Giá trị của Tuyên ngôn độc lập năm 1945  

Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, trước hàng triệu quôc dân đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố với thế giới sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa – Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 không chỉ là một áng văn lập quốc vĩ đại mà còn hội tụ và tỏa sáng hào khí mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, có giá trị lịch sử và thời đại sâu sắc.

1. Tán đồng tư tưởng tiến bộ, đề cao những giá trị về quyền con người và từ quyền con người, Tuyên ngôn Độc lập nâng lên quyền của các dân tộc. Viện dẫn những luận điểm bất hủ trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”; Tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp 1791: “người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”, Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã “suy rộng ra” một chân lý lớn của thời đại mới trong thế kỷ XX: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là đã đặt quyền con người nằm trong quyền dân tộc và không tách rời quyền dân tộc; đặt vấn đề giải phóng con người gắn với giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, thực hiện quyền con người không tách rời thực hiện quyền dân tộc tự quyết.

                                                       

2. Tố cáo và lên án mạnh mẽ chính sách áp bức của chủ nghĩa thực dân đối với dân tộc Việt Nam, trái với những tuyên truyền lừa bịp của đế quốc, thực dân đối với các dân tộc thuộc địa. Sau khi khẳng định những lẽ phải không ai chối cãi được, Tuyên ngôn Độc lập nhấn mạnh: “Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”. Tuyên ngô Độc lập chỉ rõ sự nô dịch vô nhân đạo của thực dân Pháp một cách toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... đối với Việt Nam như: “Chúng tuyệt đối không cho dân ta một chút tự do, dân chủ nào”, “Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học, thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta”, “Chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy”, “trong 5 năm, chúng dã man bán nước ta hai lần cho Nhật”...

3. Khẳng định cơ sở pháp lý về sự tồn tại của chủ nghĩa thực dân ở Đông Dương không còn nữa. Trước dã tâm núp dưới bóng cờ quân Đồng minh để xâm lược trở lại Việt Nam của thực dân Pháp, bằng những lập luận đanh thép và vững chắc, Tuyên ngôn Độc lập đã chỉ cho toàn thế giới thấy rõ một thực tế lịch sử là: Từ mùa thu năm 1940, thực dân Pháp đã quỳ gối đầu hàng, dâng đất nước ta cho bọn phát xít Nhật. Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp. Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị, dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập... Bằng lập luận chặt chẽ, thấu tình, đạt lý, Tuyên ngôn Độc lập khẳng đinh: “Chúng tôi tin rằng các nước đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các hội nghị Tê-hê-răng và Cựu-kim-sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”.  Những lập luận đanh thép dựa trên cơ sở pháp lý quốc tế trong Tuyên ngôn Độc lập đã đặt các thế lực của chủ nghĩa thực dân, đế quốc vào tư thế của những kẻ can thiệp và xâm lược, nếu chúng núp dưới bóng cờ của quân Đồng minh để hòng thôn tính đất nước ta một lần nữa.

4. Khẳng định với thế giới về nền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam: Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập”. Và cùng với khẳng định độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam, Tuyên ngôn Độc lập thể hiện quyết tâm sắt đá và ý chí bảo vệ độc lập, chủ quyền không gì lay chuyển nổi của cả dân tộc: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền độc lập, tự do ấy”.

5. Tuyên ngôn Độc lập soi sáng con đường cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Không chỉ tuyên bố với thế giới và quốc dân đồng bào về nền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam, Tuyên ngôn độc lập còn soi sáng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong 9 năm kháng chiến chống Pháp và 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.  Ngày 19/12/1946, Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khẳng định: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”... Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân biệt đảng phái, tôn giáo, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc, ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước khẩu hiệu “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” trở thành quyết tâm cháy bỏng của bao thế hệ, thổi bùng khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước – Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Đặc biệt, ngày 17/7/1966, trên Đài Tiếng nói Việt Nam, lời kêu gọi kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát đi khắp cả nước: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”. Có thể nói, quyết tâm cao độ của cả dân tộc Việt Nam trong 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ chính là sự kế thừa, phát huy tinh thần bất tử của Tuyên ngôn Độc lập năm 1945.

72 năm đã trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa trước sự chứng kiến của toàn thể quốc dân đồng bào và bạn bè quốc tế, nhưng những luận điểm bất hủ của bản Tuyên ngôn vẫn còn nguyên giá trị; không ngừng khích lệ, động viên, hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, đoàn kết, đồng tâm hiệp lực, đóng góp sức lực, trí tuệ và tài năng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Tuyên ngôn Độc lập mãi mãi soi sáng con đường cách mạng Việt Nam. Ngọc Tuấn

2087 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 769
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 769
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87003369