Giá vé máy bay cao gây khó cho du lịch 

(ĐCSVN) - Vé máy bay tăng giá ở cả các tuyến trong nước và quốc tế là một bất lợi lớn của du lịch Việt Nam trong việc cạnh tranh với các điểm đến khác trong khu vực.

Ảnh hưởng đến việc xây dựng giá tour

Giá vé máy bay tăng có thể đẩy giá tour tăng đến 30 - 40%, ảnh hưởng rất lớn đến quyết định đi du lịch của du khách. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, khách du lịch đến Việt Nam bằng đường hàng không luôn chiếm tỉ lệ cao nhất (hơn 80% vào năm 2019) so với đường bộ, đường biển. Do vậy, hàng không luôn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Hàng không và du lịch có mối quan hệ chặt chẽ, không thể tách rời trong quá trình phát triển của cả hai bên.

Theo ông, năm 2023, bên cạnh sự trở lại “ngoạn mục” sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, ngành du lịch vẫn gặp một số khó khăn, thách thức. Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu suy thoái, các rủi ro về tài chính.

Giá vé máy bay tăng cao khiến du lịch Việt Nam có thể sẽ giảm đi một lượng lớn khách quốc tế. (Ảnh minh họa: HT) 

Du lịch thế giới tiếp tục có sự phục hồi nhưng chưa trở về được mức như năm 2019. Du lịch nội địa tiếp tục có sự tăng trưởng nhưng tốc độ sẽ chậm lại. Các thị trường khách chủ yếu của Việt Nam chưa mở cửa hoàn toàn. “Giá vé máy bay tăng cao, nhất là vào dịp nghỉ lễ, ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng giá tour của doanh nghiệp lữ hành”- ông Hà Văn Siêu nhận định.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng để đạt mục tiêu ngành du lịch đón 110 triệu lượt khách, trong đó, khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650.000 tỉ đồng trong năm 2023 thì vai trò của hàng không là rất lớn.

Từ thực tế của một doanh nghiệp lữ hành quốc tế đón khách tới Việt Nam, ông Phạm Hà, Chủ tịch kiêm CEO Lux Group cho rằng, giá vé máy bay cao sẽ làm cho khách ít sự lựa chọn và là yếu tố tác động tới việc khách quyết định không đến hoặc không trở lại Việt Nam.

Theo ông Phạm Hà, đầu năm 2023, Lux Travel DMC - một thành viên của Lux Group đã có một đoàn khách Ý 30 người đăng ký tham quan Việt Nam trong 16 ngày. Tuy nhiên, giá vé máy bay quá cao và không có đường bay thẳng từ Ý đã khiến khách hàng quyết định không đi. Một đoàn khách khác từ nước Anh cũng đã phải từ bỏ kế hoạch du lịch Việt Nam vì giá vé máy bay quá cao, thay vào đó, họ đã chọn Thái Lan do đường bay thuận tiện và giá vé tốt hơn. “Tôi đã đi công tác tại hội chợ WTM London (Anh) và ITB Berlin (Đức) và nhận thấy giá vé từ Việt Nam đi các nước này cao đã cao gần gấp đôi so với thời điểm trước năm 2019, khi chưa xuất hiện dịch COVID-19” - ông Phạm Hà cho hay.

Cần hợp tác chặt chẽ hơn

Trong du lịch, đặc biệt là du lịch quốc tế, các hãng Hàng không có vai trò đặc biệt quan trọng, là cầu nối và chất xúc tác để kết nối du khách với điểm đến. Do đó, doanh nghiệp du lịch rất cần sự đồng hành hợp tác chặt chẽ từ phía các hãng hàng không. Theo bà Nhữ Thị Ngần - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Hà Nội (Hanoi tourism JSC), do đại dịch COVID-19, khả năng chi trả của du khách bị ảnh hưởng khá lớn, nên việc kích cầu bằng các chính sách khuyến mãi của hàng không là yếu tố đặc biệt quan trọng. Với bối cảnh hiện nay, vé máy bay tăng giá ở cả các tuyến trong nước và quốc tế, là một bất lợi lớn trong việc cạnh tranh với các điểm đến khác trong khu vực. Để khắc phục điều này, doanh nghiệp lữ hành mong muốn có được sự quan tâm hỗ trợ của các hãng hàng không, nhằm tăng cường liên kết các bên cùng có lợi.

Theo bà, các hãng hàng không cần mở đường bay mới, giúp du khách có thêm lựa chọn về sản phẩm mới, tiết kiệm thời gian đi lại; doanh nghiệp lữ hành quảng bá điểm đến mới với thi trường mục tiêu. Đối với các đường bay không có chuyến bay thương mại, khích lệ các doanh nghiệp lữ hành kết hợp với hãng hàng không mở các chuyến bay charter (thuê bao nguyên chuyến) với chính sách ưu đãi, để khuyến khích phong phú đa dạng sản phẩm, thêm lựa chọn mới lạ và ưu thế hơn cho du khách. Điều kiện áp dụng đặt vé đoàn, điều kiện linh hoạt sau dịch cho các doanh nghiệp lữ hành, hỗ trợ công tác tổ chức và quảng bá xúc tiến thuận lợi hơn. Việc đưa ra các điều kiện chính sách quá ngặt nghèo, khiến các doanh nghiệp lữ hành và du khách đều rụt dè, e ngại rủi ro và lựa chọn điểm đến khác linh hoạt hơn.

Cùng với đó, sáng tạo hình thức khích lệ các sản phẩm mới theo đường bay mới, các hãng hàng không cùng lựa chọn đơn vị lữ hành chiến lược để triển khai sản phẩm mới khác biệt, đặc thù. Nhằm cùng xúc tiến quảng bá chéo để hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành tiếp cận thị trường mục tiêu, tạo hiệu quả kinh doanh tối ưu.

Ông Nguyễn Văn Tấn, Ủy viên thường trực Ban Chấp hành Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, hàng không và du lịch cần xác định các thị trường trọng điểm và thị trường mục tiêu cụ thể; phối hợp hoạch định sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu; xây dựng kế hoạch quảng bá - tiếp thị phù hợp và phối hợp các kênh bán hàng để tạo ra các sản phẩm cùng chuẩn, xuyên suốt hành trình du lịch của khách từ khi bắt đầu đến khi kết thúc. Ví dụ, cần tính toán đến hai điểm đến cạnh tranh trực tiếp là Thái Lan và Singapore cho các thị trường châu Âu, Úc và Mỹ; và cần học hỏi kinh nghiệm của điểm đến Haiwaii về du lịch biển đối với thị trường Nhật…

Đại diện của các hãng hàng không tại mỗi thị trường ở nước ngoài có nhiều điều kiện để hiểu biết và quan hệ tốt với các đầu mối đối tác du lịch cho thị trường Việt Nam, vì vậy cơ quan quản lý cần có yêu cầu phối hợp cụ thể, hỗ trợ các biện pháp tương ứng (kể cả tài chính khi cần thiết) để hãng hàng không tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch có hiệu quả, tạo hiệu ứng kép cho phát triển du lịch quốc gia.

Theo các chuyên gia du lịch, ngành du lịch và các hãng hàng không cần hợp tác chặt chẽ, sớm lên kế hoạch điều tiết trong các dịp cao điểm. Cần xây dựng một cơ quan, đơn vị định hướng các doanh nghiệp lữ hành, hàng không phát triển đồng đều, giảm tác động của các biến động thị trường. Nếu không giải quyết được vấn đề này, thì du lịch Việt Nam sẽ mất đi một lượng khách đáng kể, bởi du khách sẽ chuyển hướng du lịch sang các nước trong khu vực như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… khi những điểm đến này có nhiều hãng hàng không cạnh tranh, nguồn cung lớn, chính sách visa thông thoáng, giá thành thấp./.

 
H.Thanh
189 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1203
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1203
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 89001608