Đây là 3 trong số những giải pháp đang được Bộ Công Thương triển khai trong bối cảnh xu thế bảo hộ tại hàng loạt thị trường ngày càng gia tăng đã và đang khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, tính đến ngày 15/10, có 141 vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra bởi 18 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.
Trong đó, Hoa Kỳ là nước khởi xướng điều tra nhiều nhất (27 vụ, chiếm khoảng 20%); tiếp đến là Thổ Nhĩ Kỳ (20 vụ, chiếm khoảng 15%);Ấn Độ (17 vụ, chiếm khoảng 12%) và EU (14 vụ, chiếm khoảng 11%).
Dẫn đầu là các vụ việc điều tra chống bán phá giá (81 vụ việc, chiếm 60%); tiếp đó là các vụ việc tự vệ (27 vụ, chiếm 18%); thứ ba là các vụ việc chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (19 vụ việc, chiếm 13%) và cuối cùng là các vụ việc chống trợ cấp (14 vụ việc, chiếm 9%).
Các mặt hàng chịu nhiều biện pháp phòng vệ thương mại nhất là thủy sản (tôm, cá ba sa), sắt, thép...
Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: Hiện giờ, bất cứ hàng hoá xuất khẩu nào cũng có khả năng là đối tượng bị điều tra áp dụng phòng vệ thương mại, từ nông, thuỷ sản đến các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo.
“Đáng chú ý, các chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu đang ngày càng được mở rộng và liên kết nhiều quốc gia với nhau nên các vụ kiện phòng vệ thương mại phát sinh nhiều xu hướng mới như: Kiện chùm (kiện đồng thời nhiều nước); kiện chống lẩn tránh thuế (kiện một nước để ngăn chặn khả năng lẩn tránh một biện pháp thuế đã áp cho nước khác); kiện domino (nước này kiện được thì nước khác cũng theo đó đi kiện); kiện kép (kiện đồng thời chống bán phá giá và chống trợ cấp) làm gia tăng số lượng các vụ kiện về phòng vệ thương mại”, ông Trung cho biết.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhìn nhận, các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm xuất khẩu của ta là một xu thế “khó tránh khỏi” trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Để hạn chế các tác động tiêu cực của xu thế này, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện nhiều giải pháp. Cụ thể như giải pháp thường xuyên cập nhật với các DN và hiệp hội DN về xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để các DN nắm vững, có kế hoạch ứng phó hiệu quả, đồng thời xây dựng chiến lược kinh doanh hợp lý, thận trọng trong việc lên kế hoạch đầu tư, sản xuất, phát triển thị trường.
Nâng cấp Hệ thống cảnh báo sớm để đánh giá những mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, từ đó giúp các DN chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất và xuất khẩu của mình và có biện pháp ứng phó kịp thời, hạn chế việc vướng phải các vụ kiện chống bán phá giá.
Bộ Công Thương cũng phối hợp chặt chẽ với DN trong quá trình xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại ngay từ giai đoạn đầu khi cơ quan điều tra của nước nhập khẩu tiếp nhận đơn kiện cho đến khi khởi xướng điều tra, trả lời câu hỏi điều tra, thẩm tra tại chỗ, điều trần công khai và ra phán quyết.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng chủ động theo dõi chặt chẽ quy trình điều tra của nước nhập khẩu để đảm bảo các bước trong quy trình điều tra tuân thủ đầy đủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cam kết trong các điều ước quốc tế và nội luật của nước nhập khẩu.
Trong trường hợp phát hiện những điểm không tuân thủ, Bộ Công Thương đại diện cho Chính phủ Việt Nam tham vấn và yêu cầu cơ quan điều tra của nước nhập khẩu kịp thời có sự điều chỉnh để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các DN Việt Nam. Nếu những điểm không tuân thủ này không được điều chỉnh gây ảnh hưởng bất lợi đối với các DN Việt Nam, Bộ Công Thương sẽ xem xét kiến nghị Chính phủ cân nhắc đưa biện pháp chống bán phá giá mà nước nhập khẩu áp dụng ra các cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp, trong đó có cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã khiếu kiện 5 vụ việc ra WTO, trong đó 2 vụ đã kết thúc (với kết quả tích cực cho ngành thủy sản Việt Nam), 1 vụ đã kết thúc giai đoạn phúc thẩm (với kết quả thuận lợi cho ngành thép Việt Nam), 2 vụ đang trong quá trình xét xử (vụ việc chống bán phá giá cá tra và chương trình giám sát cá da trơn của Hoa Kỳ).
“Bộ Công Thương khuyến nghị các DN nên trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại, đặc biệt là các quy định pháp luật về phòng vệ thương mại của các thị trường đang và sẽ xuất khẩu; xây dựng chiến lược xuất khẩu theo hướng đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, tránh phát triển quá nóng một thị trường; tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng hàng giá rẻ; chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ kiện phòng vệ thương mại có thể xảy ra bất kỳ lúc nào; đảm bảo chế độ ghi chép kế toán rõ ràng, tuân thủ các tiêu chuẩn kế toán quốc tế…”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Đứng từ góc độ DN, ngành hàng thường xuyên đối mặt với kiện phòng vệ thương mại, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết: Những vụ kiện phòng vệ thương mại mà ngành thép phải đối mặt đến từ các thị trường tương đối lớn như Hoa Kỳ, EU, một số nước trong khu vực ASEAN, thậm chí cả Liên minh Kinh tế Á-Âu... Những vụ kiện này đã, đang và sẽ đặt ra khó khăn nhất định tới xuất khẩu thép trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo ông Sưa, ngoài nỗ lực tự thân của DN như thường xuyên nâng cao hiểu biết về thương mại quốc tế; cấu trúc lại thị trường xuất khẩu…, khi bị kiện ở nước ngoài nhiều, muốn phát triển, Việt Nam phải bảo vệ bằng được thị trường thép trong nước, ngăn cản việc nhập khẩu các sản phẩm trong nước đã sản xuất được. Để làm được điều này, Bộ Công Thương cần đẩy mạnh hơn nữa việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ sản xuất thép nội địa.
|
Phan Trang