Chiều nay, 25/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp ổn định sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.
|
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến (áo trắng) cho biết sẽ tăng cường kết nối khâu sản xuất và tiêu thụ thịt lợn - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Hội nghị tập trung chủ yếu về vấn đề bình ổn giá thịt lợn và lắng nghe các kiến nghị để phát triển bền vững thị trường chăn nuôi lợn thời gian tới.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 9/2021, đàn lợn cả nước tăng 3,8% so với cùng thời điểm năm 2020. Ước tính 9 tháng 2021, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 3.060,9 nghìn tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, do tình hình dịch COVID-19 phức tạp khiến lượng tiêu thụ thịt lợn giảm, người chăn nuôi phải nuôi giữ trong chuồng, đàn lợn quá lứa còn ứ đọng lại trong chuồng chưa xuất bán khoảng 30% (tương đương khoảng 1,5 triệu con)... nên giá bán lợn giảm đáng kể.
Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2021 lượng nhập khẩu thịt đạt hơn 214,4 nghìn tấn, trong đó thịt lợn là 112,7 nghìn tấn, chiếm 3,6% tổng sản lượng thịt lợn trong nước (năm 2020 nhập 599 nghìn tấn, trong đó thịt lợn là 225,5 nghìn tấn). Như vậy, tỷ trọng thị lợn nhập khẩu chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng sản lượng thịt lợn trong nước nên ngành nông nghiệp khẳng định nhập khẩu không phải là nguyên nhân chủ yếu khiến giá lợn hơi xuống thấp thời gian qua.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), giá thịt lợn đã ngưng đà giảm. “Trong 2-3 ngày qua, giá thịt lợn xuất chuồng đã tăng trở lại khoảng 5 nghìn đồng đến 6 nghìn đồng/kg. Đến hôm nay, giá lợn hơi trên địa bàn cả nước dao động từ 36 nghìn đồng - 45 nghìn đồng/kg. Dự kiến khoảng 2 tuần tới, giá lợn hơi tiếp tục tăng ở mức ổn định, bảo đảm có lãi cho người chăn nuôi”, ông Toản nhấn mạnh.
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp nêu ý kiến về tăng cường sự bền vững trong chuỗi liên kết.
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Tổng giám đốc công ty TNHH De Heus chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu gà sang Nhật Bản, chia sẻ: “Trong khoảng 5 tháng qua, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện cam kết về giá thu mua với người chăn nuôi để giữ ổn định mối liên kết. Chúng tôi rất mong muốn các chương trình liên kết mà Bộ NN&PTNT cũng như các bộ ngành liên quan xây dựng cụ thể hóa hơn để có thể những chế tài chặt chẽ”.
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ cũng cho biết, thông thường các kênh bán lẻ hiện đại như các siêu thị không bị phụ thuộc vào biến động giá ở các chợ bán lẻ và các hộ kinh doanh tiểu thương. Tuy nhiên, do đặc thù ngành hàng tươi sống, các nhà bán lẻ hiện đại cũng chưa có kho bảo quản, chế biến đủ lớn nên giá cả phụ thuộc toàn bộ vào nhà cung cấp. “Chúng tôi chỉ ký hợp đồng với những nhà cung cấp lớn để đảm bảo số lượng và chất lượng. Tuy nhiên nếu mối liên kết giữ người sản xuất và các nhà cung cấp lỏng lẻo thì các kênh bán lẻ cũng chịu sự biến động về giá. Do vậy các chế tài để người sản xuất và các đầu mối tiêu thụ liên kết chặt chẽ là rất cần thiết”, bà Hậu nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam nêu ý kiến, cần có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào, hỗ trợ tín dụng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, đảm bảo nguồn cung thực phẩm vào những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán. Nghị quyết 128 của Chính phủ sẽ thúc đẩy việc phục hồi hoạt động của các chợ truyền thống và các hoạt động kinh tế xã hội, chắc chắn cầu sẽ tăng, kéo theo giá sản phẩm chăn nuôi tăng lên. Tuy nhiên về dài hạn, cần phải tính đến một chiến lược về phát triển nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, không thể để phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu như hiện nay, ông Sơn nêu kiến nghị.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, thời gian tới, Bộ tiếp tục tăng cường tổ chức kết nối tiêu thụ, hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại chăn nuôi mở rộng thị trường. Bộ NN&PTNT cũng sẽ tăng cường tổ chức hướng dẫn các hộ chăn nuôi sử dụng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có sẵn tại địa phương tự phối trộn để giảm giá thành; đồng thời, đưa ra mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, phòng ngừa dịch bệnh, hạn chế rủi ro, giảm chi phí trong chăn nuôi.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết đã đề xuất Chính phủ xem xét gói hỗ trợ để khôi phục sản xuất đối với nông dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi COVID-19. Cùng với đó, xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế bảo vệ môi trường. Đồng thời gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng; giảm tiền thuê đất của năm 2021-2022 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi COVID-19; có chính sách bố trí đất cho chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, đầu tư hạ tầng cho giết mổ, chế biến.
Đỗ Hương