GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TIÊP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO - TỪ GÓC NHÌN CÔNG AN 

Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn là vấn đề được quan tâm đồng hành với việc giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, tạo nền tảng để phát triển kinh tế, xã hội. Đây là trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, thể hiện trực tiếp nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, một hình thức cụ thể hóa và hiện thực hóa tư tưởng "dân là gốc" của Đảng, Bác Hồ và Nhà nước ta, giúp đảm bảo phát huy quyền làm chủ mọi mặt của Nhân dân. Qua đó, tạo điều kiện để Nhân dân trực tiếp tham gia quản lý Nhà nước với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; tạo điều kiện đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, nhũng nhiễu Nhân dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhà nước, tập thể và của cá nhân.

Trong thời gian qua, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã đạt được những thành tựu đáng kể. Thông qua công tác tiếp công dân, nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết; các vụ việc tranh chấp phát sinh trong nội bộ Nhân dân và giữa người dân với cơ quan Nhà nước được giải quyết theo đúng pháp luật, hiệu quả. Hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã đáp ứng được phần lớn yêu cầu của người dân, hướng tới nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.

Với chức năng, nhiệm vụ tham mưu lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo tỉnh Quảng Trị thực hiện công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh, những năm qua, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Công an tỉnh Quảng Trị luôn được quan tâm, chú trọng; kết quả công tác đã tạo nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh nhà.

Năm 2020, Công an tỉnh Quảng Trị tiếp 32 lượt/48 công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (giảm 33 lượt/23 công dân so với cùng kỳ năm trước (65 lượt/71 công dân)); tiếp nhận 133 đơn các loại, trong đó: 21 đơn không thuộc trách nhiệm giải quyết của Công an nhân dân (15.8%); 112 đơn thuộc trách nhiệm xem xét giải quyết của Công an nhân dân (84.2%). Trong tổng số 112 đơn thuộc trách nhiệm giải quyết của Công an nhân dân đã thụ lý, giải quyết 21 đơn khiếu nại, tố cáo (18.75%); xem xét xử lý 44 đơn kiến nghị (39.3%) và 08 đơn tố giác về tội phạm (do Thanh tra Công an tỉnh tiếp nhận (7.15%)); không xem xét giải quyết 39 đơn các loại (34.8%). 100% các vụ việc tố cáo, khiếu nại, kiến nghị, phản ánh tiếp nhận qua công tác tiếp công dân đều được xử lý, giải quyết theo quy định.

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được lãnh đạo các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện; nhận thức và trách nhiệm của thủ trưởng các cấp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo từng bước được hoàn thiện, nâng cao; việc theo dõi, kiểm tra, chấn chỉnh công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được chú trọng. Nhờ đó, tỷ lệ giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền Công an tỉnh trong năm đạt 100%, không để xảy ra vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài. Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã minh oan cho nhiều đơn vị, cán bộ, chiến sĩ; đồng thời kiến nghị xử lý các tập thể, cá nhân có sai phạm.

Mặc dù lãnh đạo các cấp đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, song thời gian gần đây, tình hình khiếu nại, tố cáo nói chung và khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác quản lý nhà nước của lực lượng Công an có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp; một số vụ việc phát sinh đơn kéo dài, vượt cấp; một số cố ý tố cáo sai sự thật nhằm mục đích, động cơ cá nhân, gây sức ép đối với cơ quan chức năng, làm phức tạp tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Bên cạnh một số nguyên nhân khách quan xuất phát từ phía người khiếu nại, tố cáo và hệ thống văn bản pháp luật còn một số bất cập, vướng mắc thì kết quả xử lý các vụ việc về hành chính, hình sự và công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các đơn vị trên địa bàn tỉnh vẫn còn bộc lộ những hạn chế, thiếu sót, dẫn đến phát sinh đơn phức tạp, kéo dài.

Từ thực tiễn công tác tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân của Công an tỉnh Quảng Trị, trên cơ sở đánh giá nguyên nhân phát sinh đơn trong trong thời gian qua; tác giả kiến nghị, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới:

Lãnh đạo chính quyền các cấp và các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn tỉnh:

 1. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”.

2. Quán triệt đầy đủ, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo; nghiêm cấm các hành vi tố cáo vượt cấp, tố cáo sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín, quyền lợi của các tập thể, cá nhân.

3. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; yêu cầu các vụ việc liên quan đến việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước phải được giải quyết theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định; không để xảy ra vi phạm dẫn đến phát sinh đơn.

4. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác giải quyết đơn để kịp thời chấn chỉnh nhằm nâng cao hiệu quả công tác. Đẩy mạnh công tác hòa giải, đối thoại, vận động, thuyết phục công dân chấm dứt khiếu nại, tố cáo không đúng, giảm thiểu các khiếu nại, tố cáo từ cơ sở. Phối hợp với cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và người dân về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

5. Kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiếp công dân có phẩm chất đạo đức tốt, vững về pháp luật, nghiệp vụ, có khả năng “dân vận tốt”; hướng dẫn, giải thích, thuyết phục để công dân hiểu và chấp hành đúng pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Thường xuyên tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác thanh tra đáp ứng yêu cầu công tác.

6. Quá trình tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, các cơ quan, ban, ngành phải tập trung chỉ đạo để xử lý, giải quyết dứt điểm, đúng quy định của pháp luật, không để tồn đọng, kéo dài, hình thành vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp. Thường xuyên tranh thủ ý kiến tư vấn của các đơn vị chuyên môn có chức năng tham mưu, xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo để đảm bảo việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng quy định của pháp luật.

Sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của lãnh đạo chính quyền các cấp và các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn tỉnh là yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trên địa bàn tỉnh nhà./. Ngọc Cư- Công an tỉnh

 

 

13527 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1129
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1129
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87157814