Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “đạo đức cách mạng là hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng. Do lời nói và việc làm, đảng viên, đoàn viên và cán bộ làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, đoàn kết chặt chẽ chung quanh Đảng, tổ chức, tuyên truyền và động viên quần chúng hăng hái thực hiện chính sách và nghị quyết của Đảng”. Theo Bác, đạo đức cách mạng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng, là gốc của cây, ngọn nguồn của sông nước. Không chỉ xác định, nhận thức rõ về nội dung, vai trò, vị trí của đạo đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một tấm gương sáng ngời về thực hành đạo đức mà biểu hiện sống động, rõ nét nhất là qua các hoạt động, hành vi và lối sống; qua các mối quan hệ với con người, với công việc, trong giao tiếp, ứng xử hàng ngày. Người đã viết “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Có gì sung sướng, vẻ vang hơn là trau dồi đạo đức cách mạng để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và giải phóng loài người”.
Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo khổ nhưng giàu truyền thống yêu nước, văn hiến, Người được nuôi dưỡng, thấm nhuần sâu sắc triết lý sống của cha ông: Muốn dựng làng và giữ nước phải bắt đầu từ việc làm người một cách thành thật đúng nghĩa. Bài học đạo đức lớn nhất mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho mọi thế hệ người Việt Nam chính là triết lý nhân văn, nhân bản về việc biết sống ở đời và làm người, mà nội dung và chiều sâu nhân văn của nó là yêu nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức bóc lột. Gia đình, quê hương, đất nước đã hình thành nên một Hồ Chí Minh mang nhân cách vĩ đại giàu lòng yêu nước, thương dân, nhất là những người nghèo khổ, giúp Người thấu hiểu được sức mạnh của ý chí tự cường, tinh thần tự tôn dân tộc. Từ cụ già đến trẻ nhỏ, từ những người nông dân chân lấm tay bùn và những công nhân trong nhà máy, hầm mỏ đến những người chiến sĩ, những cán bộ dân tộc ít người và cả những cán bộ làm việc xung quanh Bác… tất cả đều nhận được tình yêu thương bao la, sự quan tâm, chia ngọt sẻ bùi của Bác. Với em bé, Bác để dành quả táo để làm quà. Với cụ già, Bác tặng từng thước vải. Với cán bộ chiến sĩ, Bác tặng rau xanh, hoa quả do mình tăng gia sản xuất và gửi cả tiền tiết kiệm của mình để cải thiện bữa ăn, nước uống cho anh em. Người đã nêu một tấm gương mẫu mực tận trung với nước, tận hiếu với dân, coi dân là quý nhất, sức mạnh đoàn kết của muôn dân là sức mạnh vô địch nhất; Phục vụ nhân dân là phục tùng một chân lý cao nhất và dốc lòng tận tụy vì dân là theo đuổi một lẽ sống cao thượng nhất. Trong hành trình tìm đường cứu nước, dù ở đâu, làm gì, khó khăn, gian khổ ra sao Bác vẫn chấp nhận mọi công việc, miễn là việc đó có lợi cho Tổ quốc, có lợi cho cách mạng. Sau này, dù là lãnh đạo ở vị trí cao nhất nhưng Người luôn trung thành, tận tụy vì lợi ích của Tổ quốc và nhân dân, giữ phong cách sống tiết kiệm, giản dị, không mưu cầu lợi ích riêng cho cá nhân và gia đình. Hình ảnh Chủ tịch nước - một ông cụ với đôi dép cao su, bộ quần áo ka ki bình dị nhưng vẫn được bạn bè quốc tế tôn vinh là danh nhân văn hóa, luôn được các thế hệ cháu con người Việt Nam ngưỡng vọng với một lòng thành kính vô hạn.
Trong công việc, Bác rất nghiêm túc và nghiêm khắc, ngay cả với bản thân mình. Bác đặc biệt nhấn mạnh việc phải đúng thời gian trong công việc. Trong kháng chiến chống Pháp, một đồng chí cấp tướng đến làm việc với Bác sai hẹn mất 15 phút. Mặc dù có lý do: mưa to, suối lũ, ngựa không qua được, Bác vẫn nhẹ nhàng góp ý: “Chú làm tướng mà chậm đi mất 15 phút thì bộ đội của chú sẽ hiệp đồng sai đi bao nhiêu? Hôm nay chú đã chủ quan, không chuẩn bị đầy đủ các phương án, nên chú đã không giành được chủ động”. Một lần khác, Bác và đồng bào phải đợi một đồng chí cán bộ đến để bắt đầu cuộc họp. Bác hỏi: “Chú đến chậm mấy phút?” “Thưa Bác, chậm mất 10 phút ạ”. “Chú tính thế là không đúng, 10 phút của chú phải nhân với 500 người đợi ở đây”. Bác quý thời gian của mình bao nhiêu thì cũng quý thời gian của người khác bấy nhiêu, vì vậy thường không bao giờ Bác để bất cứ ai phải đợi chờ mình. Người dạy đạo lý làm người chủ yếu bằng nêu gương, dạy chủ yếu bằng hành động, đưa con người vào tình huống để người ta suy ngẫm, thức tỉnh, chứ không bao giờ là lý thuyết suông. Bác đã sống và làm việc như những gì Người từng khẳng định “Cả đời tôi chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân…”. Vì thế mà ai ai cũng đều “tâm phục khẩu phục”, ghi nhớ đến suốt đời những bài học dạy làm người của Bác.
Hiện nay không ít cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những cán bộ có chức, có quyền vẫn chưa nói và làm đúng những lời dạy của Bác. Nạn tham nhũng, hối lộ, lãng phí của công, quan liêu, cửa quyền, nhũng nhiễu nhân dân… ngày càng nhiều. Các vụ án kinh tế gần đây cho thấy đó là những cán bộ, đảng viên bị sa sút về đạo đức và tha hóa về lối sống. Họ đã làm giảm sút lòng tin, uy tín của Đảng trước Nhân Dân. Thực hành tốt những lời dạy của Bác là chúng ta góp phần củng cố lòng tin của Nhân Dân vào Đảng và chính quyền cách mạng. Góp phần thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Châu Minh