|
Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: AT) |
Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, tính đến cuối tháng 7/2020, tổng đàn lợn của cả nước đạt khoảng 25,18 triệu con, tương đương 81,9% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi (trên 31 triệu con vào thời điểm 31/12/2018). Đồng thời, ở thời điểm 1/7/2020 so với 1/1/2020 tốc độ tái đàn của cả nước đạt tỷ lệ 111,6%.
Để tăng đàn, việc đảm bảo đủ nguồn giống cung cấp cho người chăn nuôi là điều cần thiết. Theo tính toán của Cục Chăn nuôi, trong năm 2020, nhu cầu lợn thương phẩm sau cai sữa sản xuất mỗi quý cần khoảng 11,5 triệu con. Trong đó, ở quý I, đáp ứng khoảng 10,5 triệu con, còn thiếu khoảng 1 triệu con. Quý II đáp ứng 10,8 triệu con, thiếu khoảng 700 nghìn con; quý III đáp ứng 11,3 triệu con, thiếu khoảng 200 nghìn con.
Trong khi đó, tính đến tháng 7/2020, tổng đàn nái của cả nước đạt trên 2,93 triệu con, tăng hơn 7,7% so với thời điểm 1/1/2020. Trong điều kiện hiện tại khó khăn về giống, các cơ sở chăn nuôi đã tăng tỷ lệ chọn lợn giống. Trên cơ sở 109 nghìn con nái cụ kỵ và ông bà đã tăng thêm được trên 18 nghìn con nái cụ kỵ và ông bà. Với số lượng này đã bù đắp kịp thời số lượng lợn cụ kỵ và ông bà giảm đàn do DTLCP và đáp ứng cho tăng trưởng khoảng 0,5%/tháng.
Cùng với số lượng nhập khẩu khoảng 16 nghìn con lợn cụ kỵ và ông bà trong năm 2020 sẽ chủ động được số lượng giống thay thế theo chu kỳ sản xuất. Như vậy sẽ đáp ứng được lợn giống cho sản xuất từ năm 2021-2024.
Cũng theo Cục Chăn nuôi, với việc tăng cường các biện pháp tổng thể, giá lợn thịt trong 1 tuần nay xuất tại cửa chuồng đã giảm 15-18 nghìn đồng/kg so với thời điểm cao nhất. Trong đó, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, từ 80-83 nghìn đồng/kg; khu vực Đông Nam bộ (Đồng Nai) từ 79-82 nghìn đồng/kg; khu vực miền Trung (Bình Định) từ 77-79 nghìn đồng/kg. Tại khu vực miền Bắc (Hà Nội và một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng) có giá từ 80-83 nghìn/kg.
Hiện nay, việc tiếp tục đẩy nhanh tái đàn lợn vẫn đang là mục tiêu của ngành chăn nuôi. Để thực hiện điều này, Cục Chăn nuôi đề nghị UBND các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các Sở, ngành và chính quyền các cấp tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp yên tâm tái đàn, tăng đàn; chi trả kinh phí cho các hộ, cơ sở chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh DTLCP để có nguồn lực tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn.
Đi cùng với đó, cần có chính sách hỗ trợ để tái đàn và tăng đàn lợn giống. Cụ thể như: chính sách về lãi suất tiền vay, chính sách về đất đai cho người chăn nuôi tái đàn, tăng đàn, chăn nuôi an toàn sinh học theo chu kỳ sản xuất. Đồng thời, tăng cường năng lực cho các cơ sở nuôi giữ giống, tăng tỷ lệ chọn giống, nâng cao năng suất sinh sản của đàn nái hiện có, tăng cường năng lực sản xuất giống tại chỗ để có con giống với giá thành hạ, an toàn dịch bệnh.
Đặc biệt, cần tuyên truyền sâu rộng về các biện pháp chăn nuôi lợn an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, tái đàn, tăng đàn lợn. Kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống kênh phân phối, cơ sở giết mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn tính từ lợn xuất chuồng đến người tiêu dùng, bảo đảm lợi ích của người chăn nuôi, người cung ứng và người tiêu dùng. Ngăn chặn, xử lý nghiêm các hoạt động xuất, nhập khẩu lợn giống, lợn thịt và các sản phẩm thịt lợn trái phép.
Để đảm bảo lượng thịt lợn nhập khẩu, Cục Chăn nuôi kiến nghị Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp tìm nguồn hàng bảo đảm nhập khẩu thịt từ các quốc gia theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Về nhập khẩu lợn sống về giết mổ, Bộ NN&PTNT tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp có thể nhập khẩu được lợn thịt từ các nước lân cận về giết mổ ngay và nuôi thịt để giảm ngay áp lực cho nguồn cung./.