Đầu năm 1947, Trung ương chia cả nước thành 12 khu. Theo đó Công an khu XII được thành lập gồm các Ty Công an: Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hải Ninh, Hồng Quảng (nay là Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn và Quảng Ninh). Địa điểm đóng quân của Công an khu XII tại xã Nhã Nam, Tân Yên, Bắc Giang, khu vực xung quanh chùa Nguộn (chùa Tứ Giáp - Đại Phúc)1.
Từ ngày 25 đến 29/01/1948, Nha Công an Trung ương tổ chức Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 2 và phát động phong trào thi đua “Rèn cán, lập công” trong toàn ngành. Tiếp đó, để cổ động và tuyên truyền cho phong trào thi đua nhiều tờ báo Nội san của Công an các đơn vị địa phương lần lượt ra đời2.
Nhân dịp Tết Mậu Tý (1948) đồng chí Hoàng Mai - Giám đốc Công an khu XII gửi biếu Bác Hồ 01 tờ báo “Bạn dân” số tết và 01 lá thư xin ý kiến Bác về cách làm báo Công an.
Sau đó ít ngày, một vinh dự đặc biệt của Công an khu XII đó là đã nhận được một lá thư của Bác Hồ (đánh máy, có ký tên Hồ Chí Minh và dấu riêng của Chủ tịch nước) đề ngày 11/3/1948, trong đó có những lời căn dặn, chỉ bảo, định hướng sâu sắc về “Công an nhân dân”, về cách làm báo, về ứng xử văn hóa của người cán bộ CAND và đặc biệt có sáu điều dạy về Tư cách người Công an cách mệnh, đó là:
Đối với tự mình phải: Cần Kiệm Liêm Chính
Đối với đồng sự phải: Thân ái giúp đỡ
Đối với Chính phủ phải: Tuyệt đối trung thành
Đối với Nhân dân phải: Kính trọng lễ phép
Đối với công việc phải: Tận tụy
Đối với địch phải: Cương quyết, khôn khéo
Sự kiện Bác Hồ gửi thư cho đồng chí Giám đốc Công an Khu XII ngày 11/3/1948 trong đó có 6 điều dạy về tư cách người công an cách mạng là một sự kiện lịch sử đặc biệt của ngành Công an, ghi nhận tình cảm đặc biệt và sự quan tâm sâu sắc của Bác Hồ đối với lực lượng Công an Việt Nam. Đây là vinh dự lớn lao, niềm tự hào đặc biệt của lực lượng CAND và của các thế hệ CAND. Từ đây, CAND có một “Cẩm nang chính trị” làm kim chỉ nam, định hướng chính trị - tư tưởng cho công tác xây dựng lực lượng CAND và mãi mãi về sau; đó là một tài sản tinh thần vô giá, trường tồn của lực lượng CAND Việt Nam.
Sáu điều dạy của Bác Hồ về tư cách người Công an cách mạng chỉ có 51 chữ, ngắn gọn, súc tích, lô gic, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ học. Văn từ mang tính quan phương, chân thành, giản dị, không hào nhoáng, không “lên gân” đao to búa lớn nhưng hàm chứa giá trị tư tưởng lớn lao, tính triết lý sâu sắc và tầm tư duy chiến lược, thể hiện những quan điểm lớn, tư tưởng cốt lõi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về CAND Việt Nam, về công tác xây dựng lực lượng CAND, đặc biệt là xây dựng nhân cách, phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực hoạt động thực tiễn của người cán bộ chiến sĩ CAND “vừa hồng, vừa chuyên; có đức có tài”.
Sáu điều dạy của Bác Hồ hàm chứa tư tưởng sâu sắc về bản chất cách mạng, tính đảng, tính giai cấp, tính nhân dân của CAND. Chứa đựng triết lý nhân sinh quan về cốt cách, nhân cách, tư cách đạo cách mạng, lối sống, phong cách và văn hóa ứng xử (văn hóa chính trị) của người cán bộ công an cách mạng (khác hoàn toàn với công an phong kiến, đế quốc, thời Pháp thuộc, Nhật thuộc). Sáu điều dạy của Bác Hồ là một phác thảo rõ nét cốt cách “chân dung và hoạt động cơ bản” của người cán bộ Công an nhân dân cả về lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tác phong công tác và đặc biệt là về ý thức trách nhiệm công vụ và các hành vi ứng xử xã hội (với mình, với người, với việc). Sáu điều dạy của Bác Hồ hội tụ các giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và phẩm giá cao đẹp của người cộng sản chân chính.
Một điều đặc biệt quan trọng, 6 điều dạy của Bác Hồ là một “vũ khí tư tưởng hữu hiệu”; một “tấm gương lớn” của toàn lực lượng CAND để soi vào hàng ngày, “tự soi, tự sửa” nhằm phòng ngừa, ngăn chặn,đấu tranh kiên quyết chống lại những “cám dỗ vật chất, danh lợi tầm thường”; những “viên đạn bọc đường”; những tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường, của các loại tư tưởng cá nhân, cơ hội, thực dụng….
Ngay từ khi đón nhận sáu điều dạy (ngày 11/3/1948) lực lượng CAND đã ý thức sâu sắc về giá trị tư tưởng - lý luận và ý nghĩa thực tiễn to lớn của sáu điều Bác Hồ dạy về tư cách người Công an cách mạng. Trong suốt 75 năm qua, lực lượng CAND ra sức học tập thấm nhuần sâu sắc và thực hiện nghiêm túc sáu điều Bác Hồ dạy; nội dung 6 điều Bác Hồ dạy luôn là kim chỉ nam, là định hướng chính trị-tư tưởng đúng đắn, xuyên suốt, nhất quán đối với công tác xây dựng lực lượng CAND thực sự trong sạch, vững mạnh, tiến lên chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Sáu điều Bác Hồ dạy đã trở thành một cẩm nang giáo dục thường xuyên trong toàn ngành.
Phong trào học tập và thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy là phong trào thi đua sớm nhất, có tính liên tục, mang tính đặc thù sáng tạo của ngành Công an; có tính lan tỏa sâu rộng, tính thiết thực và hiệu quả cao trong toàn lực lượng CAND; phong trào học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy được coi là một giải pháp căn cốt, quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và mọi mặt công tác xây dựng lực lượng CAND trong mọi thời kỳ cách mạng.
Phong trào học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy được Nha Công an Trung ương phát động ngay từ năm 1948 và ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948), lực lượng CAND là một trong những ngành hưởng ứng sớm nhất, đi đầu, tiên phong thực hiện phong trào thi đua yêu nước với nội dung cốt lõi là họctập thấm nhuần sâu sắc và thực hiện nghiêm túc 6 điều Bác Hồ dạy về tư cách người Công an cách mạng.
Ty Công an Thanh Hóa là đơn vị đầu tiên đưa sáu điều dạy của Bác Hồ trở thành hoạt động chính trị - tưởng thường xuyên trong đơn vị. Năm 1951, Sở Công an Nam Bộ dưới sự chỉ đạo của đồng chí Phạm Hùng đã tổ chức nghiên cứu, tuyên truyền và triển khai sâu rộng trong toàn Công an Nam Bộ nội dung sáu điều dạy của Bác Hồ. Sở đã cho xuất bản cuốn sách (khổ nhỏ): Sáu điều dạy của Hồ Chủ tịch và treo các bích trương, pa nô, khẩu hiệu có ghi sáu điều dạy của Bác Hồ ở các nơi làm việc, nơi sinh hoạt tập thể của cơ quan, công sở để hàng ngày nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ việc học tập và thực hiện 6 điều dạy của Người…
Phong trào học tập, thực hiện sáu điều dạy của Bác Hồ nhanh chóng lan tỏa ra toàn lực lượng, trở thành một phong trào thi đua lớn, liên tục, có ý nghĩa thiết thực trong toàn ngành. Phong trào được gắn kết với các phong trào thi đua yêu nước khác do Đảng, Nhà nước và ngành Công an phát động qua từng giai đoạn lịch sử . Điển hình như: Phong trào “ba không”, “phòng gian bảo mật”, “ngũ gia liên bảo”; phong trào “rèn cán, lập công”; “gây cơ sở phá kỷ lục” (trong những năm kháng chiến chống Pháp); Phong trào bảo mật phòng gian, Bảo vệ trị an, xây dựng cơ quan, đơn vị an toàn; Phong trào thi đua “Vì ANTQ, vì hạnh phúc của Nhân dân, vì thống nhất đất nước (5/1964); Phong trào thi đua bảo vệ an ninh Tổ quốc, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược (1966); Phong trào thi đua lập công bảo vệ ANTQ, bảo vệ công cuộc xây dựng CNXH, bảo vệ sự nghiệp thống nhất nước nhà (Phong trào bảo vệ ANTQ - 1974)…
Từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay phong trào học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ và nhiều phong trào thi đua khác trong lực lượng CAND được Đảng, Nhà nước và Bộ Công an quan tâm chỉ đạo sát sao, đi vào chiều sâu và nâng lên tầm cao mới, nhất là sau khi có Chỉ thị số 92 của Ban Bí thư, ngày 25/6/1980 về “Mở cuộc vận động xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh và đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ”…
Ngày 25/5/1983, Bộ Công an ban hành Chỉ thị số 04/BCA về “Phát động phong trào học tập thấm nhuần sâu sắc và thực hiện nghiêm túc 6 điều dạy của Bác Hồ kính yêu”, kể từ đó đến nay Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an đã liên tục ban hành hơn 10 chỉ thị, chương trình, kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy CAND, kết hợp với việc hưởng ứng và triển khai sâu rộng các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn do Đảng, Nhà nước phát động và tổ chức; gắn phong trào thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy với các cuộc vận động lớn: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Từ năm 2006 trở lại đây, lực lượng CAND liên tục mở nhiều cuộc vận động lớn và tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, tìm hiểu, tuyên truyền, giáo dục sâu rộng tư tưởng Hồ Chí Minh về CAND trong toàn ngành nhằm thúc đẩy và nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào CAND học tập và thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy kết hợp với phong trào thi đua “Vì ANTQ” hàng năm trong tất cả các cấp, các đơn vị địa phương. (Điển hình như: Cuộc vận động CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ (2006); Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ (2016); CAND chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa, vì Nhân dân phục vụ (2016) …; Tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, hội nghị và các chương trình, đề tài NCKH Tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân, về An ninh trật tự, về xây dựng lực lượng CAND; về CAND học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy nhân dịp kỷ niệm năm chẵn, năm tròn Bác Hồ gửi thư cho Công an Khu XII nêu ra sáu điều dạy về Tư cách người công an cách mạng (11/3) và ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6)…
Trong suốt 75 năm qua, các phong trào thi đua trong CAND nói chung và phong trào học tập, thực hiện 6 điều dạy của Bác Hồ nói riêng đã diễn ra liên tục, sôi nổi, mang dấu ấn đặc thù, sáng tạo của lực lượng CAND và đưa lại hiệu quả thiết thực. Lực lượng CAND lập nhiều chiến công to lớn, thành tích vẻ vang, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Nhiều tấm gương anh hùng, liệt sĩ trong lực lượng CAND đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và công cuộc bảo vệ an ninh Tổ quốc. Bộ máy tổ chức CAND liên tục phát triển và ngày càng hoàn thiện; đội ngũ cán bộ chiến sĩ trưởng thành lớn mạnh, vững vàng về mọi mặt. Công an nhân dân thực sự là lực lượng vũ trang nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự,“Thanh bảo kiếm và lá chắn” bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho Nhân dân.
Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; các thế lực phản động, thù địch đã và đang thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng với nhiều phương thức, thủ đoạn thâm độc, nhiệm vụ của lực lượng CAND có nhiều thay đổi và đặt ra yêu cầu mới hết sức nặng nề, điều đó đặt ra cho ngành Công an càng phải thấm sâu lời dạy của Bác Hồ, cần phải tiếp tục được cụ thể hóa, chuẩn hóa, hiện thực hóa phù hợp với đặc thù công tác của từng lực lượng công an, lĩnh vực công tác công an trong tình hình mới để trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó./. Phan Văn Lãn
-----------------------------------------------------
1. Từ năm 2017, tại địa điểm này Bộ Công an đã xây dựng Khu Lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND khang trang, tôn nghiêm, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc...(Khu Lưu niệm sáu điều Bác Hồ dạy được Đảng ủy CATW và Bộ Công an quyết định xây dựng từ 8/2017 và khánh thành ngày 11/3/2018 nhân dịp kỷ niệm 70 năm CAND học tập và thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy, diện tích đất 3,2 ha nằm cạnh Chùa Nguộn, thị trấn Nhã Nam, cách Tp.Bắc Giang 30 km, gồm có 7 hạng mục chính như: Tượng đài Bác Hồ (ngồi cao 7m), Phù điêu (52mx13,5m), Nhà truyền thống và phòng thờ, Sân hành lễ và Hồ sen, Nhà đón tiếp và nhà điều hành, Khu vực trồng cây và Bãi đỗ xe, đường nội bộ).
2. Điển hình như Nha Công an Trung ương có tờ “Rèn luyện”; Ty Công an Tuyên Quang có tờ: “Trau dồi”; Ty Công an Nam định có tờ: “Luyện tiến” và Công an khu XII có tờ: “Bạn dân” vv…
3. Điển hình như: Chỉ thị số 03/BNV (2/6/1984); Chỉ thị 214/BNV (4/5/1994); Chỉ thị số 12/BCA (1/11/2002); Chỉ thị số 03/BCA (2018) vv… (Nguồn: Bộ Công an)
4. Đảng, Nhà nước và Bác Hồ tặng thưởng: 16 Huân chương Sao Vàng; 109 Huân chương Hồ Chí Minh; 208 Huân chương Độc lập và hàng vạn Huân, Huy chương các loại. 1.133danh hiệu AHLLVTND (tập thể 724, cá nhân 409), 2 danh hiệu AHLĐ. Hơn 14.800 liệt sĩ, gần 6.000 thương binh; gần 200 huy hiệu Bác Hồ…cùng nhiều phần thưởng cao quý khác) (Nguồn: Bộ Công an).