Giải pháp nâng cao chất lượng không gian sống cho nhà ở đô thị 

(ĐCSVN) - Tại Việt Nam, vấn đề nhà ở đô thị ngày càng trở nên phức tạp và đòi hỏi sự đổi mới và sáng tạo trong thiết kế và xây dựng. Để giải quyết những thách thức này một cách hiệu quả, cần phải có sự hợp tác sâu rộng giữa các chuyên gia và các bên liên quan.

 

Hình ảnh tại buổi Toạ đàm (Ảnh: NT)

Ngày 26/6, Báo Kinh tế & Đô thị, chuyên trang Diễn đàn Đô thị phối hợp cùng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và Cộng đồng Thiết kế nội thất trẻ Việt Nam tổ chức Toạ đàm: "Giải pháp Kiến trúc - Nội thất nâng cao chất lượng không gian sống cho nhà ở đô thị".

Phát biểu khai mạc, PGS. TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cho biết, Tọa đàm nhằm hướng đến việc đổi mới sáng tạo trong thiết kế các không gian nhà ở trong các thành phố, từ đó tạo ra những môi trường sống bền vững và hài hòa với tự nhiên.

Để làm được  điều này cần khuyến khích các kiến trúc sư và chuyên gia trong ngành Xây dựng tìm ra nhiều giải pháp sáng tạo để giảm thiểu tác động của các dự án xây dựng đến môi trường và tài nguyên, bao gồm việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, thiết kế không gian xanh, và công nghệ xây dựng tiên tiến.

PGS. TS Nguyễn Thành Lợi cũng nhấn mạnh 4 nhóm giải pháp nâng cao chất lượng không gian sống cho nhà ở đô thị.

Một là, khảo sát và ứng dụng các xu hướng mới: Liên tục cập nhật và áp dụng những xu hướng mới trong thiết kế nhà ở đô thị, từ những công nghệ xanh đến các phương pháp xử lý chất thải và nước thải hiệu quả.

Hai là, xây dựng cộng đồng tri thức: Phát triển một mạng lưới các chuyên gia, nhà nghiên cứu và các kiến trúc sư để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và thực tiễn trong việc thiết kế và nâng cao chất lượng không gian sống cho nhà ở đô thị.

Ba là, nâng cao chất lượng cuộc sống: Tập trung vào việc tạo ra các không gian sống an toàn, thoải mái và thân thiện với môi trường cho cư dân, từ đó cải thiện sức khỏe và tăng cường mối quan hệ cộng đồng.

Cuối cùng, khuyến khích sự đổi mới và hợp tác: Đẩy mạnh sự hợp tác giữa các bên liên quan như nhà thiết kế, những doanh nghiệp xây dựng và cộng đồng dân cư để thúc đẩy sự phát triển bền vững của các dự án nhà ở đô thị.

Tại Tọa đàm, các chuyên gia đã cùng đưa ra môt số quan điểm về thiết kế nhà ở với mục tiêu nâng cao chất lượng không gian sống đô thị.

PGS.TS.KTS Vũ Hồng Cương - Phó Chủ tịch Hội Nội thất Việt Nam, Trưởng khoa Nội thất, Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, trong thiết kế, tính khoa học, tính nghệ thuật và tính thực tiễn là ba yếu tố đan xen không thể tách rời.

Trong đó, tính khoa học thể hiện ở việc tính toán và tạo dựng không gian và bố trí những trang thiết bị một cách hợp lý về các mặt từ kết cấu đến việc thuận tiện cho việc sử dụng.

Tính nghệ thuật thể hiện ở cách bài trí, trang trí, lựa chọn mẫu mã, sử dụng ánh sáng, màu sắc, hoa văn phù hợp với đặc điểm của không gian, gây ấn tượng thẩm mỹ tốt và phù hợp tâm sinh lý của người sử dụng.

Tính thực tiễn thể hiện ở việc sản phẩm phải đáp ứng nhu cầu của con người. Sử dụng các vật liệu, thiết bị phù hợp và giá cả phải chăng. Thiết kế nội thất đòi hỏi tính toán thi công thuận lợi và tạo quan hệ với khách hàng một cách tích cực.

"Thiết kế nội thất bao gồm tổng hợp quá trình tư vấn xây dựng nhiệm vụ thiết kế, thiết lập mặt bằng bố trí công năng, bố cục thị giác, thiết kế chi tiết các bề mặt hoàn thiện và không gian bên trong công trình kiến trúc, thỏa mãn nhu cầu của con người về nơi trú ẩn. Từ đó tạo tiền đề thiết lập cho những hoạt động, nuôi dưỡng cảm xúc tinh thần" - PGS.TS.KTS Vũ Hồng Cương chia sẻ.

Chia sẻ tại Toạ đàm, TS.KTS Nguyễn Việt Huy - Chủ tịch Chi hội KTS Trường Đại học Xây dựng Hà Nội nhấn mạnh đến tính an toàn, tiện nghi trong tổ chức không gian kiến trúc. Ông cho rằng, với tốc độ đô thị hóa cao xu hướng căn hộ với các diện tích nhỏ, căn hộ mini đang rất thịnh hành tại các nước phát triển ở châu Á như Hồng Kông và Singapore và dần lan đến Việt Nam. Do đó, cần phải tận dụng không gian sống ít ỏi của mình một cách thông minh và hiệu quả.

TS.KTS Nguyễn Việt Huy cũng đưa ra giải pháp thiết kế không gian kiến trúc nội thất trong nhà ống đô thị, cần đưa không gian xanh vào tối đa công trình; không gian cần kết nối, liên thông vào các công trình này.

Đối với biệt thự, TS.KTS Nguyễn Việt Huy đề cập đến tầm quan trọng của không gian mở và liên thông: “Ánh sáng tự nhiên và nhân tạo phải kết hợp linh hoạt cho mọi không gian. Không gian mở và liên thông cho phép thông gió xuyên phòng đồng thời không gian có thể đóng lại vào mùa đông...”.

Tại buổi tọa đàm, Chủ tịch HĐQT iHãus, Kỹ sư Trịnh Thanh Hà đã giới thiệu hệ thống MEP cùng với nhà thông minh theo tiêu chuẩn KNX.

Hệ thống MEP (hay Mechanical Electrical Plumbing) là thuật ngữ đề cập đến việc tính toán, thiết kế, cung cấp và lắp đặt các hạng mục liên quan đến cơ khí, điện và hệ thống nước/thủy lợi trong các công trình.

Các hệ thống MEP hiện đại cung cấp điện ổn định, an toàn, dự phòng sự cố, chống sét, tiếp địa làm việc và sự cố. Đảm bảo khí hậu với điều hòa không khí, giám sát điều kiện vi khí hậu cấp gió tươi thu hồi nhiệt, lọc bụi và virus có hại.

Ngoài ra, hệ thống còn cấp nước sạch và thoát nước; điện thông minh (điều khiển chiếu sáng; điều hòa; thông gió; rèm cửa; an ninh; an toàn) và an ninh, an toàn với chống đột nhập, phá cửa nhiệt, khói và sự tăng trưởng đột ngột của CO2.

 
Minh Phương
46 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 942
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 942
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87121688