|
Vú sữa được xuất khẩu sang Hoa Kỳ đã khiến mặt hàng này tăng giá cao - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Theo Bộ NN&PTNT, hiện, tại các tỉnh ĐBSCL, giá bán thanh long đã tăng nhẹ so với thời điểm đầu tháng, với mức giá 13.000 – 14.000 đ/kg (loại 1); dưới 10.000 đ/kg (loại 2). Dự báo, thời gian tới, giá bán sẽ cao hơn so thời điểm hiện tại do nhu cầu phục vụ Tết Nguyên đán.
Tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, hiện mặt hàng vú sữa cũng đang có giá khá cao là 13.000-15.000 đ/kg (loại 1); 10.000-11.000 đ/kg (loại 2). Về nguyên nhân giá vũ sữa cao, trong đó có vú sữa tím, theo Bộ NN&PTTN, có thể xuất phát từ việc loại trái cây này đã chính thức được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.
Đáng chú ý, giá mít siêu sớm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện đã đạt mức giá kỷ lục là 43.000 đ/kg. Điều này xuất phát từ nhu cầu tăng mạnh từ thị trường Trung Quốc.
Trái ngược với sự tăng giá kể trên, nhiều nhà vườn ở ĐBSCL lại mất ăn mất ngủ vì cam sành không chỉ liên tục rớt giá mà còn đối mặt với dịch bệnh tấn công với mức giá hiện chỉ 5.000 đ/kg. Nguyên nhân là do cung vượt cầu nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi…
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT cũng cho biết giá trị xuất khẩu hàng rau quả tháng 1/2018 ước đạt 321 triệu USD, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam trong năm 2017 với thị phần lần lượt là 75,7%, 3,6%, 2,9%, và 2,4%.
Trong năm 2017, các thị trường có giá trị xuất khẩu hàng rau quả tăng mạnh là Nhật Bản (69,3%), Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (56,3%), và Trung Quốc (52,4%).
Đỗ Hương