Chiều 9/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Tọa đàm trực tuyến về xuất, nhập khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc.
|
Quang cảnh Tọa đàm (Ảnh: ML) |
Việt Nam hiện có 9 loại trái cây xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc không bị giới hạn về hạn ngạch xuất khẩu. Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc đối với hoa quả xuất khẩu vào Trung Quốc, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đẩy mạnh chỉ đạo các địa phương và tăng cường khai kiểm tra việc cấp mã số vùng trồng. Cả nước hiện có 3. 646 mã số vùng trồng được cấp với diện tích 197 nghìn ha tại 50 tỉnh, thành phố và gần 1.800 mã số cơ sở đóng gói cho các loại quả tươi xuất khẩu…
Với quan điểm tiếp cận cần coi thị trường Trung Quốc cũng như các thị trường xuất khẩu yêu cầu cao như: Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam cho rằng, với thực trạng doanh nghiệp mỗi một lần muốn xuất khẩu hoặc gặp vướng mắc phải thông qua nhiều đầu mối tháo gỡ, cùng với đó là không biết áp dụng quy trình, quy định nào để đáp ứng thì trong xây dựng chính sách xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc mà chúng ta đang triển khai phải có cẩm nang theo hướng muốn xuất khẩu chính ngạch đối với từng mặt hàng và chủng loại nông sản thì phải áp dụng quy định nào? Bởi trên thực tế hiện nay khái niệm về kiểm dịch an toàn thực phẩm đang có cách hiểu khác nhau giữa các cơ quan khác nhau.
Tại Tọa đàm, các đại biểu cho rằng, để chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch, bản thân các địa phương, doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng cần thay đổi tư duy sản xuất theo hướng chất lượng phải được quan tâm hàng đầu.
Theo đó, xuất khẩu chính ngạch càng triển khai sớm càng tốt để dần dần từng bước giảm xuất khẩu tiểu ngạch. Muốn làm được điều này phải làm một cách rất căn cơ. Trong đó, chúng ta phải tiếp xúc sâu sát hơn nữa với các thương nhân Trung Quốc để nắm rõ thị trường, đồng thời củng cố Hiệp hội ngành hàng, kể cả đại diện của các doanh nghiệp, phải có đại diện của ngành hàng ở thị trường để nắm bắt thông tin. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần tiếp tục đàm phán để ký Nghị định thư về những loại rau quả chưa được xuất khẩu chính ngạch để sản xuất và xuất khẩu ổn định,…
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, để chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch phải có lộ trình và quyết tâm cao để thực hiện. Thành công hay không không chỉ là nỗ lực của các Bộ, ngành liên quan mà còn phụ thuộc vào sự sẵn lòng tham gia và đồng thuận của doanh nghiệp và các Hiệp hội ngành hàng trong tổ chức lại sản xuất và cách tiếp cận mới đối với thị trường Trung Quốc./.
BT