Giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng tại trung tâm chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị  

Nhận thức rõ vị trí, vai trò của trung tâm chính trị cấp huyện trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ, tính gương mẫu và tinh thần vì Nhân dân phục vụ của cán bộ, đảng viên; nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ, đoàn viên và hội viên ở cơ sở, trong những năm qua tỉnh Quảng Trị rất quan tâm đến công tác công lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị tại các trung tâm chính trị cấp huyện.

Tỉnh Quảng Trị hiện có 09 trung tâm chính trị cấp huyện với tổng số 28 đồng chí giảng viên chuyên trách và 82 đồng chí giảng viên kiêm nhiệm. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp huyện, các trung tâm chính trị trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ chính trị được giao, cụ thể:

- Về kết quả đào tạo, bồi dưỡng: Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, các Trung tâm chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh đã ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo đúng kế hoạch đề ra, từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 663 lớp với 68.965 người, lượt người tham gia.

- Về việc kiện toàn tổ chức bộ máy các trung tâm chính trị cấp huyện: Thực hiện Quy định 208-QĐ/TW, ngày 08/11/2019 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm chính trị cấp huyện, đến nay tổ chức bộ máy các trung tâm chính trị cấp huyện trên toàn tỉnh đã được cũng cố kiện toàn và sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, quy định rõ ràng hơn tiêu chuẩn cán bộ, giảng viên. Theo đó Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện được đổi tên thành trung tâm chính trị cấp huyện. Thay vì trực thuộc cấp ủy và UBND cấp huyện, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện như trước đây, đến nay trung tâm chính trị cấp huyện là đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp ủy cấp huyện, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện. Trưởng Ban Tuyên giáo cấp ủy cấp huyện là giám đốc trung tâm chính trị cấp huyện theo chế độ kiêm nhiệm. Toàn tỉnh Quảng Trị đã có 9/9 trung tâm kiện toàn các chức danh lãnh đạo trung tâm, gồm 01 giám đốc (Trưởng Ban Tuyên giáo kiêm Giám đốc trung tâm), 01 phó giám đốc. Biên chế của các trung tâm trên toàn tỉnh có 25 biên chế, trong đó: Trình độ chuyên môn: 100% có trình độ Đại học trở lên. Trình độ Lý luận chính trị: Cao cấp, có 21/25 đồng chí, chiếm 84%; Trung cấp có 4/25 đồng chí, chiếm 16%. Giảng viên chuyên trách có 17 đồng chí; giảng viên kiêm nhiệm được Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện ban hành Quyết định có 82 đồng chí. Lãnh đạo trung tâm chính trị: 9/9 Trung tâm có chức danh giám đốc, phó giám đốc; 100% các đồng chí lãnh đạo Trung tâm có trình độ chuyên môn Đại học và trình độ lý luận chính trị Cao cấp.

- Về việc nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ giảng viên: Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp huyện chú trọng chỉ đạo, tạo điều kiện để đội ngũ giảng viên tại các trung tâm chính trị cấp huyện được nâng cao về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị như tạo điều kiện cho tham gia học Cao cấp lý luận chính trị, Trung cấp lý luận chính trị, các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, bồi dưỡng phương pháp giảng dạy lý luận chính trị, các hội nghị báo cáo viên, thông tin thời sự…. Ngoài ra, các giảng viên của trung tâm chính trị cấp huyện cũng đã tích cực tự học, tự bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ và kinh nghiệm thực tiễn cho bản thân.

- Về nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng:

Để nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, các trung tâm chính trị cấp huyện tích cực thực hiện hoạt động thao giảng giảng viên lý luận chính trị cho đội ngũ giảng viên chuyên trách và kiêm chức. Thông qua thao giảng, từng bước nâng cao năng lực, kỹ năng giảng dạy của đội ngũ giảng viên, tạo điều kiện để cán bộ làm công tác tham mưu, quản lý và giảng viên trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Ngoài ra, còn cổ vũ, động viên cán bộ, giảng viên các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện trong tỉnh, tạo phong trào thi đua mới, đưa hoạt động giáo dục lý luận chính trị ngày càng đi vào nền nếp.

Nhằm tạo điều kiện để giảng viên các trung tâm chính trị cấp huyện được học hỏi, giao lưu, trau dồi chuyên môn; rèn luyện kỹ năng, phương pháp sư phạm; nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp… từ đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp huyện tích cực chỉ đạo và tổ chức tốt các hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi cấp tỉnh và chỉ đạo, tạo mọi điều kiện để giảng viên các trung tâm chính trị được tham gia các Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi cấp khu vực và chung khảo toàn quốc. Từ năm 2018 đến 2022, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức rất thành công 02 hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi cấp tỉnh và tham gia hội thi cấp khu vực và chung khảo toàn quốc đạt đều thành tích cao. Cụ thể, năm 2018, tại Hội thi cấp khu vực, tỉnh Quảng Trị có 01 thí sinh đạt giải Ba; tham gia Hội thi Chung khảo toàn quốc kết quả có 01 thí sinh đạt giải Nhất toàn quốc. Năm 2022, tại Hội thi cấp khu vực, tỉnh Quảng Trị có 01 thí sinh đạt giải Nhất và 01 thí sinh giải Nhì; tham gia Hội thi Chung khảo toàn quốc kết quả có 01 thí sinh đạt giải Nhất toàn quốc và 01 giải Khuyến khích.

- Về việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học: Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 1022-QĐ/TU, ngày 20/6/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XV về “Phê duyệt Đề án phát triển Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện giai đoạn 2013 - 2020”, đến nay, sau 10 năm triển khai thực hiện, hệ thống hệ thống cơ sở vật chất các trung tâm chính trị cấp huyện được quan tâm đầu tư, xây dựng. Tính đến tháng 6 năm 2023, có 04 trung tâm chính trị được xây mới và đưa vào sử dụng với tổng kinh phí hơn 25 tỷ đồng; 05 trung tâm chính trị được cấp kinh phí sửa chữa, nâng cấp, cải tạo với kinh phí gần 2 tỷ đồng.

Trang thiết bị phục vụ việc đào tạo, bồi dưỡng cũng được quan tâm đầu tư. Phòng làm việc và phòng học được trang bị đầy đủ thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập như: Máy tính, bảng, bục giảng, bàn ghế cho giảng viên và học viên, tăng âm, loa máy, máy chiếu, thiết bị chiếu sáng, quạt... Cơ bản đảm bảo phương tiện, thiết bị giáo dục cho giảng viên soạn giảng và thực hiện các phương pháp giảng dạy mới. Hệ thống thư viện được bố trí hợp lý, đủ ánh sáng; có bàn ghế, sách, báo; có các đầu sách tham khảo về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ phục vụ việc nghiên cứu và tra cứu tài liệu của giảng viên và học viên…

Từ những kết quả trên, trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng hoạt động đạo tạo, bồi dưỡng tại các trung tâm chính trị, tỉnh Quảng Trị xin đề xuất các giải pháp sau:

Một là: Tăng cường đầu tư vào cơ sở vật chất và trang thiết bị: Các trung tâm chính trị cấp huyện cần được đầu tư vào cơ sở vật chất và trang thiết bị đầy đủ, hiện đại. Điều này giúp cho các học viên có môi trường học tập tốt hơn, thuận tiện hơn và giúp cho giảng viên có thể truyền đạt kiến thức một cách hiệu quả hơn.

Hai là: Cấp ủy các cấp cần tạo điều kiện cho giảng viên đào tạo: Để đảm bảo chất lượng đào tạo, cần có đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm và năng lực giảng dạy tốt. Các trung tâm cần có chính sách hỗ trợ giảng viên về nghiên cứu, đào tạo, đánh giá và tạo điều kiện cho giảng viên tham gia các chương trình đào tạo chuyên sâu.

Ba là: Tập trung đổi mới phương pháp giảng dạy hiệu quả: Các trung tâm chính trị cấp huyện cần tập trung vào phương pháp giảng dạy hiệu quả, đảm bảo các học viên được học tập một cách tối đa. Cần phải có những phương pháp giảng dạy linh hoạt, sáng tạo, đồng thời sử dụng công nghệ thông tin để tăng tính tương tác và động lực học tập cho học viên.

Bốn là: Đánh giá và đổi mới chương trình đào tạo: Các trung tâm chính trị cấp huyện cần thường xuyên đánh giá chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức mới, đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo. Đồng thời cần đảm bảo tính khoa học, tính ứng dụng và tính thực tiễn của chương trình.

Năm là: Tăng cường hoạt động thực tế và tương tác giữa học viên: Các hoạt động thực tế và tương tác giữa học viên giúp cho họ có thể áp dụng kiến thức và kỹ năng đã học vào thực tiễn. Các trung tâm cần tổ chức các hoạt động như thực tập, tham quan, trao đổi kinh nghiệm để tăng cường tương tác giữa học viên.

Sáu là. Xây dựng hệ thống đánh giá và giám sát chất lượng đào tạo: Các trung tâm cần xây dựng hệ thống đánh giá và giám sát chất lượng đào tạo để đảm bảo chất lượng đào tạo được nâng cao liên tục. Hệ thống này cần phải được thiết kế một cách khoa học, bao gồm các tiêu chí đánh giá về năng lực của giảng viên, chất lượng đào tạo, độ hài lòng của học viên và sự phản hồi từ cộng đồng. Châu Minh

413 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1181
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1181
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 84187227