Giải Đua ngựa truyền thống Bắc Hà: Phát huy giá trị Di sản Văn hóa Quốc gia 

Không mang tính chất thương mại, không phải giải chuyên nghiệp, giải đua ngựa ở Bắc Hà (Lào Cai) - cuộc đua của những người nông dân trên những con ngựa thồ - luôn để lại ấn tượng trong lòng du khách.
Giải Đua ngựa truyền thống Bắc Hà: Phát huy giá trị Di sản Văn hóa Quốc gia

Vào đầu tháng 6 hằng năm, khi những cành mận tam hoa nặng trĩu quả, tại sân vận động trung tâm của thị trấn Bắc Hà - Xứ sở Cao nguyên hoa mận trắng lại tổ chức hội đua ngựa có một không hai.

Có lẽ không ở bất cứ nơi đâu lại có một cuộc đua ngựa gay cấn, nguyên sơ và hồn nhiên như vậy. Những chú ngựa ngày thường thồ hàng, đi nương nay được chủ dẫn đến đọ tài tranh sức. Những chàng trai chân đất, đầu đội một chiếc mũ nhựa bảo hiểm, leo lên lưng con ngựa đua mà không cần đến yên,… Vậy mà họ vẫn đua hết mình trong tiếng reo hò cổ vũ không ngớt của khán giả.

Người thắng cuộc không những mang về vinh quang cho riêng mình mà còn mang lại cho bản làng một năm may mắn, bình yên.

Hình ảnh những chàng kỵ sỹ chân đất luôn là hình ảnh đẹp và khó quên đối với những ai đã từng đến Bắc Hà đúng dịp diễn ra giải đua ngựa. Sau cuộc đua, du khách còn được tham gia nhiều hoạt động vui chơi, thưởng thức những món ngon Bắc Hà như thắng cố, rượu ngô, phở chua… trong không gian nguyên sơ và nhộn nhịp của Chợ phiên Bắc Hà - một trong 10 chợ phiên độc đáo nhất Đông Nam Á hay trải nghiệm hái quả tại những vườn mận tam hoa.

Năm 2024, Giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà mở rộng lần thứ 17 sẽ diễn ra từ ngày 2-8/6/2024 nằm trong chuỗi sự kiện Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà mùa hè với chủ đề “Nghiêng say vó ngựa cao nguyên,” trong đó gồm các hoạt động Tái hiện Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội đua ngựa Bắc Hà và Diễn diễu đường phố của đoàn ngựa đua (ngày 2/6/2024); Tổ chức vòng loại Giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà năm 2024 (2/6/2024); Tổ chức vòng Chung kết Giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà năm 2024 (8/6/2024).

TTXVN_3105duanguaBacha2.jpg

Các nài ngựa tranh tài trên đường đua. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Không mang tính chất thương mại, không phải giải đua chuyên nghiệp, Lễ hội đua ngựa ở Bắc Hà là cuộc đua của những người nông dân và ngựa đua cũng chính là những con ngựa thồ.

Với những người đã từng được sinh ra và lớn lên ở vùng đất Cao nguyên trắng Bắc Hà, Lào Cai, dường như âm thanh “lọc cọc… lộp cộp” thường nhật của xe ngựa gõ nhịp trên những nẻo đường đồi quanh co, nhất là vào những đêm về sáng, dưới ánh nắng ban trưa hay ráng chiều dịu mát, đã ăn sâu vào tiềm thức.

Tiếng vó ngựa thân quen ấy cũng đặc biệt nhắc nhớ những người con Bắc Hà xa quê lâu năm ấn tượng về giải đua ngựa truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm ở địa phương này.

Trong những ngày Hè ngập nắng khi các sườn đồi của vùng đất cao nguyên Bắc Hà trĩu trịt những chùm mận căng đỏ, cũng là lúc những chú ngựa thồ, những chàng "kỵ sỹ chân đất" tạm gác công việc nương rẫy thường nhật, háo hức chuẩn bị tham gia giải đua ngựa truyền thống - một giải đấu thể thao mang đậm nét đẹp văn hóa truyền thống của các tộc người vùng cao Lào Cai.

Ở các huyện vùng cao Lào Cai, con ngựa vừa là người bạn thân thiết vừa là phương tiện vận chuyển quan trọng hằng ngày. Mỗi ngày, vào những buổi sáng chưa tan sương, dù trời còn giá lạnh, ngựa vẫn cặm cụi giúp gia đình người Mông chở nông cụ, phân bón, hạt giống lên nương.

Chiều tối, khi mặt trời lấp ló rặng núi phía Tây cũng là lúc ngựa nhẫn nại chở các sản phẩm thu hoạch từ nương rẫy về nhà. Đường núi vùng cao đèo dốc quanh co, đá núi gập ghềnh, chỉ có con ngựa - người bạn thân quen, mới có khả năng giúp người Mông gieo trồng bắp, hạt lúa trên đỉnh núi, sườn non chênh vênh.

Ngựa là người bạn trong đời thường nhưng cũng là con vật thiêng trong đời sống tín ngưỡng người Mông. Ngựa là vật duy nhất hóa thân thành chiếc cáng đưa người chết về cõi vĩnh hằng. Chỉ có con ngựa mới có đủ sức mạnh huyền bí để chở thầy cúng người Mông đi về các cõi trời, cõi đất và sông biển để tìm linh hồn người ốm chữa bệnh cho người Mông.

Theo Ủy ban Nhân dân huyện Bắc Hà, việc duy trì Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà là một trong những nỗ lực của địa phương nhằm tôn vinh giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào thiểu số vùng cao Bắc Hà nói chung và ngợi ca nét độc đáo, tình cảm gắn bó giữa con người vùng cao với loài vật vô cùng gắn bó, thân thuộc trong cuộc sống sinh hoạt, đời sống tâm linh của họ.

TTXVN_3105duanguaBacha3.jpg

Các nài ngựa tranh tài trên đường đua. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Theo lịch sử, giải đua ngựa Bắc Hà thường được tổ chức vào mùa xuân với quy mô toàn vùng. Vào năm 1975, ở Bắc Hà tổ chức một buổi diễu hành với trên 200 con ngựa đi khắp khu vực trung tâm chào mừng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đến mùa xuân năm 1980, Huyện đội (Ban Chỉ huy Quân sự) Bắc Hà tổ chức giải đua ngựa, bắn súng chọn kỵ sĩ, xạ thủ giỏi để tham gia dân binh vận chuyển lương thực bằng đường bộ. Sau đó, Bắc Hà không tổ chức giải lần nào nữa.

Đến năm 2007, giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà mới chính thức được khôi phục lại. Từ đó đến nay, giải đã trở thành lễ hội thường niên của huyện Bắc Hà, được tổ chức mỗi năm 1 lần, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa thể thao đặc sắc của đồng bào các dân tộc Bắc Hà; quảng bá hình ảnh con người, du lịch Bắc Hà đến du khách trong và ngoài nước, trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch đến Bắc Hà.

Lễ hội đua ngựa Bắc Hà trước đây diễn ra xung quanh cánh đồng, các quả đồi và đích là bãi đất ở trung tâm thị trấn. Khi gần về tới đích, các kị mã nhảy thật nhanh xuống đất, rút khẩu súng kíp trên vai và nhằm vào bia bắn 5 phát súng rồi cướp quả cầu đỏ, nhảy lên ngựa quay về điểm xuất phát. Ai vừa nhanh, vừa bắn súng trúng đích nhiều nhất là người chiến thắng.

Ngày nay, cuộc đua ngựa ở Bắc Hà đã không còn thi bắn súng, các nài ngựa cũng có một sân thi đấu riêng, cuộc đua được tổ chức bài bản và hấp dẫn người xem hơn.

Không mang tính chất thương mại, không phải giải đua chuyên nghiệp, đua ngựa ở Bắc Hà là cuộc đua của những người nông dân và ngựa đua là những con ngựa thồ. Đặc biệt, đua ngựa ở Bắc Hà là “đua mộc,” những nài cưỡi trên lưng ngựa không có yên cương, không bàn đạp giữ chân mà chỉ có đai buộc ngựa, hai móc sắt buộc vào dây hai bên hàm để điều khiển.

Trong quá trình tham gia tranh tài, nhìn những nài ngựa cúi rạp mình trên lưng những con “tuấn mã” đang phi nước đại mới thấy cái khó và sự dũng cảm của những kỵ sỹ trên đường đua.

Năm nào cũng vậy, giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà thu hút rất đông du khách trong nước và ngoài nước đến tham dự. Khán giả được trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc: nín thở khi có chú ngựa chạy quá đà lao ra khỏi sân, phi thẳng về phía rào chắn; thót tim khi có nài ngựa bị ngã ngựa trên đường đua hay vỡ òa niềm vui khi những chú ngựa bứt tốc vượt đối thủ một cách ngoạn mục.

Trên những đường đua của Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà, ấn tượng để lại cho du khách luôn là niềm phấn khích dâng trào, sự cảm phục đối với các chàng trai người dân tộc địa phương chất phác, dũng cảm, cùng những chú ngựa đua mạnh mẽ mang đến cho khán giả những màn biểu diễn hấp dẫn, những cuộc so tài nóng bỏng. Đó chính là những trải nghiệm khó quên trong lòng mỗi du khách khi một lần đến với cao nguyên Bắc Hà.

Năm 2021, với những nét đặc sắc, lễ hội đua ngựa Bắc Hà (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia./.

Các vận động viên tranh tài trên đường đua chung kết của Giải đua ngựa Bắc Hà năm 2019. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Lễ hội Đua Ngựa Bắc Hà trở thành Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia

Cùng với Lễ hội Đua Ngựa Bắc Hà, 9 di sản khác được ghi danh trong đợt này thuộc các loại hình: Nghề Thủ công Truyền thống, Lễ hội Truyền thống, Tập quán Xã hội và Tín ngưỡng, Tri thức Dân gian.

(Vietnam+)
54 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thể thao

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1214
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1214
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87103245