Giá sắn tăng, nông dân vẫn 'khóc ròng' 

Sau nhiều năm chạm đáy, giá sắn tươi tại Quảng Trị đang bất ngờ tăng cao chót vót. Tuy nhiên, người trồng sắn lại “khóc ròng” vì không có sắn củ bán cho nhà máy, bên cạnh đó là nạn trộm sắn hoành hành...

Công an trạm Lìa kiểm tra tại các vườn sắn bị trộm /// Ảnh: Thanh Lộc

Công an trạm Lìa kiểm tra tại các vườn sắn bị trộm
ẢNH: THANH LỘC
 
Huyện Hướng Hóa và Đakrông là 2 vùng nguyên liệu sắn chủ lực của Quảng Trị với tổng diện tích 7.500 ha, tổng sản lượng sắn của 2 huyện mỗi năm đạt khoảng 150.000 tấn. Vì vậy, những ngày này đang vào vụ thu hoạch mà nông dân nơi đây không có sắn tươi để bán cho các nhà máy thì đúng là... chuyện đùa
Dân bỏ rẫy, nhà máy thiếu nguyên liệu
Hướng mắt về rẫy sắn vẫn còn non do trễ vụ, ông Hồ A Tiếp (xã A Xing, H.Hướng Hóa) đầy tiếc rẻ vì đang là thời điểm hiếm hoi giá sắn lên đến mức 3.000 đồng/kg trong vòng 5 năm gần đây, vậy mà hầu hết nông dân không có sắn để bán. “Mỗi héc ta sắn bây giờ chỉ cần đạt năng suất chừng 15 tấn là nông dân bỏ túi hơn 40 triệu đồng rồi. Càng nghĩ càng thêm tiếc!”, ông Tiếp nói.
Ông Tiếp kể, do nhiều năm liền giá sắn rớt thảm hại, có lúc chỉ còn 1.200 đồng/kg, nên nhiều nông dân đã phá bỏ rẫy để trồng loại cây khác. Phần nữa, khoảng cuối năm 2017 đầu 2018, giá sắn có nhích lên ngưỡng 2.500 đồng/kg, nhưng người trồng sắn cũng chưa đủ tự tin vì sợ giá lại rớt nên đã vội bán tháo, khiến bây giờ không có sắn gối đầu để bán như mọi năm. Chưa kể, vụ sắn năm nay người dân vùng Lìa (H.Hướng Hóa) còn đối mặt với hàng loạt trở ngại: thời tiết khắc nghiệt, không đủ nhân lực để canh tác sắn thủ công (lao động bỏ đi làm việc khác), đất đai bạc màu, thu hoạch muộn so với thời vụ...
 
Chính vì thế, Nhà máy chế biến tinh bột sắn H.Hướng Hóa (đơn vị thu mua sắn tươi trong khu vực) ước tính diện tích trồng sắn năm nay giảm chỉ còn 70% so với năm ngoái. Thiếu nguyên liệu, nhà máy phải hoạt động cầm chừng ở mức 20% công suất, dù giá sắn tinh bột trên thế giới đang lên cao, làm ra chừng nào bán hết chừng đó. Ông Lê Văn Thể, Giám đốc Nhà máy chế biến tinh bột sắn H.Hướng Hóa, thừa nhận rất khó để khâu thu mua sắn tươi trở nên “nhộn nhịp” như những năm trước. “Mặc dù xác định sắn là cây chủ lực nhưng chủ trương của chính quyền địa phương là không mở rộng diện tích. Trong tình hình hiện nay, nếu không thay đổi cách canh tác, thâm canh thì năng suất sắn chỉ có thể đi xuống dần”, ông Thể nói.
Và nỗi lo trộm sắn
Chưa hết tiếc rẻ vì việc giá sắn lên cao nhưng không có để bán, nông dân vùng Lìa còn phải đối diện nạn trộm sắn.
Tại xã A Dơi, một điểm nóng của nạn trộm sắn tươi, các hộ dân trồng sắn ở rẫy xa nhà hằng ngày phải luân phiên nhau ra trông coi. Cả xã có khoảng 600 ha sắn, nhưng từ đầu tháng 9 đến nay có hơn 20 vụ trộm sắn ngay tại rẫy. Cá biệt, hộ anh Phan Văn Lượng (trú thôn Tân Hải, xã A Dơi) trình báo bị trộm tới cả chục tấn sắn tại rẫy ở thôn Xa Doan (cùng xã). Bọn trộm lợi dụng những rẫy không có người coi giữ để nhổ, hoặc táo tợn lẻn vào vườn vác trộm những bao sắn đã thu hoạch nhưng khổ chủ chưa kịp vận chuyển. Kể cả sắn non chưa đến ngày thu hoạch cũng bị nhổ. “Bọn chúng chỉ đào đất lấy củ rồi lấp lại, còn phần thân lá vẫn y nguyên nên nếu không kiểm tra kỹ thì vẫn nghĩ cây sắn đang... phát triển bình thường”, một nông dân trồng sắn ở A Dơi than thở.
Nạn trộm sắn cũng khiến đơn vị tiêu thụ như Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa gặp khó. “Chúng tôi là đơn vị sản xuất, nhưng hễ mất sắn thì người dân đến kêu với nhà máy. Trong khi khu vực gần 10 ha trồng sắn thử nghiệm bằng cơ giới hóa của chúng tôi cũng tan hoang vì trộm”, ông Lê Văn Thể than phiền. Theo ông Thể, bước đầu nghi vấn những người trộm sắn về bán rẻ tại các cửa hàng tạp hóa ven đường. “Chúng tôi đã làm việc mấy lần với chính quyền các xã và lực lượng công an, đề nghị cùng vào cuộc. Cách duy nhất là cấm tiệt các cửa hàng tạp hóa này mua sắn lẻ, vì nếu mua đồng nghĩa với việc tiếp tay cho kẻ trộm”, ông Thể nói.
Trung tá Hồ Sĩ Vinh, Trạm trưởng Trạm công an vùng Lìa (Công an H.Hướng Hóa), nhìn nhận có nạn trộm sắn xảy ra trên địa bàn, cá nhân ông cũng nhiều lần cùng cán bộ đi xác minh, tuy nhiên lại gặp khó trong khâu xử lý vì nghi phạm đa phần là trẻ em. “Chúng tôi đến thì chúng vờ đi bắt dế, lúc quay về thì liền đi trộm. Mỗi gùi chúng kiếm vài chục nghìn đồng, nhưng ngày nào cũng thế thì số lượng sẽ nhiều dần và gây ức chế cho nông dân trồng sắn”, trung tá Vinh nói và cho biết đồng tình với biện pháp không thu mua sắn lẻ khi đang vào vụ thu hoạch, mà nhà máy chỉ nên thu mua vào cuối vụ. “Có thế, bọn trộm không biết bán sắn cho ai và nạn trộm cắp tự khắc sẽ hết”, trung tá Vinh nói.
1114 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1017
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1017
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87131707