóng, ảnh hưởng tiếp đến quyền lợi của người lao động.      

 Giải quyết quyền lợi BHXH cho người lao động (Ảnh minh hoạ: HN)

PV: Nhiều ý kiến cho rằng sửa Luật Bảo hiểm xã hội là một giải pháp căn cơ, lâu dài để giảm thiểu tình trạng trốn đóng, chậm đóng Bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp. Quan điểm của ông như thế nào? 

Ông Nguyễn Duy Cường: Dự kiến dự thảo Luật BHXH sửa đổi dành một chương quy định về quản lý thu và đóng BHXH, trong đó có các biện pháp cũng như các chế tài về hành vi trốn đóng BHXH. Trong dự thảo dự kiến bổ sung một số các quy định. Ví dụ làm rõ khái niệm về trốn đóng BHXH để đồng bộ, thống nhất với quy định ở trong Bộ luật Hình sự về hành vi trốn đóng BHXH. Cũng có quy định về việc sau khi xử lý các biện pháp về mặt hành chính mà các đơn vị, doanh nghiệp vẫn trốn đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên thì sẽ ngừng sử dụng hóa đơn hay hoãn xuất nhập cảnh đối với các trường hợp mà doanh nghiệp nợ dài từ 12 tháng trở lên. Ngoài ra, trong dự thảo cũng đang dự kiến bổ sung thẩm quyền là cơ quan BHXH có trách nhiệm cũng như thẩm quyền khởi kiện các doanh nghiệp ra tòa. Luật hiện hành của chúng ta đang giao cho tổ chức công đoàn thực hiện.   

 PV: Về phía người lao động, ông có khuyến cáo, lưu ý gì để đảm bảo quyền lợi của mình?

Ông Nguyễn Duy Cường: Bên cạnh sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng thì tôi cho rằng, về phía bản thân người động cũng cần phải chủ động khi chúng ta bắt đầu vào làm việc cho doanh nghiệp thì cũng yêu cầu người sử dụng lao động phải đăng ký tham gia BHXH cho mình. Trong quá trình làm việc thì người lao động cũng phải chủ động theo dõi giám sát quá trình đóng của người sử dụng lao động xem họ có tham gia cho mình đầy đủ, kịp thời hay không.

Trường hợp mà phát hiện doanh nghiệp mà không tham gia đầy đủ, kịp thời thì phải trực tiếp yêu cầu hoặc có thể phản ánh với tổ chức công đoàn hoặc nhờ các cơ quan chức năng ở địa phương để họ can thiệp, yêu cầu người sử dụng lao động là phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của Luật BHXH. Hiện nay, cơ quan BHXH cũng đang triển khai ứng dụng VSSID-Bảo hiểm xã hội số, đây cũng là một kênh để người lao động có thể chủ động giám sát quá trình tham gia đóng BHXH của người sử dụng lao động cho mình./.

 
Tú Giang
229 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 641
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 641
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78071999