|
Ảnh minh hoạ |
'Bắt bệnh' giải ngân chậm
Bộ Tài chính đã nêu một số nguyên nhân khiến việc giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp.
Thứ nhất, do tác động của dịch COVID-19 nên từ đầu năm đến nay, nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, việc này đã tác động trực tiếp đến tiến độ triển khai thực hiện, thi công các công trình.
Thứ hai, giá nguyên vật liệu (sắt, thép) tăng đột biến từ đầu năm đến nay cũng phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Thứ ba, về phân bổ vốn đầu tư công. Việc chưa phân bổ hết số vốn NSNN năm 2021 được giao do nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan là do đặc thù của kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021 nên nhiều dự án khởi công mới phải chờ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua (cuối tháng 7/2021) mới có cơ sở để phân bổ, giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021.
Về nguyên nhân chủ quan, kế hoạch vốn năm 2021 chưa được Thủ tướng Chính phủ giao (vốn chương trình mục tiêu quốc gia) là 16.000 tỷ đồng (vốn trong nước) do hiện nay, các chương trình mới đang trong giai đoạn lập và thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, số kế hoạch vốn năm 2021 chưa được các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương triển khai phân bổ chiếm 11,04% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, nên cũng ảnh hưởng đến việc triển khai, thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021.
Thứ tư, đối với nguồn vốn nước ngoài, Bộ Tài chính nêu lý do là sự phản hồi của nhà tài trợ ODA khi được xin ý kiến rất chậm, dẫn đến thời gian lựa chọn nhà thầu kéo dài hơn, chậm trao hợp đồng so với các dự án trong nước.
Triển khai phối hợp đồng bộ các thủ tục
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thuộc kế hoạch năm 2021 và đạt được mục tiêu "Phấn đấu tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 95-100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm, trong đó đến hết quý III năm 2021, giải ngân đạt tối thiểu 60% kế hoạch” theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 63/NĐ-CP ngày 29/6/2021 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Bộ Tài chính kiến nghị một số giải pháp.
Thứ nhất, đề nghị cấp có thẩm quyền sớm hoàn thiện các thủ tục đầu tư đối với vốn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia để khẩn trương hoàn thành việc giao số vốn chương trình mục tiêu quốc gia kế hoạch năm 2021 là 16.000 tỷ đồng tới các chủ đầu tư, làm căn cứ triển khai thực hiện.
Thứ hai, đề nghị các bộ, ngành, địa phương sớm giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để các đơn vị thuộc và trực thuộc triển khai thực hiện các dự án thuộc kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 bảo đảm hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.
Thứ ba, theo báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn NSNN lũy kế 7 tháng và ước thực hiện hết tháng 8/2021, theo đó, các bộ, ngành và địa phương còn số vốn đầu tư công chưa phân bổ là 11,04% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao năm 2021. Do đó, đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, khẩn trương phân bổ nốt số kế hoạch vốn còn lại năm 2021 cho các chủ đầu tư làm cơ sở triển khai, thực hiện.
Đồng thời, cần chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương nghiệm thu khối lượng, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục gửi Kho bạc Nhà nước, làm cơ sở kiểm soát thanh toán vốn đầu tư; thực hiện rà soát, nắm bắt tiến độ thực hiện của tất cả các dự án trong phạm vi quản lý của bộ, ngành và địa phương để thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn từ các dự án không có hiệu quả, chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để sớm hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả, phấn đấu đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ; đồng thời, gửi Kho bạc Nhà nước làm cơ sở kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư công.
Về phía mình, những tháng còn lại của năm 2021, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo KBNN các tỉnh, thành phố nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác kiểm soát chi vốn NSNN qua KBNN; bảo đảm kiểm soát chi NSNN theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, chủ động phối hợp với chủ đầu tư để kịp thời nắm bắt các vướng mắc trong quá trình thực hiện giải ngân vốn đầu tư, tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ; đôn đốc chủ đầu tư có khối lượng đến đâu thì làm thủ tục nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay gửi KBNN, tránh dồn khối lượng thanh toán vào cuối năm.
Để thúc đẩy kết quả giải ngân, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng cần sự phối hợp của nhiều ban, ngành để thực hiện đồng bộ và quyết liệt nhiều biện pháp.
Theo đó, cần nhanh chóng rút gọn tối đa các thủ tục không cần thiết với quy trình cấp vốn và nâng cao vai trò các cơ quan quản lý trong hoạt động đấu thầu, tránh tình trạng làm không thực chất.
Ngoài ra, trách nhiệm và vai trò người đứng đầu của các cơ quan, ban, ngành phải được đề cao từ các khâu lập kế hoạch đến kiểm tra giám sát thẩm định.
Đồng thời, phân rõ trách nhiệm của các chính quyền địa phương, bộ, ngành để từ đó các cơ quan có thể phối hợp với nhau chặt chẽ nhất, tốt nhất, đúng vị trí vai trò của mình, giúp cho chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện tốt nhất kế hoạch thi công.
Các cơ quan Trung ương và địa phương nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021. |