"Giải pháp nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn trong công tác an toàn, vệ sinh lao động" 

(ĐCSVN) - Hội thảo phải trả lời được các câu hỏi: có tổ chức công đoàn thì công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) có tốt hơn nơi chưa có tổ chức công đoàn không? Công đoàn đã thực hiện tốt vai trò, quyền và nghĩa vụ của mình theo luật chưa? Công đoàn cơ sở đã đối thoại và thương lượng với người sử dụng lao động về ATVSLĐ như thế nào?

Ngày 15/5, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội thảo "Giải pháp nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn trong công tác ATVSLĐ" với sự tham gia của 50 đại biểu là cán bộ Công đoàn làm công tác ATVSLĐ tại LĐLĐ các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương. 

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, Hội thảo diễn ra ngay sau vụ tai nạn lao động tại Đồng Nai khiến hàng chục người thương vong. Điều này gợi nhiều điều phải suy nghĩ. Hội thảo phải trả lời được các câu hỏi: có tổ chức công đoàn thì công tác ATVSLĐ có tốt hơn nơi chưa có tổ chức công đoàn không? Công đoàn đã thực hiện tốt vai trò, quyền và nghĩa vụ của mình theo luật chưa? Công đoàn cơ sở đã đối thoại và thương lượng với người sử dụng lao động về ATVSLĐ như thế nào? 

 Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại Hội thảo 

Để trả lời những câu hỏi này, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đề nghị các đại biểu tập trung trí tuệ, thảo luận dân chủ, phát biểu thẳng thắn, đặc biệt là đề xuất các sáng kiến, giải pháp để công đoàn phát huy hơn nữa vai trò của mình trong công tác ATVSLĐ, vì tính mạng, sức khoẻ của người lao động. 

Ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo đều thống nhất rằng, ATVSLĐ là chính sách kinh tế - xã hội lớn của Đảng và Nhà nước, là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc đảm bảo ATVSLĐ là lợi ích thiết thực nhất đối với người lao động. 

Tổ chức công đoàn là đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Trong nhiều năm qua, Công đoàn Việt Nam luôn quan tâm, chú trọng thực hiện công tác bảo hộ lao động; đảm bảo ATVSLĐ; bảo vệ sức khoẻ và tính mạng cho người lao động. Nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc đảm bảo ATVSLĐ đã được các cấp công đoàn trong cả nước tích cực thực hiện.

Bên cạnh tham gia xây dựng chính sách pháp luật về ATVSLĐ ngày càng chất lượng, bảo đảm quyền lợi người lao động, hằng năm, tổ chức Công đoàn tham gia với cơ quan chức năng điều tra, kết luận các vụ tai nạn lao động (TNLĐ) theo quy định, phát hiện và kiến nghị, yêu cầu khắc phục gần 260.000 vi phạm và nguy cơ mất ATVSLĐ, trên 15.000 nội quy, quy trình biện pháp làm việc an toàn được rà soát, bổ sung; 9.170 cơ sở tổ chức phát động các phong trào thi đua về ATVSLĐ với trên 492 nghìn người tham gia...

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, những thách thức và nguy cơ trong công tác ATVSLĐ vẫn đang gia tăng; đòi hỏi các cấp công đoàn cần nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm. 

Theo số liệu từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2019 trên toàn quốc đã xảy ra 8.150 vụ tai nạn lao động làm 8.327 người bị nạn. Trong đó, 979 người chết và 1.892 người bị thương nặng (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và không theo hợp đồng lao động). 

Nguyên nhân của các vụ tai nạn lao động chủ yếu xuất phát từ vi phạm pháp luật về ATVSLĐ của người sử dụng lao động và cả người lao động. Nhiều hạn chế cũng được chỉ ra như nhận thức chưa đầy đủ về công tác ATVSLĐ, doanh nghiệp chưa coi trọng vai trò Công đoàn; chưa tuân thủ quy định ATVSLĐ, vi phạm về công tác huấn luyện, khám sức khỏe định kỳ, trang bị bảo hộ lao động; người lao động chưa thực hiện nghiêm quy định ATVSLĐ, 70% vụ tai nạn lao động là vi phạm quy trình vận hành...

Quang cảnh Hội thảo "Giải pháp nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn trong công tác ATVSLĐ" 

Bên cạnh đó, Công đoàn một số nơi chưa quan tâm đúng mức, không dành nguồn lực cho công tác này; cán bộ Công đoàn làm công tác ATVSLĐ thiếu, kiêm nhiệm nhiều, ít được tập huấn, huấn luyện, thiếu sâu sát cơ sở; hoạt động mạng lưới ATVSLĐ còn hình thức, chưa hiệu quả, chưa có quy chế hoạt động; phong trào ATVSLĐ chưa đều khắp, hình thức, chủ yếu tập trung ở doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước trong khi doanh nghiệp ngoài nhà nước ít tham gia.

Nhiều đại biểu kiến nghị cần sớm ban hành danh sách ngành nghề nặng nhọc, độc hại nguy hiểm; nghiên cứu đánh giá rủi ro về ảnh hưởng sức khỏe của người lao động trong các ngành điện tử… Riêng về giảm thiểu rủi ro trong ngành xây dựng, một số ý kiến cho rằng, cần cho phép tính chi phí riêng về đảm bảo ATVSLĐ thành một hạng mục của công trình và do chủ đầu tư chi trả để các nhà thầu không rút, giảm chi phí trang bị bảo hộ lao động cũng như các thiết bị an toàn cho người lao động...

Trao đổi tại Hội thảo, đại diện Better Work tại Việt Nam và đại diện Bộ Y tế đề xuất phối hợp với tổ chức Công đoàn để xây dựng nền tảng công nghệ đánh giá các nguy cơ, rủi ro của dịch COVID-19 và tiến tới là công tác ATVSLĐ, báo cáo tai nạn lao động tại nơi làm việc; phối hợp ở các cấp công đoàn và các tuyến y tế cơ sở trong công tác kiểm tra, giám sát ATVSLĐ, dinh dưỡng bữa ăn ca, phòng chống dịch bệnh, bệnh nghề nghiệp; phối hợp tập huấn công tác sơ cấp cứu tại nơi làm việc…

Kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đề nghị từng cán bộ công đoàn cần nâng cao nhận thức, chuyển biến hành động trong các cấp công đoàn cần tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động, làm tốt công tác đào tạo, huấn luyện đội ngũ làm công tác ATVSLĐ, nghiên cứu đề xuất các mô hình, quy trình, cách thức công đoàn tham gia công tác ATVSLĐ./.

 
 
Minh Châu
273 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1386
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1386
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87112766