Chiều 20/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Chính phủ và cơ quan thẩm tra của Quốc hội báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.
5 nhóm giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024
Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, công tác THTK, CLP được đẩy mạnh và phát huy trên nhiều lĩnh vực, góp phần huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước.
|
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023. |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng khẳng định, năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, hiệu quả quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK, CLP. Công tác THTK, CLP đã có nhiều chuyển biến và đạt được kết quả quan trọng, tích cực trên các lĩnh vực góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Nhận thức, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương được nâng lên. Nhiều Bộ, ngành, địa phương báo cáo đạt kết quả tốt trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bên cạnh đó, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong từng lĩnh vực còn một số tồn tại, hạn chế nhất định, đã được phân tích, đánh giá.
Đề cập về nhiệm vụ, giải pháp thực hành THTK, CLP năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể về THTK, CLP của Chính phủ năm 2024, với 9 nhiệm vụ trọng tâm và 5 nhóm giải pháp để thực hiện.
Cụ thể, các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm chỉ đạo thống nhất việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu THTK, CLP năm 2024; xây dựng kế hoạch thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm trong từng lĩnh vực, trong đó phân công, phân cấp cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc, từng cán bộ, công chức, viên chức, gắn với công tác kiểm tra, đánh giá thường xuyên, đảm bảo việc thực hiện Chương trình đạt hiệu quả.
Hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến công tác THTK, CLP, đề xuất sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013. Tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi các luật, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến THTK, CLP bảo đảm đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật, khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn.
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan nhằm nâng cao, thống nhất nhận thức, trách nhiệm về mục tiêu, yêu cầu, ý nghĩa của công tác THTK, CLP đối với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương điển hình tiên tiến; thực hiện các biện pháp bảo vệ người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí.
Tăng cường công tác tổ chức THTK, CLP trên các lĩnh vực: quản lý ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là đối với đất đai; quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; công tác tổ chức bộ máy, quản lý lao động, thời gian lao động.
Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện Chương trình THTK, CLP; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong các lĩnh vực theo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và pháp luật chuyên ngành, trong đó tập trung lĩnh vực trọng điểm như đất đai, đầu tư công, xây dựng, tài chính công, tài nguyên, khoáng sản. Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về xử lý vi phạm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các cá nhân để xảy ra lãng phí.
Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế
Thay mặt cơ quan thẩm tra về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác THTK, CLP còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.
|
Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh báo cáo thẩm tra về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023. |
Một số quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ không còn phù hợp với thực tế, chậm được sửa đổi, bổ sung; tình trạng vi phạm các định mức, tiêu chuẩn, chế độ còn xảy ra tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị. Việc ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về đổi mới, cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập chưa kịp thời. Một số quy định về đầu tư và cơ chế tài chính trong hoạt động khoa học và công nghệ chưa rõ ràng, không còn phù hợp với thực tiễn nhưng chậm được sửa đổi.
Tình trạng chậm phân bổ ngân sách, đặc biệt là phân bổ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi NSTW năm 2022 đến gần cuối năm mới được thực hiện. Chi chuyển nguồn còn lớn, chậm được khắc phục, gây lãng phí và giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn.
Uỷ ban TCNS cũng chỉ ra, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại một số Bộ, ngành, địa phương chậm do nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra trong các báo cáo, trong nhiều năm vừa qua, nhưng chưa có giải pháp kiên quyết và biện pháp khắc phục triệt để, hữu hiệu. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 cho thấy 91/115 Bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức bình quân cả nước, có đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch vốn. Việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) tiếp tục chậm, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của các chương trình; tỷ lệ giải ngân vốn NSTW nhất là kinh phí sự nghiệp thấp. Trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, có một số mục tiêu chưa đạt yêu cầu; đến 31/01/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của Chương trình mới đạt bằng khoảng 59% kế hoạch vốn.
Mặc dù công tác quản lý thuế đã được tăng cường, song vẫn còn bất cập; tình trạng gian lận, trốn thuế còn lớn, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử; tình hình nợ đọng thuế có xu hướng tăng so với năm 2022.
Về THTK, CLP trong quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên, theo Uỷ ban TCNS, kết quả xây dựng và vận hành Cơ sở dữ liệu đất đai không đạt tiến độ, chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử đụng đất tại một số địa phương còn chậm; việc phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chưa sát với nhu cầu; chất lượng lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các địa phương chưa cao.
Ngoài ra, tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ dẫn đến trì trệ, kém hiệu quả trong hoạt động điều hành của bộ máy nhà nước ở một số cơ quan, tổ chức mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng chậm được khắc phục. Việc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều khó khăn, vướng mắc; cơ chế tự chủ về tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập y tế, giáo dục đại học còn nhiều bất cập do thiếu quy định pháp luật; cơ chế tự chủ về tài chính, tổ chức bộ máy, nhân lực khoa học và công nghệ còn nhiều điểm chưa phù hợp với đặc thù hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.../.