Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa- nhìn từ Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) 

Huyện Hải Lăng, hiện có 49 cán bộ chuyên trách công tác văn hóa, trong đó, đang công tác tại huyện 19 đồng chí; cấp xã 30. Về trình độ chuyên môn: Cấp huyện 01 đ/c có trình độ thạc sĩ, 16 đ/c có trình độ đại học, 02 đ/c có trình độ trung cấp. Về trình độ lý luận chính trị: 01 đồng chí có trình độ cao cấp; 08 đồng chí có trình độ trung cấp; 10 đồng chí có trình độ sơ cấp; cấp xã 26 công chức có trình độ Đại học, tỉ lệ 86,67%; 04 công chức, tỉ lệ 13,33% trình độ Trung cấp. Về lý luận chính trị: Sơ cấp 01 công chức; Trung cấp 20 công chức; 29/30 công chức là đảng viên.

Trong những năm qua, huyện Hải Lăng luôn quan tâm việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa và công tác văn hóa.

Trước hết, Huyện đã thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa.

Thứ hai, huyện có chính sách đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ văn hóa, văn nghệ phù hợp với trình độ chuyên môn nhằm phát huy năng lực, sở trường, phẩm chất nhằm tạo điều kiện tốt nhất  mỗi người trên cương vị công tác, nhiệm vụ được giao hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong đó, đã tổ chức 01 lớp tập huấn bài chòi tại huyện và tham gia 01 lớp tại tỉnh cho 38 học viên là cán bộ VHTT và các hạt nhân phong trào của các xã, thị trấn; cử 40 lượt cán bộ phụ trách lĩnh vực văn hóa cơ sở cấp huyện và các xã, thị trấn tham gia 02 lớp bồi dưỡng về lĩnh vực văn hóa cơ sở và công tác gia đình do tỉnh tổ chức; tham gia 03 lớp tập huấn chuyển đổi số, CNTT và truyền thông cho 54 lượt cán bộ văn hóa cấp huyện và các xã, thị trấn; 01 lớp tập huấn về bồi dưỡng nguồn nhân lực hệ thống truyền thanh cơ sở cho 18 cán bộ phụ trách lĩnh vực thông tin truyền thông Phòng VH&TT, Đài truyền thanh huyện và 16 xã, thi trấn. Ngoài ra còn tổ chức và tham gia có hiệu quả các đợt tập huấn bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ khác cho tỉnh và huyện tổ chức. Nhờ vậy, đội ngũ cán bộ, công chức văn hóa các cấp huyện Hải Lăng được đào tạo cơ bản, trình độ chuyên môn đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, có bản lĩnh chính trị, đặc biệt là năng lực và tâm huyết trong hoạt động và sáng tạo văn hóa.

Thứ ba, Cấp ủy đảng các cấp từng bước đổi mới phương thức lãnh đạo đối với lĩnh văn hóa, như:  xác định rõ việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên từ đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương, đơn vị bám sát kế hoạch để tổ chức thực hiện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn xã hội đối với nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Cùng với đó, đã tổ chức, triển khai tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh coi đó là giải pháp quan trọng nhằm xây dựng văn hóa, đạo đức, lối sống lành mạnh trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và toàn thể nhân dân.

Thứ tư, chú trọng xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở nhằm phục vụ tốt công tác văn hóa: Năm 2020, huyện bố trí kinh phí xây dựng Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện với mức đầu tư hơn 37 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng hạng mục nhà thi đấu trước ngày 30/6/2023. Năm 2022, huyện bố trí 500 triệu đồng nâng cấp, sửa chửa Nhà Thiếu nhi huyện đáp ứng tốt các hoạt động của thanh, thiếu nhi trên địa bàn. Toàn huyện có 15/16 xã, thị trấn có nhà văn hóa xã (nhà văn hóa xã Hải An đang triển khai xây dựng); 79 nhà văn hóa làng, thôn, khóm; 155 cổng chào; 98 cụm tuyên truyền cổ động; 682 pano, áp phích; 100 % xã, thị trấn có tủ sách pháp luật và các loại báo chí khác; có 12 đội nhạc cổ truyền của các làng văn hóa; 17 trạm truyền thanh xã, thị trấn; 54 trạm truyền thanh HTX; 04 bưu cục và 17 điểm Bưu điện văn hóa xã; 46 sân bóng đá; 95 sân bóng chuyền; 45 sân cầu lông; 05 câu lạc bộ võ thuật cùng với các dụng cụ thể dục, thể thao cho người dân tập luyện nâng cao sức khỏe tại Lễ đài 19/3 và các đường. 100% trường học phổ thông có thư viện đạt chuẩn; xây dựng thư viện điện tử tại thư viện huyện và trưng bày trên 11.387 đầu sách phục vụ bạn đọc; có 81 di tích được công nhận là di tích cấp tỉnh và cấp quốc gia, hầu hết các di tích được phân cấp quản lý và khoanh vùng bảo vệ.

Thứ năm, tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh gắn với công tác quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu du lịch bằng nhiều hình thức. Huyện đã phối hợp với Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh, Đài Phát thanh- Truyền hình Quảng Trị, đoàn làm phim S-Việt Nam, VTV1, VTV2, VTV4, SCTV12, Trung tâm tin tức VTV24 của Đài truyền hình Việt Nam... giới thiệu, quảng bá các điểm du lịch, các đặc sản ẩm thực đặc trưng của Hải Lăng: Bãi tắm Mỹ Thủy, Khu Du lịch sinh thái Trằm Trà Lộc, nhà thờ La Vang, Làng Hội kỳ, Thác Chờơng, Đập Trén, khám phá vùng đất Bảy Càng, làng nón Trà Lộc, làng rượu Kim Long, đặc sản ẩm thực Bánh ướt Phương Lang, Ớt dầm Câu Nhi, cháo cá Vạt giường...

Có thể nói việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của văn hóa đối với sự phát triển. Nhiều giá trị văn hóa; các quy định pháp luật và quy chế, quy tắc ứng xử văn hóa ngày càng thấm sâu vào đời sống; tạo dựng môi trường sống lành mạnh cho cộng đồng dân cư, cho mỗi gia đình và từng cá nhân; việc xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất các thiết chế văn hóa cơ sở được quan tâm và từng bước phát huy hiệu quả; các hoạt dộng xã hội hóa văn hóa ngày càng nhiều, tạo nên sự đa dạng về nội dung và phương thức trong tổ chức xây dựng đời sống văn hóa và phát huy sức sáng tạo văn hóa của Nhân dân trên địa bàn toàn huyện.

Tuy nhiên, hiện nay, đội ngũ cán bộ văn hóa cấp xã thường xuyên biến động; một số xã, công chức VH-XH hoạt động kiêm nhiệm hai lĩnh vực (Văn hóa thông tin kiêm Lao động thương binh xã hội) nên gặp khó khăn trong việc giải quyết kịp thời các nhiệm vụ chuyên môn được giao; năng lực của một số cán bộ công chức văn hóa còn hạn chế nên chưa khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở,…

Từ thực tế hoạt động văn hóa cơ sở, để tiếp tục nâng cao chất lượng cán bộ văn hóa cơ sở thiết nghĩ:

Thứ nhất: Tiếp tục nâng cao nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền địa phương về vai trò, vị trí của văn hóa nói chung và cán bộ làm văn hóa nói riêng. Đây là một trong những lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm, tinh tế, liên quan đến nền tảng tinh thần, mục tiêu, động lực của sự phát triển; liên quan trực tiếp đến đời sống tư tưởng, tình cảm và lối sống của cá nhân, cộng đồng.

Thứ hai, chủ động dự báo nhu cầu cán bộ để quy hoạch gắn với đào tạo, có định hướng bồi dưỡng cán bộ công chức văn hóa cơ sở theo tiêu chuẩn chức danh, trang bị bổ sung những kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng quản lý điều hành, từng bước tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức văn hóa cơ sở đáp ứng với yêu cầu quá trình phát triển văn hóa.

Thứ ba, thường xuyên tập huấn, bổ sung kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, về kỹ năng quản lý và tổ chức các nội dung hoạt động xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; bổ sung kịp thời các chương trình đào tạo dài hạn, ngắn hạn cho cán bộ liên quan đến hoạt động văn hóa cơ sở.

Thứ tư, trong tình hình mới đòi hỏi mỗi cán bộ văn hóa phải không ngừng tự trau dồi, nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn; phải luôn nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu, xung kích đi đầu trong mọi nhiệm vụ, phong trào, nâng cao kiến thức quản lý nhà nước và phương pháp tổ chức hoạt động thực tiễn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác trong tình hình mới. Thường xuyên nắm bắt kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động văn hóa cơ sở, nắm bắt kịp thời những diễn biến trong đời sống của Nhân dân tại địa phương mình để tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện. Trí Ánh

204 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin cơ sở

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1011
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1011
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77270491