Giá trị xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm đạt 1,11 tỷ USD 

(ĐCSVN) - Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 2/2019 ước đạt 372 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm đạt 1,11 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2018.

 

Ảnh minh họa (Ảnh: DD)

Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong tháng 1/2019, chiếm 53% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong tháng 1/2019, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh gồm: Mexico (tăng 32,4%), Canada (tăng 27,8%), Hoa Kỳ (24,9%), Nhật Bản (tăng 17,7%) và Anh (tăng 16,5%).

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, trong tháng 2, thị trường cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long giảm nhẹ 1.000 đ/kg xuống còn 28.000 – 28.500 đ/kg đối với cá tra loại I (700-900g/con). Nguồn cung cá nguyên liệu gia tăng sau kỳ nghỉ Tết trong khi đơn đặt hàng ở mức thấp khiến giá cá nguyên liệu sụt giảm.

Đối với thị trường tôm, giá tôm sú sống tại thị trường trong nước trong tháng tiếp tục tăng. Sau kỳ nghỉ Tết người dân muốn chuyển sang dùng hải sản thay cho thịt nên mặt hàng tôm nguyên liệu tăng nhẹ.

Tại Bạc Liêu, giá tôm sú sống cỡ 20 – 40 con/kg tăng 80-100.000 đ/kg so với tháng trước lên mức 230.000 – 370.000 đ/kg. Tôm sú ướp đá cỡ 30-40 con/kg tăng 10.000 đ/kg đạt 130.000-180.000 đ/kg. Giá tôm thẻ ướp đá biến động tùy thời điểm trong tháng nhưng hiện ở mức tương đương với tháng trước.

Hiện nay, Liên hiệp Thủy sản Myanmar (MFF) cùng công ty TNHH Global Earth Public đang hoàn thiện dự án tại khu vực Ayeyawady, để sản xuất cá da trơn cho xuất khẩu. Dự án bao gồm các trang trại nuôi cá, các nhà máy thức ăn chăn nuôi, nhà máy chế biến và kho lạnh. Dự án đang triển khai nuôi 6 triệu cá giống và hiện đang chuẩn bị 404 ha để nuôi cá thành phẩm. Tất cả cá sản xuất trong dự án nhằm mục tiêu xuất khẩu. Thị trường chính cho cá da trơn Myanmar là Trung Quốc. Vì vậy, trong thời gian tới các doanh nghiệp xuất khẩu cá da trơn Việt Nam sẽ gặp nhiều sự cạnh tranh với Myanmar tại thị trường Trung Quốc.

Riêng đối với ngành tôm, ngày 14/1/2019, Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam. Tôm Việt Nam xuất đi Nhật Bản sẽ được hưởng lợi từ Hiệp định này. Các sản phẩm tôm chế biến sẵn với tính tiện dụng cao sẽ tăng trưởng tốt trong thời gian tới do ngành kinh doanh thực phẩm ăn sẵn của Nhật Bản phát triển.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trưởng Nông sản, để đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang Nhật Bản, doanh nghiệp nên đổi mới phương thức tiếp cận thị trường cùng với quảng bá mạnh mẽ hơn nữa thương hiệu cho sản phẩm, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Dự báo năm 2019, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản sẽ đạt mức tăng trưởng 2 con số so với năm 2018./.

BT

560 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1077
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1077
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87123533