Sức sống trường tồn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không những được nhân dân Việt Nam mà nhân dân thế giới thừa nhận bởi những đóng góp to lớn đối với sự phát triển dân tộc và nhân loại. Và những giá trị ấy của Người đối với dân tộc và thời đại mãi mãi vẫn còn soi sáng cho các thế hệ hôm nay, luôn trường tồn với thời gian.
Tư tưởng của Hồ Chí Minh là hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, không chỉ giải quyết vấn đề thuộc về tư duy lý luận mà cao hơn, đó là tư duy hành động, nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn cách mạng Việt Nam đòi hỏi. Tư tưởng Hồ Chí Minh với nội dung cốt lõi là tư tưởng nhân văn và cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, hướng tới xây dựng một thế giới hoà bình, hữu nghị và phát triển, được người chắt lọc từ văn hoá dân tộc. Trong tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh có các giá trị tinh hoa của thế giới: Người nói: “Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Jesus có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Jesus, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng phải đã có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn “mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay, họ còn sống trên đời này, nếu họ họp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy” 2. Chính người đã tiếp thu tinh hoa văn hoá Đông Tây để làm giàu thêm trí tuệ của mình “Từ bi, hỷ xả, cứu khổ cứu nạn” của đạo Phật; “hoà mục, đại đồng” và “ đức trị” của Nho giáo; bình đẳng, bác ái của Thiên Chúa giáo; “Tam dân” của Tôn Dật Tiên ... Đặc biệt, Người tiếp thu tư tưởng cách mạng, mục tiêu tất cả vì con người và sự nghiệp cách mạng giải phóng con người của chủ nghĩa Mác – Lênin. Như vậy, Hồ Chí Minh đã chắt lọc, bổ sung và phát triển những tinh hoa văn hoá thế giới để tạo nên giá trị vĩnh cửu.
Ngày 5 tháng 6 năm 1911 tại bến Nhà Rồng trên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville l, người thanh niên Văn Ba hay anh Ba đã lên đường sang Pháp để học hỏi những điều mà Người cho là "tinh hoa và tiến bộ" từ các nước phương Tây. Trên hành trình khảo cứu tìm đường cách mạng, Người đã tiếp thu lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin, đỉnh cao văn hoá thời đại; tìm ra con đường giải phóng dân tộc và phát triển đất nước, đó là “con đường cách mạng vô sản”; “ Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”. Người nói: “Chủ nghĩa Mác – Lênin là kim chỉ nam cho hành động, chứ không phải là kinh thánh”3. Người đề nghị, trong khi nắm vững những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin những người cộng sản các nước phải cụ thể hoá chủ nghĩa Mác – Lênin cho thích hợp với điều kiện hoàn cảnh từng lúc và từng nơi”4, phải vận dụng cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của cách mạng. Đây chính là điểm quan trọng thể hiện tư duy sáng tạo của Hồ Chí Minh. Chính điều này và điểm này, đã tạo nên giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh. Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, và trong thực tế tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành một tài sản tinh thần quý báu của Đảng và của dân tộc”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ để lại cho dân tộc Việt Nam một sự nghiệp cách mạng vĩ đại mà còn để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta một di sản quý giá, đó là tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức cao đẹp, suốt đời hy sinh phấn đấu quên mình cho đất nước và hành phúc của nhân dân. Người không chỉ hiện thân là một lãnh tụ thiên tài mà còn là một người thanh cao mà giản dị, sống gần gủi, thân thiết và gắn bó với quần chúng. Bởi vậy, những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được tôn vinh đời đời, điều đó thể hiện ở tinh thần phục vụ, thái độ và trách nhiệm trước nhân dân. Hồ Chí Minh từng nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xong pha sự hiểm nghèo – là vì mục đích đó”5. Người chỉ có ham muốn: “… ham muốn đến tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”6 . Chính ham muốn và mục đích vô cùng cao đẹp đó cho Người một ý chí và nghị lực phi thường vượt qua muôn vàn khó khăn khắc nghiệt. Đảng ta khẳng định: “Cuộc đời của Hồ Chí Minh trong như ánh sáng. Đó là tấm gương tuyệt vời về chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng nhân đạo và yêu mến nhân dân thắm thiết, đạo đức chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị. Tư tưởng và đạo đức của Người mãi mãi soi sáng và nâng cao tâm hồn chúng ta”7.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa hơn nửa thế kỷ, song tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với những giá trị đặc trưng, mang đậm nét văn hoá truyền thống của dân tộc: Yêu nước, thương nòi, đoàn kết, trọng tình trọng nghĩa vẫn mãi toả sáng và Người mãi mãi là tấm gương cổ vũ nhân dân Việt Nam và các dân tộc yêu chuộng hoà bình, tụ do trên thế giới đấu tranh vì độc lập, hoà bình và tiến bộ xã hội. Cuộc đời Người thực sự là một tấm gương đạo đức và nhân cách thanh cao của người chiến sĩ cách mạng, hết lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân. Và đây là minh chứng sinh động cho con đường cứu nước đúng đắn, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam và xu thế của thời đại của lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2021) chúng ta tự hào về một vị lãnh tụ kiệt xuất và một lần nữa khẳng định lại những giá trị trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh với dân tộc và thời đại bởi nó mang bản chất khoa học, cách mạng, thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, giữa lời nói và hành động “Thế giới đã và sẽ còn đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn sống mãi trong kho tàng văn hoá nhân loại”8. Tin chắc rằng, tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tiếp tục là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam và là ngọn cờ đầu soi đường, chỉ lối cho sự nghiệp cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam hoàn thành mục tiêu của chủ nghĩa xã hội./. Hải Lý-Trường Chính trị Lê Duẩn
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nghị quyết 24c/18.65 của Đại hội đồng UNESCO khoá 24-1987.
2. Trương Niệm Thức: Hồ Chí Minh truyện, Nxb Tam Liên, Thượng Hải, 6-1949, tr 41-42.
3,4. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H2011, t7, tr.120,187.
5,6. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H2011, t4, tr 272,177.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, H 1991, tr 127.
8. Võ Nguyên Giáp: Tư tưởng Hồ Chí Minh, quá trình hình thành và phát triển, Nxb Sự thật, H 1993, tr 73.