Chỉ trong tháng 7 (chưa đầy một tháng), Hà Nội đã xảy ra liên tiếp ba vụ cháy kinh hoàng. Điều khiến nhiều người hoang mang là đa số các nạn nhân đều không tìm nổi đường thoát hiểm khi hỏa hoạn xảy ra, trong khi người bên ngoài thì bất lực trước tiếng kêu cứu của những nạn nhân.
Trước đây chưa lâu, dư luận không khỏi bàng hoàng trước vụ cháy xảy ra vào rạng sáng ngày 19/7 tại số nhà 48 ngõ 41, phố Vọng, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Theo thông tin từ Phòng cảnh sát PCCC số 1, ngay khi nhận được tin báo hỏa hoạn, đơn vị đã điều ngay 5 xe cứu hỏa cùng 40 chiến sỹ nhanh chóng có mặt tại hiện trường dập lửa chữa cháy. Tuy nhiên, do ngôi nhà bị cháy hình ống, được sử dụng làm cơ sở kinh doanh (bán hàng) nên bên trong chứa rất nhiều chất gây cháy như giấy, ni-lông, nhựa. Một lý do khác, toàn bộ mặt tiền của ngôi nhà đều bị hàn kín bởi các lồng sắt, nhà lại chỉ có 1 lối thoát nạn duy nhất nên gây ra nhiều khó khăn cho công tác dập lửa cứu người. Mặc dù ngọn lửa đã được khống chế sau đó, tuy nhiên hậu quả của nó đã cướp đi sinh mạng của 2 người sống trong ngôi nhà này.
Hiện trường vụ hỏa hoạn ngày 29/7 tại Hoài Đức, Hà Nội.
Trước đó, rạng sáng ngày 13/7, vụ hỏa hoạn xảy ra tại số nhà 37, ngõ 205/53 đường Xuân Đỉnh, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã cướp đi sinh mạng của 4 người trong cùng một gia đình, trong đó 2 nạn nhân của vụ hỏa hoạn có tuổi đời còn rất trẻ. Theo điều tra của cơ quan chức năng, nguyên nhân của vụ cháy là do chập điện, mặt khác cũng do căn nhà có dạng hình ống, phần trên lại bị bịt kín bởi các lớp cửa nhằm đảm bảo an ninh, cho nên khi xảy ra hỏa hoạn, người bị nạn rất khó khăn để tìm đường thoát hiểm.
Sự ám ảnh của những vụ hỏa hoạn còn chưa lắng xuống, thì mới đây nhất, ngày 29/7, vụ cháy nhà xưởng sản xuất bánh kẹo tại xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức với số nạn nhân lên tới 8 người chết, 2 người bị thương không khỏi làm cho dư luận thêm một lần rúng động. Điều khiến mọi người không khỏi xót xa, đó là phần lớn các nạn nhân tử vong đều có tuổi đời còn rất trẻ, trong số 8 nạn nhân thì có đến 7 thanh niên từ 15 đến 27 tuổi, một phụ nữ 55 tuổi. Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn tới số người tử vong cao trong vụ hỏa hoạn này cũng là bởi nạn nhân không tìm được lối thoát hiểm, dẫn tới bị ngạt khói mà thiệt mạng.
Theo thống kê của Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy TP. Hà Nội, hiện có khoảng 500.000 ngôi nhà ống và 95 khu dân cư có nguy cơ về cháy nổ trên địa bàn thành phố. Trong đó, có trên 120.000 nhà có kết hợp vừa ở, vừa kinh doanh. Đa số các ngôi nhà này đều thiếu hệ thống báo cháy hay bình cứu hỏa và có kết cấu giống những ngôi nhà bị cháy nêu trên.
Theo đó, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra hơn 400 vụ cháy, ước tính thiệt hại tài sản lên tới hơn 300 tỷ đồng.
Thiệt hại về người và tài sản trong những vụ hỏa hoạn là rất lớn.
Có thể thấy, nguy cơ mất an toàn cháy, nổ ở khu dân cư đang hiện hữu tại nhiều địa bàn ở Thủ đô. Tuy nhiên, kiến thức về phòng cháy, cũng như kỹ năng thoát hiểm thì hầu như không phải ai cũng nắm được. Anh Trần Trung Hiếu (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, ngôi nhà anh đang thuê ở cũng có kết cấu dạng ống như các ngôi nhà xảy ra cháy gần đây. Tuy nhiên, khi hỏi chủ nhà cho thuê về lối thoát hiểm tại ngôi nhà, anh nhận được câu trả lời: “Chủ yếu là đề phòng kẻ trộm, chứ mấy khi mà xảy ra cháy nổ…”(?!).
Thực trạng nhà ống bị bịt kín, thiếu lối thoát hiểm, thiếu thiết bị chữa cháy là nguy cơ tiềm ẩn gây thiệt hại lớn về người khi xảy ra sự cố cháy nổ tại các khu dân cư. Mới đây, hôm 15/7 vừa qua, đồng chí Hoàng Trung Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có buổi làm việc với Sở Cảnh sát PCCC, Công an TP. Hà Nội về công tác phòng chống cháy nổ trên địa bàn Thủ đô trong thời gian qua. Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, cùng với công tác kiểm tra, giám sát, lực lượng PCCC cần đến từng nhà giúp người dân xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy. Bí thư Hoàng Trung Hải cho rằng, mỗi nhà dân đều phải có phương án phòng cháy, chữa cháy: “Mỗi hộ dân phải tự xây dựng phương án phòng cháy, thoát hiểm cho mình, rồi lắp đặt thiết bị báo cháy. Nhà mình, mình phải am hiểu, rồi phương án do chính mình xây dựng, phổ biến đến tất cả các thành viên, để khi có xảy ra sự cố, có thể biết ngay được phải thoát ra bằng đường nào” – Bí thư Hoàng Trung Hải nói.
Có thể thấy, hỏa hoạn xảy ra từ rất nhiều nguyên nhân và nó không loại trừ bất cứ ai. Thiết nghĩ, để phòng ngừa hỏa hoạn, người dân cần nâng cao ý thức và nắm vững những kiến thức về phòng cháy, chữa cháy, đầu tư cho gia đình mình những thiết bị cảnh báo cháy, thiết bị chữa cháy, thiết bị thoát hiểm ở các khu nhà cao tầng. Ngoài ra, cũng cần chấp hành tốt các quy định về phòng cháy, chữa cháy mà cơ quan chức năng đã đề ra. Song song với đó, phía chính quyền (đặc biệt là chính quyền địa phương) phải thường xuyên kiểm tra công tác phòng chống cháy nổ, kết hợp với các đơn vị PCCC thường xuyên mở các lớp tập huấn kĩ năng chữa cháy, kĩ năng thoát hiểm cho người dân. Như vậy, mới có thể giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản do cháy nổ gây ra./.
Bài, ảnh: Vũ Hoàng