Cách nhau chỉ một dòng sông Sê Pôn, từ trước đến nay, hai bản Ra Man, tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) và Xi Ối, huyện Sê Pôn, tỉnh Sa Vẳn Na Khệt (Lào) có mối quan hệ láng giềng, thân hữu. Việc kết nghĩa đã tạo điều kiện cho người dân hai bên đi lại dễ dàng hơn, giúp phau phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... Hưởng ứng phong trào kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới do Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị phát động, già làng Hồ Ray chia sẻ, được nghe bộ đội tuyên truyền giải thích mà “ưng cái bụng, thuận cái tai” cho nên quyết tâm phối hợp cùng chính quyền địa phương và Bộ đội Biên phòng triển khai thực hiện. Già làng tuyên truyền cho bà con hiểu ý nghĩa của việc kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới là nhằm tạo điều kiện để nhân dân đi lại thăm hỏi lẫn nhau thuận lợi, thắt chặt tình hữu nghị, đoàn kết. Già làng Hồ Ray là người có uy tín cho nên khi phổ biến chủ trương này, ai cũng nghe và làm theo. Già làng Hồ Ray cho biết: "Từ ngày kết nghĩa, trong các dịp lễ hội, nhân dân hai bản thường xuyên mời nhau qua lại, tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao...".
Với tình cảm hướng về cộng đồng, già làng Hồ Ray đã dành sáu triệu đồng lương hưu của mình mua chiếc thuyền nhôm loại nhỏ, giúp bà con hai bên biên giới qua lại thuận lợi, thắt chặt thêm tình đoàn kết, tương thân, tương ái giữa nhân dân hai bản. Thời gian qua, bản Ra Man đã giúp bản Xi Ối hơn 3.500 ngày công trong sản xuất nông nghiệp, 500 cây bời lời, 180 bó giống sắn, 100 gốc chuối, hai bao ngô giống và 10 cặp ngan giống... Phía bản Xi Ối cũng đã giúp bản Ra Man hơn hai nghìn ngày công trong sản xuất nông nghiệp và nhiều cây, con giống các loại. Người biết cách làm kinh tế giỏi thì bày cho mọi người cùng làm để tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo...
Nhân dân hai bản còn thực hiện tốt các hiệp định, quy định biên giới. Mọi việc xảy ra trên địa bàn biên giới đều thông báo cho nhau biết, việc gì phức tạp thì báo cáo các ngành chức năng cùng phối hợp giải quyết. Nhân dân hai bản Ra Man và Xi Ối còn cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị, giúp bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn biên giới.
Bằng uy tín của bản thân, già làng Hồ Ray đã phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trong bản xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước để người dân cảnh giác với kẻ xấu, kiên quyết giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân. Ngoài ra, với vốn hiểu biết pháp luật, chính sách, già làng Hồ Ray tích cực đi đầu trong các vụ hòa giải, tranh chấp tài sản, đất đai trên địa bàn, nắm chắc tâm tư nguyện vọng của người dân để tháo gỡ những khúc mắc trong cuộc sống. Thời gian qua, tình hình khu vực biên giới luôn giữ được ổn định, hòa bình, hữu nghị, tạo điều kiện để bà con phát triển kinh tế, vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Những việc làm tốt đẹp vì cộng đồng của già làng Hồ Ray được Bộ đội Biên phòng, cấp ủy và chính quyền các cấp ghi nhận, khen thưởng.