Năm 2020 là năm có tỷ lệ giải ngân cao nhất trong cả giai đoạn 2016-2020 (cùng kỳ các năm từ 2016 đến 2019 đạt lần lượt là: 80,3%; 73,3%; 66,87% và 67,46%). Đối với số vốn kéo dài các năm trước sang năm 2020, thực hiện giải ngân 11 tháng đạt 63,8% kế hoạch; ước giải ngân 12 tháng đạt 75% kế hoạch.

 Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. (Ảnh: MPI)

Có 17 bộ, cơ quan Trung ương và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân đến 31/12/2020 ước đạt trên 80%, trong đó 10 bộ, cơ quan Trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 90%. Có 13 bộ, cơ quan Trung ương và 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 60%, trong đó có 6 bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 40%.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định rằng: Có được kết quả giải ngân ấn tượng như đề cập ở trên đó trước hết là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các hội nghị giao ban trực tuyến đôn đốc triển khai công tác đầu tư công năm 2020 (4 cuộc họp trong các tháng 4, 7, 8 và 10/2020) và hội nghị chuyên đề về các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; sự đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giải ngân vốn của các Đoàn công tác do Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính làm trưởng đoàn, tiến độ giải ngân từ cuối tháng 7 đến nay đã có sự chuyển biến tích cực.

Hơn nữa, đáng chú ý, 2020 là năm cuối thực thi Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 (Luật số 49) trước khi chuyển sang Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 (Luật số 39) kể từ ngày 1/1/2021. Trong đó, một trong những điểm nổi bật của luật mới là buộc các bộ ngành, địa phương phải giải ngân tốt hơn, theo đúng tiến độ, nếu không sẽ bị trừ vào kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Chia sẻ về những điểm mới trong Luật Đầu tư công (2019) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng cho biết, nếu bộ, ngành, địa phương không giải ngân hết vốn được giao trong năm sẽ bị trừ vào kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Cũng theo Thứ trưởng, bắt đầu từ năm 2021, khi Luật số 39 có hiệu lực, Luật chỉ cho phép giải ngân trong một năm, nếu không giải ngân hết sẽ bị trừ vào kế hoạch trung hạn. Chẳng hạn, kế hoạch đầu tư công giao 5.000 tỷ đồng cho giai đoạn 5 năm, trong đó năm thứ nhất giao 1.000 tỷ đồng. Năm đó chỉ thực hiện được 800 tỷ đồng, tức là sẽ bị hủy 200 tỷ đồng trong dự toán đầu tư. Như vậy, kế hoạch trung hạn 5.000 tỷ đồng sẽ chỉ còn 4.800 tỷ đồng.

Đặc biệt, Luật số 39 về cơ bản sẽ khắc phục tình trạng "con gà và quả trứng" trong đầu tư công diễn ra nhiều năm nay. Luật yêu cầu bộ ngành, địa phương phải xác định nguồn vốn trước khi tính tới dự án, thay vì vòng luẩn quẩn từ chuẩn bị dự án – thẩm định – phê duyệt – vốn – rồi lại chuẩn bị dự án – thẩm định... mãi không thể xử lý.

Giải ngân đầu tư công là điểm sáng của kinh tế 2020. (Ảnh: PV) 

“Do đó, những thay đổi này sẽ làm cho người lập kế hoạch đầu tư đúng hơn, sát hơn. Trước đây, khi làm kế hoạch, bộ ngành, địa phương nào cũng muốn làm sao càng nhiều tiền càng tốt, nhưng bây giờ, kế hoạch nhiều chưa chắc đã tốt. Nhiều tiền mà không giải ngân được, không những về mặt hành chính bị phê bình mà về kinh tế còn bị trừ tiền trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đương nhiên làm kế hoạch bao giờ cũng có chênh lệch khi triển khai, nhưng đừng để khoảng cách quá lớn...” – Thứ trưởng nói.

Cũng theo Thứ trưởng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hy vọng, trong năm 2021, với việc triển khai Luật Đầu tư công số 39 cùng với loạt giải pháp đôn đốc bộ ngành, địa phương, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ tốt hơn. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cập nhật thông báo về tiến độ giải ngân để các bộ ngành, địa phương có động thái thúc đẩy tiến độ thực hiện, nếu không, theo Luật sẽ tự trừ số tiền chưa giải ngân hết trong năm của bộ, ngành và địa phương và đương nhiên như thế các bộ, ngành, địa phương sẽ chịu thiệt.

Đề cập tới nhận định đầu tư công là động lực tăng trưởng 2020 của nền kinh tế, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, không thể khẳng định chắc chắn giải ngân đầu tư công là động lực của tăng trưởng GDP trong năm 2020 dù rằng chưa bao giờ, tốc độ giải ngân đầu tư công lại nhanh và mạnh như năm 2020.

“Chúng ta đều biết rằng, công thức tính GDP có 3 yếu tố gồm: nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Cả 3 yếu tố này đều có đóng góp vào tăng trưởng GDP.  Do đó, không thể nói kết quả tăng trưởng dựa vào 1 động lực duy nhất. Ở đây, có thể đề cập theo hướng, trong tất cả các động lực giúp tăng trưởng thì động lực nào đóng góp cao nhất và tích cực nhất. Riêng với năm 2020, có thể khẳng định đầu tư công là động lực tích cực cho tăng trưởng GDP. Đơn cử, GDP là 100%, tổng đầu tư toàn xã hội chiếm 34% GDP, đầu tư công chiếm 25% của tổng đầu tư toàn xã hội, nghĩa là chiếm khoảng 6-7% của GDP. Con số này là tính đến đóng góp trực tiếp, chưa tính tác động lan tỏa của đầu tư công cho GDP. Điều này cũng khẳng định rằng, đầu tư công có một vai trò quan trọng nhưng không phải là duy nhất” – Thứ trưởng phân tích.

Năm 2020, đại dịch tác động tiêu cực đến mọi hoạt động của nền kinh tế, cụ thể sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và đặc biệt là dịch vụ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến nguồn vốn trong các khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài đều sụt giảm. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã chú trọng, tập trung đẩy nhanh vốn đầu tư công, nhằm tạo tác động lan tỏa kích cầu đầu tư, thúc đẩy sản xuất nội địa, tạo việc làm và duy trì đà tăng trưởng kinh tế. “Chưa bao giờ có một công tác chỉ đạo về giải ngân quyết liệt như năm nay (kể từ năm 2016 trở lại đây) với sự vào cuộc của Chính phủ từ các công tác chỉ đạo, điều hành và những phiên họp trực tuyến với các địa phương” – Thứ trưởng nói thêm./.

 
Lê Anh (lược ghi)