GIÁ TRỊ CỦA CƯƠNG LĨNH CHÍNH TRỊ ĐẦU TIÊN CỦA ĐẢNG 

Mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong tiến trình cách mạng Việt Nam. Với Cương lĩnh chính trị đúng đắn, Đảng đã lãnh đạo dân tộc Việt Nam vượt qua bao khó khăn giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đã 91 năm trôi qua, nhưng những ý nghĩa lịch sử trọng đại và giá trị chỉ đạo thực tiễn to lớn của Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đã định hướng cho sự phát triển của đất nước và chỉ đường cho mọi hoạt động của Đảng ta, Nhân dân ta.

Cuối thế kỷ XIX chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ, các nước phương Tây đua nhau xâm chiếm thuộc địa, tìm kiếm thị trường. Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược nước ta. Trước họa xâm lăng, nhân dân Việt Nam liên tục đấu tranh nhưng cuối cùng các cuộc khởi nghĩa đều bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu. Bước sang thế kỷ XX, phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam chịu sự tác động của các cuộc cách mạng tư sản, với hai khuynh hướng chủ yếu là bạo động và bất bạo động do Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh khởi xướng. Nhưng các phong trào yêu nước theo khuynh hướng tư sản cuối cùng bị thực dân Pháp đàn áp và thất bại, Việt Nam rơi vào bế tắc và khủng hoảng về đường lối cứu nước.

Giữa lúc khó khăn đó, ngày 05 tháng 06 năm 1911, tại bến cảng Nhà Rồng người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Người đã bôn ba qua nhiều nước đế quốc và thuộc địa, khảo sát, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn, cuối cùng Người đã bắt gặp và lựa chọn chủ nghĩa Mác - Lênin, xác định con đường cứu nước, giải phóng dân tộc là cách mạng vô sản. Người tin theo và vận dụng sáng tạo lý luận Mác - Lênin để hoạch định con đường cách mạng Việt Nam: chuẩn bị các tiền đề để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tạo cơ sở về tổ chức cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người theo con đường cách mạng vô sản. Người sớm xác định rõ: “Trước hết phải có Đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”.

Định hướng đúng đắn đó nhanh chóng đưa tới sự phát triển của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng Việt Nam cuối những năm 20 của thế kỷ trước đòi hỏi phải có một Ðảng Cộng sản đảm nhiệm vai trò lãnh đạo cách mạng thay cho Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tháng 3-1929, những người tích cực nhất của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên  Bắc Kỳ đã thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên tại nhà số 5D phố Hàm Long (Hà Nội) và thành lập Ðông Dương Cộng sản Ðảng ngày 17-6-1929. Tổng bộ Thanh niên và Kỳ bộ Nam Kỳ cũng cải tổ thành An Nam Cộng sản Ðảng vào tháng 8-1929. Ngày 1-1-1930, những đại biểu Tân Việt Cách mạng Ðảng đã ra "Tuyên đạt" chính thức lập ra Ðông Dương Cộng sản Liên đoàn. Ngày 27-10-1929, Quốc tế Cộng sản gửi thư cho những người cộng sản Ðông Dương yêu cầu các tổ chức cộng sản hợp nhất thành  lập  một  Ðảng  Cộng sản duy nhất ở Ðông Dương. Ðầu năm 1930, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã kịp thời triệu tập và chủ trì Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản để thành lập Ðảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam.

Hội nghị họp tại Hương Cảng gồm đại biểu của Ðông Dương Cộng sản Ðảng (Trịnh Ðình Cửu, Nguyễn Ðức Cảnh) và An Nam Cộng sản Ðảng (Nguyễn Thiệu, Châu Văn Liêm), Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là đại diện của Quốc tế Cộng sản. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã phân tích về vai trò, trách nhiệm của những người cộng sản trước vận mệnh dân tộc, về đòi hỏi của sự đoàn kết nhất trí của những người cộng sản Việt Nam. Các đại biểu đã nhất trí hợp nhất hai tổ chức cộng sản thành Ðảng Cộng sản Việt Nam; Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đầu năm 1930 là tất yếu của lịch sử, là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp ở Việt Nam trong thời đại mới, là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Đó là kết quả của quá trình chuẩn bị công phu, khoa học của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trên cả ba mặt tư tưởng, chính trị và tổ chức. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng. Sự ra đời của Đảng là sự chuẩn bị tất yếu đầu tiên có tính chất quyết định cho những bước phát triển nhảy vọt trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Hội nghị cũng đã thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và Ðiều lệ vắn tắt của Ðảng do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo.Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng thể hiện cô đọng các luận điểm cách mạng cơ bản, đánh giá chính xác tính chất xã hội Việt Nam thuộc địa và chỉ rõ mâu thuẫn cơ bản, chủ yếu là giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với đế quốc thực dân xâm lược; xác định đường lối phát triển, chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam được thực hiện bằng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Cương lĩnh cách mạng đầu tiên của Ðảng đã nêu những vấn đề cơ bản về đường lối của cách mạng Việt Nam, là lời tuyên bố về sự lựa chọn con đường phát triển cách mạng Việt Nam của Ðảng ta khi mới ra đời. Cương lĩnh xác định chiến lược cách mạng của Ðảng là tiến hành cuộc “tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Cương lĩnh đã xác định rõ sự lựa chọn con đường tiến lên của cách mạng Việt Nam. Ðây là cuộc cách mạng vô sản do giai cấp công nhân lãnh đạo và là cuộc cách mạng không ngừng. Luận điểm cách mạng của Hồ Chí Minh đã giải quyết đúng đắn, sáng tạo mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trong quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam dưới ánh sáng cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Chánh cương phân tích, đánh giá khái quát những đặc điểm quan trọng nhất của kinh tế công nghiệp, nông nghiệp của nước Việt Nam thuộc địa; tính chất độc quyền khai thác thuộc địa của thực dân Pháp với những hậu quả tiêu cực cản trở sự phát triển độc lập về kinh tế của Việt Nam. Chánh cương xác định rõ phương hướng phát triển của cách mạng Việt Nam là tiến lên chủ nghĩa cộng sản mà giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội. Về phương pháp cách mạng, về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Với Cương lĩnh chính trị đúng đắn và sáng tạo nên từ khi ra đời Đảng đã trở thành lực lượng lãnh đạo, tập hợp xung quanh mình toàn thể dân tộc theo con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn. Vì vậy, Người đã khẳng định: “Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta là nông dân. Vì vậy, Đảng đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình. Còn các đảng phái của các giai cấp khác thì hoặc bị phá sản, hoặc bị cô lập. Do đó, quyền lãnh đạo của Đảng ta - Đảng của giai cấp công nhân - không ngừng củng cố và tăng cường”. Dưới ánh sáng soi đường của Cương lĩnh Đảng đã dẫn dắt toàn dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thác nghềnh. Cho đến nay, Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng vẫn giữ nguyên giá trị, vẫn là ngọn cờ dẫn lối cho cách mạng Việt Nam tiến bước trên con đường mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và dân tộc đã lựa chọn. Phạm Xuân Ngọc

70713 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 437
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 437
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 89187840