Để bảo vệ môi trường trong thời gian qua, Hà Nội đã phát động phong trào "Nói không với túi nilon", "Chống lại rác thải nhựa", hay ký Bản cam kết chống rác thải nhựa trong sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng... Các siêu thị đã đẩy mạnh sử dụng túi ni lông sinh học tự hủy, mở ra hướng kinh doanh xanh. Tuy nhiên tại các chợ dân sinh, việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy đựng hàng hóa vẫn còn diễn ra. Đây là vấn đề các nhà quản lý cần có giải pháp xử lý nhằm hạn chế rác thải nhựa để đạt được mục tiêu đến năm 2025, các doanh nghiệp sản xuất không sản xuất các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy.
Túi ni lông khó phân hủy vẫn phổ biến
Ghi nhận tại hệ thống chợ truyền thống như chợ Hôm Đức Viên, Nguyễn Công Trứ, Dốc Đề, Kim Liên, mùng 8/3, Trại Găng, Hàng Bè, Xuân La... cho thấy, các quầy bán hàng vẫn sử dụng túi ni lông để đựng hàng hóa bán cho khách từ sản phẩm rau củ quả, hàng khô, thịt cá, đến quần áo, giày dép. Còn tại các chợ dân sinh ở khu vực ngoại thành, 100% tiểu thương đều thông tin vẫn sử dụng túi nilon để đựng hàng hóa cho khách.
|
Ảnh minh họa (TTXVN) |
Ông Nguyễn Hữu Hân, Phó Trưởng ban Quản lý chợ Vồi, huyện Thường Tín (Hà Nội) cho biết, thời gian qua, mặc dù các tiểu thương đã ký cam kết hạn chế sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần nhưng đến nay, hiệu quả thực hiện chưa được như mong đợi.
Nguyên nhân khiến các tiểu thương vẫn sử dụng túi ni lông để đựng hàng cho người tiêu dùng là vì túi ni lông rẻ hơn nhiều lần so với túi nilon sinh học tự phân hủy và các sản phẩm dùng 1 lần làm bằng bột giấy, sợi tre…,
Chị Nguyễn Thị Xuyến, một tiểu thương bán rau ở chợ đầu mối phía Nam cho biết, mỗi ngày chị tiêu thụ từ 2-3 kg túi ni lông (trung bình khoảng 50-70 túi/kg), giá túi nilon chỉ có từ 20.000-25.000 đồng/kg. Nếu sử dụng túi nilon sinh học tự phân hủy giá thành cao sẽ đẩy giá bán hàng lên, người tiêu dùng lại không chấp nhận, nhất là trong năm 2020 - 2021 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 việc kinh doanh cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Ngay tại hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội, nhiều siêu thị cũng đã tích cực triển khai giảm thiểu túi nilon khó phân hủy thay thế bằng 100% túi tự hủy sinh học và lá chuối, nhưng số lượng sản phẩm gói bằng lá chuối, túi tự hủy vẫn khiêm tốn so với lượng hàng hóa đang bày bán.
Lý giải về sử dụng túi ni lông khó phân hủy có nguy cơ lại tái diễn như cũ, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc người tiêu dùng ngại sử dụng những sản phẩm làm từ chất liệu tự nhiên bởi chúng có giá cao hơn sản phẩm nhựa. Tại siêu thị, 10 chiếc cốc giấy an toàn dùng 1 lần có giá 20.000 đồng, nhưng 10 chiếc cốc giấy có tráng màng PE dùng nhiều lần chỉ 9.000 đồng/chục. Đó là nguyên nhân khiến người tiêu dùng và các tiểu thương không mặn mà sử dụng túi ni lông sinh học tự hủy.
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, túi ni lông và các sản phẩm nhựa có ưu điểm giá thành rẻ, tiện lợi, sử dụng trong nhiều lĩnh vực... nên người tiêu dùng vẫn giữ thói quen sử dụng khi mua sắm. Hiện, giá túi ni lông chỉ từ 30.000 - 45.000 đồng/kg, trong khi túi nilon tự hủy do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất có giá lên đến từ 70.000 - 90.000 đồng/kg, sản phẩm nhập khẩu từ châu Âu 110.000 đồng/cuộn, cao gấp 2 - 3 lần so với túi nilon đang bán trên thị trường.
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp, Sở sẽ đề xuất cơ chế, chính sách giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, bao gói, túi xách thân thiện với môi trường; đẩy mạnh phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái chế chất thải nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy; nghiên cứu cơ chế chuyển giao công nghệ tiên tiến tái chế chất thải nhựa khó phân hủy.
Cái khó của doanh nghiệp
Trong quá trình chuyển đổi sang sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm thân thiện môi trường các doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn như về nguồn vốn, tiêu chuẩn, công nghệ... Đặc biệt, các chuyên gia kinh tế cho biết, hiện chưa có cơ chế chính sách cụ thể về thuế, vay vốn để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ chuyển đổi từ sản xuất sản phẩm nhựa sang các sản phẩm thân thiện môi trường, khuyến khích doanh nghiệp bán lẻ chuyển đổi từ sử dụng túi ni lông khó phân hủy sang túi ni lông dễ phân hủy.
Đại diện Công ty cổ phần Bao bì 27-7 Hà Nội, ông Lê Mậu Quang chia sẻ: Công ty rất ủng hộ chủ trương phát triển bền vững của Chính phủ và thành phố. Đây là việc làm quan trọng cho tương lai nên công ty cam kết chỉ sản xuất sản phẩm bao bì thân thiện môi trường.
Hiện nay, Công ty đã chuyển đổi khoảng 50% bao bì sang thân thiện môi trường, đầu tư đưa vào sản xuất bao bì thân thiện môi trường. Là đơn vị đầu tiên của Hà Nội làm túi thân thiện môi trường, túi dệt dù vẫn là túi nhựa nhưng tái sử dụng được nhiều lần, giảm bớt thải ra môi trường.
Cũng theo ông Lê Mậu Quang, việc chuyển đổi sang sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, công ty cũng gặp rất nhiều khó khăn về vốn, vì các doanh nghiệp bao bì phải tự chủ, chuyển đổi, sau này bao bì nhựa, túi sử dụng một lần là không dùng nữa, nhất là khó xuất khẩu vì quy định của các nước càng ngày càng chặt.
Với 1 doanh nghiệp vừa và nhỏ có tiềm lực kinh tế thì có thể dễ chuyển đổi nhưng với các tổ hợp sản xuất, hoặc cá thể thì khó để chuyển đổi. Vì để chuyển đổi đòi hỏi đầu tư dây chuyền công nghệ là rất lớn cho nên thành phố Hà Nội cần có chính sách cho vay vốn ưu đãi để các cơ sở này chuyển đổi công nghệ tiên tiến và hiện đại.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Đức, Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam) than phiền, túi nilon thân thiện với môi trường trước khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận thì doanh nghiệp phải có chứng nhận kiểm nghiệm về khả năng tự phân hủy, nhưng hiện Việt Nam chưa có đơn vị nào được cấp Giấy chứng nhận.
Còn theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Trưởng phòng Kinh tế quận Hoàn Kiếm, để đạt mục tiêu hạn chế sử dụng túi ni lông, đòi hỏi nhà nước có biện pháp quản lý, tiến tới chấm dứt hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất túi ni lông khó phân hủy. Bên cạnh đó, cần có chương trình trợ giá nhằm khuyến khích tiểu thương sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Đồng quan điểm này, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh- chuyên gia kinh tế đề xuất, cần nghiên cứu tăng thuế đối với các cơ sở sản xuất túi ni lông, có lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần, xây dựng chính sách doanh nghiệp thu gom, tái chế túi ni lông.
Trước những kiến nghị của chuyên gia và doanh nghiệp, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND về thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2021 trên địa bàn thành phố. Cụ thể, thành phố phấn đấu 100% các siêu thị không sử dụng túi ni lông khó phân hủy, chuyển đổi sử dụng bao bì thân thiện với môi trường thay thế dần cho túi ni lông khó phân hủy.
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, thực hiện kế hoạch, Sở sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai giải pháp chống rác thải nhựa, có chương trình khuyến khích tiểu thương và nhân dân sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường.
Cụ thể, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất trình HĐND thành phố cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất túi ni lông, sản phẩm nhựa chuyển đổi sang sản xuất các loại bao gói, túi xách thân thiện với môi trường cũng như khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng những sản phẩm này./.