Ở tỉnh ta, Đakrông là một trong những huyện có nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế du lịch Đakrông nằm phía tây tỉnh Quảng Trị, trên trục hành lang kinh tế Đông Tây, có cửa khẩu quốc tế La Lay, có sự kết nối với của khẩu Quốc tế Lao Bảo thông thương với nước bạn Lào thông qua Quốc lộ 9. Đakrông có 31 di tích lịch sử, trong đó có 02 khu di tích cấp quốc gia là Chiến Khu Ba Lòng và đường Hồ Chí Minh; có 10 hang động lớn nhỏ tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng diễn ra quanh năm. Có hệ thống sinh thái rừng đặc dụng có giá trị cao như Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông có thảm thực vật phong phú, đa dạng và quý hiếm tạo điều kiện cho các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch khám phá.
Không chỉ giàu về tiềm năng tự nhiên Đakrông còn dồi dào về kho tàng văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô với bản sắc văn hoá độc đáo, có các làn điệu dân ca, lễ hội văn hóa cồng chiêng, các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc đã được khôi phục, bảo tồn. Ngoài ra Đakrông có nhiều loại đặc sản mang tính đặc trưng của địa phương như dệt thổ cẩm, Rượu cần, Rượu Đoác, Rượu men lá Ba Nang, cơm lam, cháo Đoác... và những thực phẩm sạch của người dân địa phương cung cấp.
Những năm qua lĩnh vực du lịch trên địa bàn huyện đã được quan tâm đầu tư bước đầu như xây dựng 01 nhà truyền thống Vân Kiều - Pa Cô tại trung tâm huyện; 01 nhà dài truyền thống tại xã A Ngo; xây dựng hệ thống nhà ngắm cảnh, nhà trưng bày, sân lễ hội và đầu tư xây dựng 16 nhà sàn truyền thống tại khu du lịch Klu xã Đakrông; đầu tư cải tạo hệ thống đường đi, bể tắm suối nước nóng Klu, đã tạo sự liên hoàn giữa khu Du lịch trung tâm cộng đồng, nhà bản cổ đồng bào Vân Kiều và suối nước nóng Klu; Công ty thuỷ điện Đakrông 2 đầu tư quy hoạch khu du lịch sinh thái Thủy điện Đakrông 2, đã đầu tư hệ thống đường bê tông quanh khu vực hồ đập và một số điểm như khu di tích thành lập Quân đoàn 2 tại Ba Lòng, làng văn hóa dân tộc tại bản Làng Cát (xã Đakrông). Công tác bảo vệ, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa đã được các cấp, các ngành quan tâm và có nhiều chuyển biến. Ngoài ra, cơ sở vật chất, trang thiết bị các nhà khách, nhà nghỉ, nhà hàng cơ bản đã được cải tiến, nâng cấp đáp ứng nhu cầu của khách. Nguồn thu từ thương mại - du lịch - dịch vụ chiếm 38% tổng giá trị sản xuất hàng năm.
Tuy nhiên, hoạt động du lịch trên địa bàn huyện Đakrông hiện nay đang ở vị trí khởi động, hoạt động chủ yếu tại địa phương mang tính tự phát, chưa có điểm nhấn để khách du lịch dừng chân và chưa thu hút được khách trong nước và khách quốc tế đến tham quan. Các điểm du lịch chưa được đầu tư để tương xứng với tiềm năng; các dịch vụ phục vụ du lịch còn quá hạn chế. Nguồn nhân lực và hoạt động du lịch còn quá khiêm tốn; nguồn thu từ du lịch không đáng kể. Một số di tích văn hóa, lịch sử đã xuống cấp nhưng chưa được đầu tư tôn tạo, tu bổ kịp thời.
Nguyên nhân do điều kiện xuất phát điểm thấp, các nguồn lực chủ yếu tập trung cho công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng như điện, đường, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế… mà chưa đầu tư mạnh cho du lịch. Mặt khác do nhận thức, tư duy, định hướng công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển du lịch chưa theo kịp yêu cầu phát triển; chưa gắn xây dựng quy hoạch phát triển du lịch với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch cũng như chính sách hỗ trợ phát triển du lịch chưa được quan tâm đúng mức; huy động nguồn lực của xã hội, của doanh nghiệp, của cộng đồng cho phát triển du lịch còn khó khăn; năng lực của các cơ quan tham mưu trong phát triển du lịch chưa đáp ứng yêu cầu; ý thức phát triển du lịch từ cộng đồng còn hạn chế.
Để đạt được mục tiêu đã xác định, Đakrông trở thành một trong những điểm dừng chân trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, một điểm đến hấp dẫn mang đặc sắc riêng. Trước hết, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, tầm quan trọng của phát triển du lịch, đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách làm về phát triển du lịch phù hợp với quy luật kinh tế thị trường, xu thế hội nhập, khai thác và phát huy lợi thế, tiềm năng sẳn có của địa phương, tôn trọng yếu tố tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên. Khai thác các giá trị văn hóa truyền thống ở địa phương.
Trong xây dựng quy hoạch du lịch chung của huyện cần chú trọng các khu, tuyến, điểm du lịch để đưa vào kế hoạch đầu tư, bảo tồn, tôn tạo chống xuống cấp di tích lịch sử văn hóa như: Chiến khu Ba Lòng, khu vực an toàn khu tại xã Hải Phúc, cụm di tích lịch sử Tà Long, địa điểm Khe Đào Làng An - Triệu Nguyên, Động Toàn - Mò Ó, Khu du lịch sinh thái suối nước nóng Klu, tuyến du lịch của khẩu Quốc tế La Lay, Khe Luồi xã Mò Ó…Tập trung đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cho phát triển hạ tầng phục vụ du lịch. Tích cực thực hiện xã hội hóa trong công tác đầu tư phát triển du lịch, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh du lịch với các hình thức khác nhau; đặc biệt có cơ chế thích hợp để đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư bảo tồn tôn tạo di tích, thắng cảnh, môi trường, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.
Quan tâm đầu tư nâng cấp đầu tư cơ sở hạ tầng khu du lịch Klu, chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống tắm nước nóng kết hợp với đầu tư xây dựng nhà hàng, khách sạn kết nối với du lịch sinh thái nhằm sử dụng có hiệu quả khu du lịch cộng đồng Klu. Đầu tư sửa chữa nâng cấp Khu di tích lịch sử Chiến khu Ba Lòng, kết hợp với hệ thống tham quan tại khu di tích thành lập Quân đoàn 2, khu di tích thành lập Trung Đoàn 6 Phú Xuân. Đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở vào các hang động, các điểm du lịch tiềm năng trên địa bàn huyện. Kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng đồng bộ các khu vui chơi, giải trí, ẩm thực, nhà hàng, khách sạn nhằm thu hút du khách lưu trú trên địa bàn huyện.
Khôi phục và phát triển các lễ hội văn hóa như lễ hội A Riêu Ping, lễ hội mừng lúa mới, lễ hội cồng chiêng...tôn vinh đặc sản, ẩm thực vùng, sản phẩm có tính đặc trưng văn hóa các dân tộc đồng bào Vân Kiều, Pa Cô; sưu tầm và trưng bày các hiện vật có giá trị văn hoá tại Nhà truyền thống các dân tộc Vân Kiều, Pa cô. Từng bước xây dựng thương hiệu các sản phẩm địa phương để tạo thành sản phẩm lưu niệm của địa phương như: dệt thổ cẩm, rượu cần, rượu men lá Pa Nang, đan lát.... và các nông sản ở địa phương. Khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, bán hàng lưu niệm. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó chú trọng quảng bá, xúc tiến trên các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội; nâng cấp trang website của huyện thường xuyên đăng tải và quảng cáo các điểm đến du lịch trên địa bàn huyện để khách du lịch dễ dàng truy cập. Xây dựng kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch của huyện, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, đồng thời thu hút nguồn nhân lực bên ngoài, nhất là sinh viên tốt nghiệp các trường du lịch có chuyên môn, tay nghề giỏi về nghiệp vụ chuyên ngành về du lịch; chú trọng hình thành đội ngũ lực lượng thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch người địa phương; đào tạo các kỹ năng cần thiết cho người dân tham gia hoạt động du lịch cộng đồng. Có như vậy, kinh tế du lịch ở Đakrông mới được đánh thức và phát triển hiệu quả trong thực tiễn. Nguyễn Quốc Thanh