Giá xét nghiệm mỗi nơi một kiểu, sẽ quản lý như thế nào? 

(Chinhphu.vn) – Đây là câu hỏi chất vấn của một số đại biểu Quốc hội tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, ngày 10/11.

 

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, trang thiết bị, sinh phẩm chẩn đoán chính thức được đưa vào mặt hàng quản lý giá. Ảnh: VGP/Đoàn Bắc
Đã có đơn vị nhận lỗi”

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, các trang thiết bị y tế và sinh phẩm chẩn đoán trước đây không thuộc mặt hàng quản lý giá theo quy định của Luật Giá; giá của các mặt hàng này cũng khác nhau giữa các hãng khác nhau, các nước sản xuất khác nhau, giữa các trang thiết bị y tế và sinh phẩm khác nhau cũng có giá khác nhau qua các thời điểm.

Bộ trưởng chia sẻ, đầu năm 2020, khẩu trang, găng tay, máy thở có thời điểm khan hiếm trên thị trường, nên giá của những sản phẩm này bị đẩy lên cao. Tại các quốc gia trên thế giới đều có tình trạng tranh mua những mặt hàng này.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, do có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia nên giá của các mặt hàng này đã giảm.

Về phía Bộ Y tế, Bộ đã liên tục cố gắng từng bước minh bạch hóa việc cung ứng trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế. Tháng 7/2020, Bộ đã yêu cầu tất cả các công ty có kinh doanh, sản xuất trang thiết bị y tế phải công khai, niêm yết giá trên Cổng TTĐT của Bộ. Đến nay, đã có 69.235 sản phẩm, 93.253 kết quả đấu thầu được niêm yết giá công khai trên Cổng TTĐT của Bộ Y tế để các địa phương tham khảo, quyết định mua sắm...

Đồng thời, Bộ Y tế cũng liên tục yêu cầu các doanh nghiệp tăng nguồn cung cho thị trường Việt Nam. Bộ cũng đã đề nghị các doanh nghiệp chung tay phòng chống dịch thông qua việc hạ giá thành các sản phẩm.

Bên cạnh đó, Bộ cũng tăng cường cấp phép cho các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu test kit, tạo điều kiện nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm mới, mở rộng nguồn cung, hạ giá thành sản phẩm; tăng cường vận động doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, các nước tài trợ để bảo đảm đủ số lượng, chất lượng test kit, sinh phẩm… phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Đến nay, Bộ Y tế đã cấp phép cho 131 sản phẩm, sinh phẩm chẩn đoán, trong đó test nhanh là 60 sản phẩm, xét nghiệm PCR 43 sản phẩm và xét nghiệm kháng thể là 28 sản phẩm. Chúng ta cũng đã vận động tài trợ trên 50 triệu test, riêng TPHCM, ngoài phần Trung ương phân bổ thì các doanh nghiệp, cộng đồng… hỗ trợ thêm 14,4 triệu test.

Để giảm giá thành xét nghiệm, Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn gộp mẫu, bao gồm cả test nhanh và test PCR, trong đó gộp mẫu test nhanh có thể từ 3-5 mẫu, PCR có thể gộp 10 mẫu, có nơi như Đà Nẵng gộp 20 mẫu. Điều này được cho phép về mặt chuyên môn, đồng thời giúp giảm giá thành.

Bộ Y tế cũng liên tục có hướng dẫn về điều chỉnh chiến lược xét nghiệm cho phù hợp với từng thời điểm diễn biến dịch bệnh để triển khai công tác xét nghiệm tiết kiệm, hiệu quả; liên tục có văn bản nhắc nhở các địa phương đảm bảo việc thực hiện đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm theo đúng quy định của pháp luật.

Từ ngày 1/7/2021, tiên lượng việc sử dụng test nhanh sẽ nhiều hơn, Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị và các địa phương thực hiện theo phương thức thực thanh thực chi. Trường hợp người dân tự nguyện đến xét nghiệm và thu phí, thì chỉ được phép thu theo đúng giá đầu vào, tức là giá đấu thầu. Vì vậy, có sự chênh lệch giá giữa các đơn vị và trong các cơ sở y tế tư nhân.

“Đã có đơn vị nhận lỗi, do bận công tác chống dịch nên chưa thực hiện được. Vì vậy, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương nghiêm khắc nhắc nhở và chấn chỉnh vấn đề này”, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng cho biết, vấn đề đấu thầu, mua sắm trang thiết bị và sinh phẩm y tế đã được đưa vào chương trình thanh tra, kiểm tra năm 2022.

Trang thiết bị, sinh phẩm chẩn đoán chính thức được quản lý giá

Ngày 8/11, Chính phủ đã ban hành Nghị định 89/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế.

“Đây là Nghị định làm thay đổi cơ bản vấn đề về quản lý trang thiết bị y tế. Nghị định đã công khai minh bạch toàn bộ quá trình quản lý, chuyển từ phương thức tiền kiểm sang hậu kiểm, đặc biệt trang thiết bị, sinh phẩm chẩn đoán đã chính thức được đưa vào mặt hàng được quản lý giá. Hiện nay, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan đang làm việc chặt chẽ với Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhằm bình ổn giá trong trường hợp cần thiết đối với mặt hàng này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cùng ngày 8/11, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 16/TT-BYT quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó có hướng dẫn chỉ tính giá tối đa. Ví dụ, với giá test nhanh 109.700 đồng, nếu đơn vị y tế đấu thầu với giá sinh phẩm thấp hơn thì chỉ được thu giá thấp hơn.

Về vấn đề thúc đẩy sản xuất test kit trong nước, Bộ trưởng cho biết, hiện nay Việt Nam có 8 đơn vị sản xuất trong nước, cung cấp cả test nhanh và test PCR, test nhanh kháng thể. Năng lực sản xuất và khả năng cung ứng của Việt Nam về test kit cơ bản đáp ứng đầy đủ.

Bộ cũng đã và đang thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất phương pháp chẩn đoán mới như chẩn đoán qua hơi thở, chẩn đoán qua nước bọt để giảm giá thành, đồng thời tăng tiện ích tới người dân.

Hiền Minh

157 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 384
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 384
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77570411