GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TỈNH QUẢNG TRỊ GIAI ĐOẠN 2021 – 2030 

Những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2011-2020. Tỉnh ủy, HĐND, UBND đã ban hành hơn 150 văn bản để chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ CCHC.

Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác CCHC trong giai đoạn 2014 – 2020 và Nghị quyết về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2016-2020”; HĐND tỉnh đã ban hành 04 Nghị quyết về Kế hoạch giám sát hoạt động cơ chế một cửa tại Văn phòng Một cửa các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản triển khai trên các lĩnh vực như: Chương trình hành động số 3245/Ctr-UBND, ngày 15/8/2016 thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy; Quyết định số 497/QĐ-UBND về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 37/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; các văn bản về cơ chế một cửa như Chỉ thị số 03/CT-UBND, ngày 9/2/2015 về việc nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh; chương trình hành động duy trì và củng cố chi số hiệu quả quản trị hành chính công tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2014-2016 tầm nhìn đến năm 2020 tại Quyết định số 1399/QĐ-UBND, ngày 4/7/2014; chương trình hành động cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh trạnh cấp tỉnh giai đoạn 2014-2020 tại Quyết định số 1383/QĐ-UBND, ngày 7/7/2014.

Với sự quyết tâm đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành CCHC của tỉnh đã tạo được niềm tin trong xã hội bằng những kết quả tích cực, sự chuyển biến rõ nét trong các cơ quan hành chính nhà nước.

Trong những năm qua, công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào nền nếp, nội dung, hình thức và trình tự thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo đúng quy trình, quy định. Về thủ tục hành chính, đã công bố 1.981 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết từ cấp tỉnh đến cấp xã theo đúng quy định, 100% thủ tục hành chính được công khai trên Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia, đồng thời xây dựng 1.927 quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính và số hóa thành quy trình điện tử trên Hệ thống thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị; có nhiều sáng kiến, giải pháp trong công tác cải cách thủ tục hành chính đã được triển khai, áp dụng. Bước đầu đem lại tín hiệu tích cực, nhiều cán bộ, công chức, viên chức và các cơ quan nhà nước đã có sự chuyển động theo hướng phục vụ người dân như phần mềm thu phí tập trung và phát hành biên lai điện tử do ngân hàng Vietcombank phối hợp thực hiện, ứng dụng Zalo trong phục vụ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đánh giá chất lượng giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông bằng phiếu đánh giá phát tại quầy giao dịch của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Về cải cách bộ máy hành chính, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND huyện, thành phố, thị xã được điều chỉnh, sắp xếp lại tinh gọn, hiệu quả. Công tác phân cấp quản lý được đẩy mạnh. Cải cách tổ chức bộ máy nhà nước tỉnh Quảng Trị xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Sau khi kiện toàn, bộ máy của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện được sắp xếp lại, cấp tỉnh có 19 cơ quan (giảm 7 cơ quan), cấp huyện có 112 cơ quan 9 giảm 13 cơ quan. Các quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập” toàn tỉnh đã sắp xếp, tổ chức lại 664 đơn vị thành 509 đơn vị, giảm 155 đơn vị, giảm 23,3% đơn vị sự nghiệp công lập năm 2015, vượt 13,3% so với mục tiêu của Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của BCHTW “về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” đến 2021. Đến nay các huyện đã sắp xếp các xã, thị trấn, giảm 16 xã.

Về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, có chính sách tuyển dụng, thu hút người tài, sinh viên học tập xuất sắc. Từ 2013 đến nay, tỉnh đã thu hút được 63 công chức và 232 viên chức. Tổ chức thi nâng ngạch công chức và thăng hạng viên chức. Thực hiện thi tuyển các chức danh trong lãnh đạo, quản lý. Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên nhiều so với trước, đặc biệt là trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, kỹ năng hành chính, kỹ năng xử lý giải quyết công việc và trình độ ngoại ngữ ngày một tốt hơn đáp ứng yêu cầu công tác.

Về cải cách tài chính công: Việc thực hiện cơ chế tự chủ về biên chế, quản lý kinh phí hành chính trong các cơ quan hành chính nhà nước tạo điều kiện chủ động cho các cơ quan, đơn vị sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn kinh phí và biên chế được giao. Toàn tỉnh có 20/20 sở, ban ngành cấp tỉnh và 10/10 huyện, thị, thành đã có trang thông tin điện tử, qua đó, cung cấp đầy đủ thông tin dịch vụ công trực tuyến phục vụ cho người dân và doanh nghiệp; 100% các sở, ban ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh triển khai ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong thực hiện chương trình CCHC vẫn còn một số hạn chế. Một số sở, ngành, địa phương chưa chủ động, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, thực hiện công tác cải cách hành chính. Kế hoạch cải cách hành chính thiếu cụ thể về nhiệm vụ, thời gian, kết quả và trách nhiệm tổ chức thực hiện. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông còn tình trạng giải quyết thủ tục hành chính trễ hạn, nhất là thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai. Xây dựng chính quyền điện tử được triển khai nhưng kinh phí đầu tư ít, thiếu các sáng kiến, giải pháp tích cực trong cải cách hành chính nhất là các giải pháp để người dân, tổ chức áp dụng công nghệ thông tin trong thực hiện hồ sơ thủ tục hành chính theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Nhằm nâng cao chất lượng CCHC giai đoạn 2021 – 2030, thực hiện chiến lược số hóa với cơ sở dữ liệu dân cư tốt hơn để giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, cần tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh. Thực hiện Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2021 – 2030 một cách toàn diện và đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, lấy người dân làm trung  tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Nâng cao vai trò của cơ quan chủ trì tham mưu cho HĐND và UBND tỉnh đôn đốc và theo dõi việc thực hiện các nhiêm vụ CCHC trên địa bàn.

Tăng cường tính công khai minh bạch để sát dân, sát cơ sở, phục vụ người dân. Đi đôi với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá quá trình triển khai thực hiện công tác CCHC. Hoàn thiện tổ chức bộ máy, nhân sự cho tổ chức pháp chế các cơ quan chuyên môn và các cơ quan khác theo quy định, gắn với  chất lượng đào tạo, bồi dưỡng  nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật và CCHC. Ứng dựng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo điều hành công việc và trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ về văn bản quy phạm pháp luật, tập trung vào việc  xây dựng các cơ sở dữ liệu điện tử quản lý chuyên ngành. Có như vậy, mới đẩy mạnh CCHC, xây dựng  nền hành chính trong sạch, vững mạnh, công khai minh bạch, thông suốt, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, xây dựng chính quyền thân thiện, thực sự của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nguyễn Quốc Thanh

 

 

1704 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1252
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1252
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87165593