|
Tọa đàm “Trợ lực cho các địa phương, gia tăng hiệu quả thực thi FTA” |
Tuy nhiên, những kết quả thực thi FTA trong những năm vừa qua cho thấy Việt Nam vẫn còn dư địa rất lớn để khai thác hiệu quả hơn nữa các thị trường này. Điều đó đòi hỏi cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa từ các cơ quan quản lý, địa phương, doanh nghiệp để có thể gia tăng hơn nữa cơ hội từ các hiệp định này mang lại.
Thông tin tại Tọa đàm “Trợ lực cho các địa phương, gia tăng hiệu quả thực thi FTA” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 31/10 cho thấy, theo thống kê, tổng kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều của 5 thành phố trực thuộc Trung ương với các nước trong FTA giai đoạn 2021-2022 ước đạt hơn 449 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu ước đạt 189,5 tỷ USD; nhập khẩu ước đạt 259,4 tỷ USD.
Riêng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong hai năm 2021-2022, tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa 5 thành phố với các nước CPTPP đạt 79,751 tỷ USD. Với EVFTA, doanh nghiệp 5 thành phố đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 14,179 tỷ USD tới các nước EU.
Báo cáo mới đây của Bộ Công Thương về tình hình Hiệp định CPTPP, EVFTA và UKVFTA cũng cho thấy cái nhìn tổng quan hơn: Năm 2022 có 52/63 tỉnh, thành phố có hoạt động xuất khẩu với CPTPP, tăng 11 địa phương so với năm 2021. Đối với EVFTA, có 49/63 địa phương có hoạt động xuất khẩu với khu vực này, tăng 11 địa phương so với năm 2021. Tương tự, năm 2022 có 44/63 tỉnh, thành phố có hoạt động xuất khẩu với Vương quốc Anh theo Hiệp định UKVFTA, tăng 13 địa phương so với năm 2021.
Mặc dù xuất khẩu sang thị trường các FTA tăng trưởng tích cực, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương, tuy nhiên ghi nhận thực tế cho thấy, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các FTA chưa đạt như kỳ vọng. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi giấy chứng nhận ưu đãi (C/O) ưu đãi chưa cao. Số lượng doanh nghiệp trong nước xuất khẩu sang các thị trường FTA vẫn khiêm tốn. Đáng chú ý, công tác thực thi, triển khai FTA tại các địa phương thời gian qua còn nhiều tồn tại, khó khăn, nhiều chương trình, hoạt động vừa thiếu, vừa thừa. Số lượng các tỉnh thành có hoạt động xuất nhập khẩu tại thị trường các nước có FTA còn chưa đồng đều.
Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực vẫn được triển khai tại các địa phương nhưng phần lớn các hoạt động này chủ yếu được thực hiện trong khuôn khổ chính sách phát triển chung của tỉnh, không phải dành riêng cho việc thực thi FTA nào đó. Điều này dẫn đến hoạt động hỗ trợ mang tính dàn trải, chưa có điều kiện tập trung vào các lĩnh vực hoặc ngành hàng có thế mạnh của tỉnh và có cơ hội tiếp cận thị trường từ các FTA.
Liên quan tới việc hiện nay chuỗi cung ứng tại các khu vực FTA tiếp tục có sự dịch chuyển đi kèm với những thách thức mới tại nhiều thị trường, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho rằng, tới đây, cần sự chỉ đạo đồng bộ từ Trung ương, từ bộ xuống tới các địa phương để có thể tận dụng tốt và triển khai FTA một cách hiệu quả… Cùng đó, cần có sự chỉ đạo xuyên suốt từ phía Bộ xuống tới các tỉnh để target (mục tiêu) vào từng địa phương phù hợp với hạng mục đầu tư nào để khuyến khích thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào hạng mục đó. Đây cũng là một cách góp phần gia tăng xuất khẩu gián tiếp cho ngành công nghiệp điện tử Việt Nam.
Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cũng cho biết, liên quan tới FTA Index (thông tin bổ sung tin cậy giúp các nhà đầu tư định hướng và đưa ra quyết định đầu tư, từ đó giúp khuyến khích các dòng đầu tư chất lượng cao tận dụng cơ hội từ các FTA), Bộ Công Thương đã lường trước được nhiều thách thức, từ phương pháp lấy thống kê để cho minh bạch, công bằng.
Theo ông Ngô Chung Khanh, tổ của FTA Index không phải chỉ riêng Bộ Công Thương. Đây là một vấn đề lớn nên có một tổ công tác của các bộ, ngành liên quan để vận hành cũng như kiểu xây dựng bộ chỉ số này. Hiện nay, Bộ đã đang triển khai theo thủ tục lựa chọn đơn vị thực hiện đánh giá, khảo sát, đánh giá FTA và cũng đang trong giai đoạn cuối cùng để lựa chọn.
Khi Bộ Công Thương lựa chọn được phương pháp sẽ phải lấy ý kiến của các bộ, ngành có liên quan và nhất là phải được biên tập, thống kê thông qua và kể cả các câu hỏi trong quá trình phương pháp đấy cũng phải tham vấn với tất cả 63 tỉnh, thành. Thậm chí, Bộ Công Thương còn căn cứ trên kế hoạch đăng ký của một số tỉnh sẽ tổ chức thông báo và hướng dẫn cho các tỉnh, thành biết để làm như thế nào, làm sao có thể làm chuẩn theo FTA Index. Dự kiến, theo kế hoạch, cuối năm 2023, bộ chỉ số này phải ban hành và công bố.