Giá lợn giống ở các tỉnh phía Nam tăng cao trong những ngày qua. Ảnh: K.V

Theo các hộ chăn nuôi ở Đồng Nai, trong khoảng giữa tháng 7, giá lợn hơi ở mức 43.000 đồng/kg, với mức giá này đã giúp người chăn nuôi thu lãi, bù vào khoản lỗ tới 1 triệu đồng/con lợn trước đó. Không những vậy, giá lợn tăng giúp nhiều trang trại và nông hộ chăn nuôi thoát cảnh phá sản.

Tại Long An, giá lợn hơi tăng hàng ngày nên thương lái cũng đã chủ động tìm đến những hộ chăn nuôi có lợn gần đến lứa xuất chuồng để “đặt cọc” trước. Tuy nhiên, một nghịch lý là khi giá lợn giảm, người dân “đua” nhau bán ra, nhưng khi giá tăng, người chăn nuôi vẫn không muốn bán ra, mà giữ lại chờ giá tăng.

Sau một thời gian ở mức thấp, giá lợn hơi tại nhiều địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng đã tăng khoảng 10.000-12.000 đồng/kg, đạt mức giá cao nhất trong khoảng 3 tháng qua. Giá lợn hơi tăng được cho do lượng lợn hơi tới lứa xuất bán tại nhiều địa phương đang tạm thời giảm mạnh so với trước bởi trong một vài tháng qua, nhiều hộ chăn nuôi lợn đã đẩy mạnh xuất bán lợn với số lượng lớn nhằm cắt lỗ. Ngoài ra, gần đây cũng có một lượng nhỏ lợn hơi tại các tỉnh biên giới phía Bắc được xuất bán sang thị trường Trung Quốc, góp phần cải thiện giá lợn hơi trong nước.

Việc xuất bán lợn hơi với mức giá như trên, nhiều hộ chăn nuôi đã có lời khoảng 300.000-500.000 đồng/con lợn 100 kg. Tuy nhiên, lượng lợn con và lợn lứa tại khu vực phía Nam vẫn còn dồi dào trong các trại chăn nuôi nên nhiều người chăn nuôi và kinh doanh thịt lợn vẫn còn lo ngại giá lợn hơi khó kéo dài đà tăng giá.

Trước tình hình thịt lợn tăng giá trở lại, nhiều hộ chăn nuôi đã có ý định tái đàn, do đó, giá lợn giống ở nhiều địa phương tăng mạnh, điều này khiến cho ngành chăn nuôi lợn có nguy cơ lại trở về với “kịch bản” cũ, “cung vượt cầu” và dẫn đến thua thiệt cho người chăn nuôi.

Một số hộ chăn nuôi ở huyện Tân Trụ, tỉnh Long An cho biết, do giá lợn hơi tăng, đã kéo theo giá lợn giống tăng. Bình quân, mỗi con lợn giống có giá khoảng 1,5 triệu đồng. Tuy giá lợn con tăng nhưng cũng khó mua vì người chăn nuôi muốn giữ lại để tái đàn. Bên cạnh đó, đàn lợn nái cũng giảm mạnh sau đợt giảm giá lợn thịt vừa qua.

Tương tự, giá lợn giống tại Bến Tre, đã lên đến 1 triệu đồng/con, tăng gấp 10 lần so với những ngày đầu tháng 7. Ông Nguyễn Văn Bé Chín, Tổ phó Tổ hợp tác chăn nuôi lợn ở huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre cho biết, do giá lợn thịt tăng gấp đôi trong những ngày qua, lên đến 42.000 - 45.000 đồng/kg, nên các hộ chăn nuôi rục rịch tái đàn, từ đó kéo giá lợn giống đã tăng cao.

Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, một vài tuần trở lại đây, do giá lợn hơi trên thị trường tăng trở lại, đã kéo theo giá lợn giống tăng. Nhiều người mua lợn giống để nhanh chóng tái đàn dẫn đến nguồn cung khan hiếm, giá bị đẩy tăng cao. Hiện, lợn giống tại tỉnh này có giá từ 900 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/con, tăng gần gấp đôi so với cách đây 3-4 tháng. 

Để tránh thiệt hại cho nông dân khi đầu tư chăn nuôi lợn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đưa ra khuyến cáo với người chăn nuôi không được tự ý tăng đàn trong thời điểm này. Đó là, khi nông dân muốn chăn nuôi phải đăng ký với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng thời có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp tiêu thụ, tìm được đầu ra ổn định và không nên chạy theo thông tin “nhiễu” do thương lái tung tin, đầu tư sản xuất và bị ép giá. Theo ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này sẽ quy hoạch lại các hạng mục trong ngành chăn nuôi như con giống, giết mổ, kinh doanh các sản phẩm lợn để tạo thế ổn định, bền vững cho nông dân.

Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán cũng cho biết, Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai đã khuyến cáo các hộ chăn nuôi thận trọng, tìm hiểu đúng giá thị trường mới được bán, và khi bán được giá cao, cũng không tự ý sản xuất con giống để tăng đàn trong thời điểm này, vì sẽ tạo hiệu ứng ngược. Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cũng sẽ tuyên truyền để người dân không ồ ạt tái, tăng đàn và mạnh tay xử lý những hộ chăn nuôi tự ý sản xuất ngoài vùng quy hoạch.

Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng đã khuyến cáo người chăn nuôi nên bình tĩnh giữ vững quy mô đàn và số lợn nái hiện có, không tăng đàn ồ ạt, vì thị trường tiểu ngạch lúc nào cũng bấp bênh, tỷ lệ rủi ro cao. Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết, thịt lợn hơi trong giai đoạn cuối năm 2016, đầu năm 2017 biến động mạnh, giá bán thấp hơn giá sản xuất khiến nông dân thua lỗ. Nguyên nhân do trong thời điểm đầu và giữa năm 2016, giá lợn ở mức cao (56.000 – 58.000 đồng/kg), người chăn nuôi có lãi nên nhiều cơ sở và các hộ sản xuất vào chuồng ồ ạt. Lâu nay bà con vẫn chăn nuôi theo kiểu thấy giá cao là tăng đàn, giá giảm là giảm đàn, và như thế chỉ tầm 4 - 6 tháng sau cung cầu sẽ mất cân đối, khiến giá cả không ổn định. Thời điểm đó, Cục Chăn nuôi đã khuyến cáo bà con đừng tăng đàn ồ ạt, nhưng người dân thấy có lợi nên vẫn bỏ qua khuyến cáo của cơ quan chức năng.

Để chủ động sản xuất, tránh tình trạng trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng các địa phương khuyến khích người dân đẩy mạnh liên kết sản xuất, chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn VietGAP; chú trọng liên kết với các doanh nghiệp để tạo nên chuỗi sản xuất bền vững từ con giống, thức ăn, chế biến, tiêu thụ và phải có cam kết, có hợp đồng, kế hoạch. Với chuỗi liên kết khép kín liên hoàn đó, cung cầu sẽ cân bằng, giúp giá cả ổn định. Về phía chính quyền địa phương cần rà soát kịp thời và chấn chỉnh lại chăn nuôi lợn để sản xuất bền vững, sản phẩm mang tính cạnh tranh. Khi tạo ra được chuỗi sản xuất bền vững, chất lượng sản phẩm sẽ tăng lên, chi phí giảm, giá thành sẽ giảm theo, cung cầu trong nước ổn định, lúc đó chúng ta sẽ hướng đến xuất khẩu chính ngạch, mở rộng thị trường./.

 

K.V