Quang cảnh tại hội thảo. (Ảnh: K.D)
Ngày 25/10, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã tổ chức Hội thảo "Giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Công Thương".
Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt, xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Tính riêng các loại túi nilon, ước tính mỗi năm Việt Nam sử dụng và thải bỏ khoảng hơn 30 tỷ túi/năm. Ở các đô thị, lượng túi nilon được tiêu thụ trung bình khoảng 10,48 - 52,4 tấn/ngày, riêng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày có khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon thải ra môi trường. Trong số này, chỉ khoảng 17% số túi nilon được thường xuyên tái sử dụng, số còn lại đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần. Nếu tính chỉ số sản phẩm nhựa trên đầu người, đến nay là trên 41 kg/người/năm, trong khi chỉ số này năm 1990 là 3,8 kg/người/năm.
Ông Đặng Chương Linh, đại diện Vụ Thị trường trong nước ( Bộ Công Thương) cũng cho biết, với đặc điểm có giá thành sản xuất rẻ và tiện lợi đựng bất cứ thứ gì có thể, túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần đã trở thành vật dụng phổ biến trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt của người dân, đặc biệt tại các siêu thị lớn, trung tâm thương mại, chợ truyền thống…Riêng Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày có khoảng 30 tấn nilon được sử dụng tại các chợ, trung tâm thương mại và siêu thị, chưa kể tại các hộ dân.
Đề xuất một số giải pháp nhằm loại bỏ túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại chợ, trung tâm thương mại và siêu thị ở nước ta trong thời gian tới, đại diện Vụ thị trường trong nước cho rằng, đối với các doanh nghiệp, cần có lộ trình giảm thiểu việc sản xuất túi nhựa sử dụng hằng ngày hoặc chuyển đổi sang sản xuất các sản phẩm tái chế. Đối với người dân, cần thay đổi hành vi sử dụng như chuyển đổi thói quen khi đi chợ có thể sử dụng túi đựng nhiều lần, sử dụng túi dễ phân hủy. Về phía chính quyền, cần tăng cường kiểm tra các hoạt động tái chế, kiểm soát việc sử dụng túi nylon tại các trung tâm thương mại, siêu thị, đặc biệt là chợ truyền thống.
Tuy nhiên, có thể thấy việc hạn chế tiến tới ngừng sử dụng bao bì nhựa, túi nilon sử dụng một lần, khó phân hủy là việc làm cần thiết, nhưng với thực tế hiện nay, việc này không thể thực hiện ngay lập tức hoặc trong thời gian ngắn, thay vào đó cần có lộ trình, sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành và các cơ quan liên quan, đặt ra các nhiệm vụ cụ thể, triển khai từng bước một cách hợp lý.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Thái - Tổng Biên tập Tạp chí Công nghiệp môi trường cũng cho rằng: Ngoài việc tăng thuế nguyên liệu đầu vào với các sản phẩm nhựa dùng một lần, nhựa khó phân hủy, ưu tiên sử dụng phế thải nhựa phát sinh trong nước để tái chế thì cần có chế tài quản lý chặt chẽ các phế thải nhập khẩu để đảm bảo đúng mục tiêu của các doanh nghiệp đã đăng ký. Hạn chế, tiến tới cấm nhập khẩu phế thải, nên tăng cường đưa các sản phẩm thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần, nhựa khó phân hủy vào phục vụ cuộc sống. Các sản phẩm phải đa dạng, phù hợp với nhu cầu và giá cả tiêu dùng.Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng về tác hại sản phẩm nhựa dùng một lần, nhựa khó phân hủy...
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng chia sẻ thêm một số thực trạng gặp phải hiện nay như giá các sản phẩm nhựa dùng một lần, nhựa khó phân hủy thấp, dễ mua; sản phẩm thay thế nhựa dùng một lần, nhựa khó phân hủy còn ít, khó tìm, giá cao; chính sách quản lý phế liệu nhựa nhập khẩu; nhựa dùng một lần, nhựa khó phân hủy còn bất cập…Việc hạn chế tiến tới ngừng sử dụng bao bì nhựa, túi nilon sử dụng một lần, khó phân hủy là việc làm cần thiết, nhưng với thực tế hiện nay, việc này cần có lộ trình thực hiện, cần có sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, chính quyền, cộng đồng, người dân./.
K.D