Giai đoạn sống còn với các hãng hàng không trong nước 

(Chinhphu.vn) - Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), thị trường hàng không trong nước sẽ cơ bản khôi phục và khôi phục hoàn toàn vào giữa năm 2021 và hiện nay là giai đoạn quyết định, có tính sống còn với các hãng hàng không.

 

Hàng không hiện đang là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 khi con số thiệt hại dự tính đã lên đến 30.000 tỷ đồng. Thực hiện Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ, đất nước bước vào giai đoạn “sống chung với dịch”, Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) về những chính sách, giải pháp tiếp theo hỗ trợ vực dậy các hãng hàng không trong thời điểm này.

 

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng. Ảnh: VGP/Phan Trang.

Tình trạng hiện nay của các hãng hàng không Việt Nam như thế nào, thưa ông?

 

Ông Đinh Việt Thắng: Có thể thấy, dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn tất cả các nền kinh tế thế giới và đặc biệt là ngành hàng không. Đến nay, theo ước đoán của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), thiệt hại hàng không toàn cầu đã lên tới 200 tỷ USD.

Các hãng hàng không Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Hiện có 250 chiếc tàu bay nhưng trong thời gian cách ly xã hội, các hãng đã dừng toàn bộ các đường bay quốc tế và chỉ khai thác 1-2% đội bay. Đến thời điểm hiện tại, các đường bay nội địa mới được khôi phục một phần và còn khoảng 70-80% đội tàu bay vẫn đang “nằm đất”.

Việc dừng các đường bay khiến các hãng rơi vào tình trạng không có doanh thu trong mùa dịch, dòng tiền bị gián đoạn nhưng vẫn phải trả các chi phí liên quan đến tàu bay, nhân viên, các chi phí quản lý khác... Đơn cử, đội tàu bay không đưa vào khai thác nhưng vẫn phải trả tiền sân đỗ máy bay, tiền duy tu bảo dưỡng, trả lương nhân viên tối thiểu cũng là một khoản chi rất lớn đối với các hãng.

Bộ Tài chính vừa có Thông tư quy định mức thu, nộp phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không, trong đó giảm nhiều loại phí. Thời gian giảm là hết năm 2020. Theo ông, quy định mới này có tạo được đà vực dậy cho doanh nghiệp hàng không?

Ông Đinh Việt Thắng: Việc giảm thuế, phí cho các doanh nghiệp hàng không sẽ là “cú hích” cả về tinh thần và vật chất để các hãng hàng không có quyết tâm vượt qua khó khăn hiện tại.

Nhưng cũng phải nhìn nhận, những chính sách hỗ trợ mà Chính phủ đưa ra là hỗ trợ “mồi” nhằm khuyến khích các hãng hàng không duy trì hoạt động. Quan trọng nhất là nỗ lực của chính các hãng hàng không phải tự điều tiết để vượt qua vì đây là khó khăn chung của cả thế giới, không riêng gì chúng ta.

Hiện, các hãng hàng không đã và đang tham gia tích cực, nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Các hãng hàng không không chỉ thực hiện nghiêm túc việc dừng bay, giãn cách ghế ngồi hành khách, các biện pháp phòng ngừa y tế mà còn tích cực tham gia nhiệm vụ chính trị mà Chính phủ giao như: đón đồng bào từ nước ngoài về nước, vận chuyển hàng cứu trợ, trang thiết bị vật phẩm y tế phòng chống dịch…

 

Hành khách tuân thủ khoảng cách 2 mét tại sân bay. Ảnh: VGP/Phan Trang.

Dự báo khi nào thị trường hàng không mới có thể hồi phục?

Ông Đinh Việt Thắng: Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, thị trường hàng không trong nước cơ bản khôi phục và khôi phục hoàn toàn vào giữa năm 2021.

Thị trường hàng không quốc tế tương đối khó đoán vì diễn biến dịch bệnh các quốc gia trên thế giới đang phức tạp và việc khôi phục các đường bay quốc tế phụ thuộc nhiều vào nhu cầu du lịch. Dự báo nhanh nhất phải cuối năm 2021 thì thị trường hàng không quốc tế mới khôi phục bằng năm 2019.

Trong giai đoạn “sống chung với dịch” hiện nay, Cục Hàng không có thực hiện tiếp tục những giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp hàng không không?

 

Ông Đinh Việt ThắngNgoài hỗ trợ giảm thuế phí, giãn nợ thuế phí, Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục khuyến khích giải pháp tăng cường các chuyến bay hàng hóa trong nước và quốc tế. Trong thời gian tới khi thị trường hành khách chưa thể khôi phục lại, nhất là ở thị trường quốc tế, Cục sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ các hãng mở thêm các đường bay vận chuyển hàng hóa quốc tế.

Bên cạnh đó, chúng tôi cho rằng việc khôi phục lại đường bay là giải pháp quan trọng nhất với các hãng hiện nay. Vừa qua, Cục Hàng không cũng giúp các hãng khôi phục thị trường hàng không nội địa. Trong 4 ngày nghỉ lễ vừa qua, các hãng hàng không vận chuyển trên 150.000 hành khách. Chỉ trong thời gian ngắn khôi phục 35-40% thị phần nội địa. Chúng tôi đã lên phương án tính toán làm sao hỗ trợ tối đa các hãng phát động lại thị trường, tạo điều kiện tốt nhất cho các hãng khôi phục thị phần nội địa.

Chúng tôi tiếp tục kiến nghị các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp trong ngành có các gói giảm giá, giãn giá, thậm chí là miễn giá hỗ trợ các hãng hàng không trong giai đoạn khôi phục. Đây là giai đoạn quyết định, có tính sống còn với các hãng hàng không hiện nay.

Cục Hàng không Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ làm việc với các ngân hàng để có các gói vay ưu đãi cho các hãng hàng không. Bởi chúng tôi hiểu rằng, khó khăn nhất của các hãng hiện nay là dòng tiền, các hãng cần có tiền để chi trả các chi phí để tiếp tục duy trì các hoạt động.

Tôi tin rằng, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các hãng hàng không đang rất quyết tâm vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh COVID-19 và phục hồi để tăng trưởng trở lại trong thời gian sớm nhất.

Xin cảm ơn ông!

Phan Trang (thực hiện)

231 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1278
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1278
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87132870