Giá mặt hàng thịt lợn sẽ tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán 

(Chinhphu.vn) – Do dịch tả lợn Châu Phi đã qua giai đoạn đỉnh nên đã có một số nơi được phép tái đàn trở lại. Hiện tại, với giá thịt lợn cao sẽ khuyến khích người chăn nuôi tái đàn, do vậy cũng sẽ giúp bù đắp một phần thiếu hụt trong thời gian tới.

 

Nhu cầu tiêu thụ thịt lợn sẽ có xu hướng tăng trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Ảnh minh hoạ.

Ngày 17/12, Bộ Công Thương đã đưa ra thông tin về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn những tháng cuối năm 2019.

Cụ thể, từ tháng 6, giá mặt hàng thịt lợn có xu hướng tăng dần, tăng mạnh nhất từ cuối tháng 10 đến nay (tăng khoảng 60-80% so với tháng 9 và tăng 60-95% so với đầu năm 2019).

Giá các sản phẩm thịt lợn hiện đang ở mức rất cao (lợn hơi hiện ở mức 80.000 – 90.000đ/kg, tăng 10.000đ/kg so với tuần trước, giá thịt lợn thành phẩm ở mức 160.000 – 180.000đ/kg, tăng 15.000 – 20.000đ/kg so với tuần đầu tháng 12 năm 2019).

Nguyên nhân việc tăng giá nêu trên, theo Bộ Công Thương là do ảnh hưởng của Dịch tả lợn Châu phi lây nhiễm vào Việt Nam từ đầu năm 2019 và đến cuối tháng 6 đã lan rộng, bùng phát trên phạm vi toàn quốc, số lượng lợn mắc bệnh và tiêu hủy lớn cùng với việc không thể tái đàn ở các vùng dịch trong những tháng tiếp theo do dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam chưa được khống chế, chưa có vaccine chống dịch đã tác động lớn đến nguồn cung thịt lợn cho thị trường trong nước (đặc biệt cho giai đoạn từ cuối tháng 9 đến nay).

Việc kiểm dịch thú y, kiểm soát dịch bệnh hạn chế lưu chuyển lợn thịt và thịt lợn giữa các địa phương để tránh lây lan dịch bệnh đã gây mất cân đối cung cầu cục bộ tại một số địa phương, đẩy giá thịt lợn tăng cục bộ ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Đồng thời, nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm tăng, trong khi đó một bộ phận người chăn nuôi và nhà sản xuất giữ hàng lại chưa bán chờ giá tăng cao hơn.

Theo Bộ NN&PTNT, xét về tổng lượng thịt các loại trong năm 2019, ước đạt 5,14 triệu tấn, giảm 4,1% . Tuy nhiên, thịt lợn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu và chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 70%) trong cơ cấu tiêu dùng thực phẩm, sản lượng thịt lợn giảm 380.000 tấn, tương đương từ 9-10% so với năm 2018 cũng ảnh hưởng lớn đến thị trường thực phẩm trong nước.

Bộ Công Thương nhận định “số lượng lợn thiếu trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán có thể lớn hơn số liệu Bộ NN&PTNT ước tính”. Do không chỉ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không tái đàn hoặc đã tái đàn nhưng bị dịch bệnh trở lại làm nguồn cung giảm mạnh mà ngay cả các cơ sở chăn nuôi lớn, khép kín cũng bị dịch bệnh nên cũng làm ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn trong dịp cuối năm.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian tới, do dịch tả lợn Châu Phi đã qua giai đoạn đỉnh, tình hình dịch bệnh và số lượng lợn bị bệnh, tiêu hủy đã giảm dần nên đã có một số nơi được phép tái đàn trở lại. Đồng thời, với giá thịt lợn cao cũng khuyến khích người chăn nuôi tái đàn, do vậy cũng sẽ giúp bù đắp một phần thiếu hụt. Ngoài ra, do giá thịt lợn trong nước đang ở mức cao nên các doanh nghiệp chế biến thực phẩm sẽ nhập khẩu thịt lợn an toàn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng sẽ giảm áp lực cho nguồn cung trong nước.

Mặc dù giá thịt lợn ở mức cao, nhưng Bộ Công Thương cũng dự báo, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn sẽ có xu hướng tăng trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán (tăng mạnh nhất trong tháng 1/2020). Dự báo nhu cầu cho tháng 12/2019 và tháng 1/2020 khoảng 600.000 tấn.

Không có tình trạng xuất lậu lợn sang Trung Quốc

Trước thông tin nhiều thương lái Việt Nam đã xuất lậu lợn qua biên giới sang Trung Quốc, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) khẳng định, không có tình trạng xuất lậu lợn sang Trung Quốc.

Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh thông tin, do phía Trung Quốc kiểm soát dịch bệnh cũng như các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh kiểm soát chặt chẽ nên thời gian qua, lực lượng Hải quan và Biên phòng chưa bắt giữ và xử lý vụ việc nào. Trước đây, tại một số huyện biên giới có việc cư dân nuôi lợn rồi làm thịt mang sang Trung Quốc bán nhưng mức độ rất nhỏ lẻ.

Thông tin từ Cục QLTT Cao Bằng, trong 2 tháng qua, địa phương này đã xử lý 6 vụ vi phạm, tiêu hủy 4.430kg móng giò lợn và 1.446kg thịt lợn. Tại các địa bàn không có việc xuất lậu lợn sang Trung Quốc vì cơ quan chức năng hai bên kiểm soát chặt chẽ. Hiện, lực lượng QLTT tại các tỉnh biên giới vẫn đang phối hợp rất chặt chẽ với các lực lượng chức năng của Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh để ngăn ngừa và kiểm soát việc vận chuyển lợn, thịt lợn trái phép.

Theo báo cáo của lực lượng QLTT các tỉnh biên giới phía Bắc như: Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu… trong thời gian gần đây có việc một số xe vận chuyển lợn từ nội địa lên biên giới nhưng lượng không nhiều và chỉ đưa vào phục vụ người dân địa phương tại các khu dân cư, không phải đưa qua biên giới vì phía Trung Quốc cũng ngăn chặn lợn nhập khẩu do lo ngại dịch tả lợn Châu Phi lây lan.

Phan Trang

356 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1263
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1263
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87124916