Nhà máy hoạt động cầm chừng
Vụ sắn 2017 - 2018 này (kéo dài từ tháng 8.2017 đến hết tháng 5.2018), nhiều nhà máy chế biến tinh bột sắn đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị lâm vào tình cảnh khá vất vả khi không có sẵn nguyên liệu để sản xuất. Nhiều nhà máy hoạt động cầm chừng, có nhà máy thậm chí cho công nhân tạm nghỉ để chờ có nguyên liệu thì hoạt động tiếp. Đây là câu chuyện không mấy khi xảy ra ở địa phương có vùng nguyên liệu sắn gần 12.000 ha này.
Tại Nhà máy chế biến tinh bột sắn An Thái (thôn An Thái, xã Cam Tuyền, H.Cam Lộ), dù công suất mỗi mùa có thể thu mua 40.000 tấn sắn tươi, nhưng vụ này chỉ chạy được khoảng 50% công suất. Lãnh đạo nhà máy cho biết ngoài thu mua sắn tươi cho bà con nông dân H.Cam Lộ, H.Gio Linh, Vĩnh Linh và các vùng lân cận, nhà máy còn nhập cả sắn từ Lào nhưng vẫn rơi vào tình trạng “đói” nguyên liệu.
Chung cảnh ngộ, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa (đóng trên địa bàn H.Hướng Hóa, thuộc Tổng công ty thương mại Quảng Trị) cũng đối mặt tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng. Ông Lê Văn Thể, Giám đốc nhà máy, cho biết mọi năm mỗi vụ nhà máy thu mua và chế biến khoảng 60.000 tấn tinh bột sắn, nhưng vụ này tính đến nay chưa đạt 35.000 tấn. “Hiện công suất của nhà máy chúng tôi đạt cao nhất là 70%, còn những nhà máy ở đồng bằng thì giỏi lắm là 40 đến 50% công suất”, ông Thể nói. Ngoài việc thu mua sắn cho những người dân nước bạn sống dọc biên giới Việt Lào, giáp H.Hướng Hóa, nhà máy đã cho người đi thu mua sắn tận Pacse (Lào), cách nhà máy trên 400 km, nhưng vẫn không đủ nguyên liệu.
Khan hiếm nguyên liệu sắn đã đẩy giá sắn tươi lên cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức 2.500 - 2.700 đồng/kg. Thế nhưng, khi giá cao thì nông dân không còn sắn để bán, còn nhà máy, theo ông Thể: “Thiếu nguyên liệu nên sẽ phải nghỉ nhiều, sản lượng thấp và giảm thu nhập của người lao động”.
Vì đâu nên nỗi
Theo con số thống kê của ngành nông nghiệp Quảng Trị, đến cuối năm 2017, địa phương này có 11.637 ha sắn, năng suất đạt 16,5 tấn/ha, tổng sản lượng hơn 192.000 tấn. Sắn trồng tập trung ở 2 huyện vùng cao là Hướng Hóa (5.500 ha) và Đakrông (2.000 ha).
Nguyên nhân thiếu hụt sắn nguyên liệu, lãnh đạo Nhà máy chế biến tinh bột sắn An Thái cho rằng đầu tiên và cũng quan trọng nhất chính là do trong các năm 2015, 2016 giá tinh bột sắn trên thế giới giảm dẫn đến giá sắn nguyên liệu giảm (có khi chỉ còn 1.200 đồng/kg) nên người trồng sắn đã không mặn mà với loại cây này. “Vì thế, người dân hoặc là bỏ trồng hoặc là thay thế loại cây khác, nhiều nhất là trồng tràm”, vị lãnh đạo này nói.
Một nguyên nhân khác, được ông Thể đưa ra, là thời tiết. Theo ông Thể, năm 2017 toàn tỉnh Quảng Trị mưa quá nhiều, đặc biệt là 2 vùng nguyên liệu Hướng Hóa và Đakrông nên làm giảm năng suất sắn nghiêm trọng. “Mưa nhiều thì nắng ít, các rẫy sắn nhão nhoẹt không thể làm cỏ đúng hạn và cỏ phát triển át cả sắn, nên trước năng suất trung bình 18 tấn/ha thì nay chỉ còn 60 đến 70%. Chưa kể có nhiều rẫy, cỏ vượt mặt sắn nên nông dân thu hoạch không được vì sắn không ra củ”, ông Thể nói.
Đó là lý giải từ phía doanh nghiệp, còn người nông dân và chính quyền địa phương thì sao? Thực tế, địa phương vẫn quyết tâm với việc chuyển đổi một phần diện tích sắn sang trồng loại cây trồng khác mang lại giá trị kinh tế bền vững hơn. “Trồng sắn bấp bênh quá, điệp khúc “được mùa mất giá” rồi “được giá mất mùa” lặp đi lặp lại mãi làm tôi chán ngán”, một nông dân trồng sắn thở dài. Trong khi đó, ông Lê Quang Thuận, Phó chủ tịch UBND H.Hướng Hóa, cho biết nhiều năm gần đây người dân mất niềm tin vào cây sắn. “Chủ trương của huyện trong năm 2018 và cả thời gian tới sẽ cho chuyển đổi những diện tích trồng cây không hiệu quả (kể cả cây sắn) bằng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. Điều này đặt ra việc các nhà máy chế biến tinh bột sắn cần phải tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu theo hướng bền vững, thâm canh tăng năng suất”, ông Thuận nói.