|
Giá bán lẻ xăng dầu liên tục giảm nhưng giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ vẫn ở mức cao. |
Tính đến 15h chiều 22/8, Liên bộ Công Thương - Tài chính đã tiếp tục thực hiện điều chỉnh giảm giá xăng, dầu lần thứ 6 liên tục. Theo đó, sau 6 lần điều chỉnh giá liên tiếp trong tháng 7 và tháng 8/2022, giá bán lẻ xăng A95 đã giảm tổng cộng hơn 8.100 đồng/lít, xăng E5 giảm hơn 7.000 đồng/lít; giá dầu giảm khoảng 5.300 đồng/lít…
Về lý thuyết, việc giá xăng, dầu giảm sâu có ý nghĩa rất lớn đối với nền kinh tế, bởi đây là mặt hàng chiến lược, liên quan đến chi phí đầu vào của hầu hết hoạt động sản xuất kinh doanh. Giảm giá mặt hàng này sẽ trực tiếp cắt giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp, đồng thời góp phần làm giảm giá nguyên liệu đầu vào do giảm chi phí trong khâu vận chuyển. Qua đó, sẽ góp phần làm giảm giá thành các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.
Sau mỗi lần xăng, dầu được điều chỉnh giảm giá, dư luận đều rất phấn khởi và hy vọng giá các loại dịch vụ, hàng hóa sẽ sớm được bình ổn. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra trên thực tế lại trái với mong đợi của người tiêu dùng. Cụ thể, thị trường hiện nay đang tồn tại một nghịch lý, đó là khi giá xăng tăng, hàng hóa đồng loạt tăng giá theo, nhiều mặt hàng tăng 20 - 25% giá bán. Nhưng khi xăng giảm thì giá hàng hóa vẫn giữ nguyên ở mức cao, khiến người dân chịu thêm nhiều áp lực về chi phí sinh hoạt.
Là một trong những loại hình dịch vụ chịu tác động trực tiếp từ giá xăng, dầu, nhưng theo nhiều đơn vị vận tải và dịch vụ giao hàng, giá cước vẫn chưa thể giảm ngay sau khi giá xăng, dầu giảm. Anh Nguyễn Minh Đức ở thành phố Hòa Bình cho biết: “Tôi thường xuyên đi tuyến buýt Hòa Bình - Yên nghĩa. Trước đây, giá vé là 50.000 đồng; xăng dầu tăng, vé được nâng lên 60.000 đồng. Giờ xăng dầu đã giảm giá 4 lần nhưng chưa thấy giá vé xe buýt giảm”.
Khảo sát thực tế của phóng viên tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Thành phố Hà Nội như các chợ: Thành Công, Hà Đông, Phùng Khoang… cũng cho thấy, giá các loại rau xanh, thực phẩm tươi sống, đồ khô, dầu ăn, mì tôm… đều giữ ở mức tương đối cao. Cụ thể, thịt lợn dao động từ 110.000 - 150.000 đồng/kg (tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với tháng 6); dầu ăn Simply có giá 130.000 đồng/chai 2 lít (tăng khoảng 15.000 đồng); mì tôm tăng từ 12.000 - 15.000 đồng/thùng…
Chị Lê Thị Thu Trà ở phường Quang Trung, quận Hà Đông (Hà Nội) bày tỏ: “Từ cách đây gần 3 tháng, các loại hàng hóa thiết yếu, thực phẩm tăng giá chóng mặt. Dù ở chợ hay siêu thị, lý do được đưa ra đều là vì… xăng tăng giá. Vậy mà đến nay, giá xăng đã giảm hơn 6.000 đồng/lít, tức là giảm gần 20% so với thời điểm giá xăng cao nhất nhưng không thấy loại hàng hóa, dịch vụ nào có dấu hiệu giảm giá”.
Chị Trần Huyền Trang ở thị trấn Phú Minh, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) chia sẻ: “Giá xăng, dầu tăng, giá hàng hóa lập tức tăng theo. Nhưng hơn một tháng nay, giá xăng, dầu liên tục giảm thì giá hàng hóa lại giữ nguyên ở mức cao, nhất là các mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm… Tôi thực sự “đau đầu” mỗi khi đi chợ vì phải đắn đo lựa chọn các sản phẩm để phù hợp với thu nhập của gia đình”.
|
Người dân mong mỏi giá các loại hàng hóa sớm được bình ổn. |
Được biết, mới đây Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các nhiệm vụ như cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ để chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền phương án kịp thời nhằm bình ổn thị trường, tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá và xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý; thực hiện tốt công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại; kiểm soát chặt chẽ chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Khách quan nhìn nhận, cơ cấu giá thành sản phẩm hàng hóa, dịch vụ được tạo thành từ nhiều yếu tố khác nhau. Đồng thời, giá mỗi loại hàng hóa cũng có những yếu tố tác động riêng, ngoài giá xăng, dầu. Ví dụ, các mặt hàng nông sản - thực phẩm thường có tính chất mùa vụ và biến động phụ thuộc vào thời tiết; hoặc với giá thịt lợn, vịt, gà… thì ngoài giá xăng, dầu, cơ cấu giá thành sản phẩm còn bao gồm chi phí, nguyên liệu đầu vào khác như thức ăn chăn nuôi, chi phí vạn chuyển, giết mổ...
Tuy nhiên, về mặt logic, giá xăng, dầu giảm thì tất yếu sẽ kéo giá hàng hóa, dịch vụ giảm theo do xăng, dầu là mặt hàng chiến lược, liên quan đến chi phí đầu vào của hầu hết hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc giá xăng, dầu giảm nhưng giá hàng hóa chưa có dấu hiệu hạ nhiệt đang là một vấn đề bất cập đòi hỏi cần sớm được tháo gỡ để giúp người dân giảm bớt khó khăn.
Theo đó, để hàng hóa giảm giá cần có sự vào cuộc của các chủ thể trong nền kinh tế, đó là sự vào cuộc của cơ quan quản lý, sự cạnh tranh của các doanh nghiệp và thái độ của bản thân mỗi người tiêu dùng.
Cụ thể, các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, có phương án điều chỉnh giá hợp lý, phù hợp với giá thị trường. Hạn chế tình trạng đầu cơ, nâng giá bất hợp lý, góp phần bình ổn thị trường trong mọi tình huống. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình bán giá cao hơn giá thị trường để người tiêu dùng, nhất là lao động nghèo giảm bớt gánh nặng chi phí thường nhật.
Đối với các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, cần thực hiện nghiêm quy định về việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; chủ động tiết kiệm chi phí đầu vào của quá trình sản xuất; hài hòa giữa lợi nhuận của doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng, lợi ích của cộng đồng.
Đặc biệt, với vai trò là “mắt xích” quan trọng của quy trình sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, mỗi người tiêu dùng cần có thái độ quyết liệt, rõ ràng đối với những đơn vị cung cấp hàng hóa có giá cao hơn mức giá chung của thị trường. Bởi tâm lý chung của các đơn vị cung cấp hàng hóa, khi bán với giá cao vẫn có người mua thì họ không có lý do gì để hạ giá sản phẩm. Đồng thời, người tiêu dùng cũng cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng khi phát hiện các dấu hiệu đầu cơ, nâng giá hàng hóa bất hợp lý./.