Già hoá dân số và công tác chăm sóc người cao tuổi 

Nước ta hiện có hơn 10 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 10% dân số; dự báo đến năm 2030, sẽ có gần 19 triệu và hơn 28 triệu người vào năm 2050. Với tỷ lệ này Việt Nam đang bước vào giai đoạn dân số già và là một trong số ít quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Sự chuyển đổi nhân khẩu lớn lao này mang đến cả cơ hội và thách thức, tác động nhiều mặt của chính sách an sinh xã hội mà trước hết là công tác chăm sóc người cao tuổi.

Hẳn ai cũng hiểu rằng, tỷ lệ người cao tuổi phản ánh những thành tựu to lớn của sự phát triển kinh tế - xã hội; là thước đo văn minh, phát triển và giàu mạnh đất nước và đó cũng là nguồn lực quý báu của quốc gia.

 Người cao tuổi là nguồn lực nội sinh quý giá, họ thật sự là những “Thư viện sống” trong nhiều lĩnh vực như: kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, sản xuất kinh doanh, xóa nghèo, làm giàu cho quê hương, đất nước. Những người con của đất nước trưởng thành, thành đạt, thậm chí nổi tiếng; là những nhà khoa học, những doanh nhân giỏi,… có phần đóng góp, hy sinh thầm lặng của các thế hệ cha ông đi trước. Trong cuộc sống bộn bề khoa khăn, hầu hết những người cao tuổi vẫn không ngại vất vả, gian khó vẫn hăng hái “làm kinh tế”, tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, cơ sở; họ vẫn âm thầm đảm nhận vai trò trụ cột trong gia đình; giúp các con nuôi dạy cháu, chắt của mình trưởng thành.

Thật xúc động khi một ông bố phải ăn ở tạm bợ nơi khoanh cống bên đường làm nghề sửa chữa xe; có người đi làm giúp việc, khuân vác, vận chuyển hàng hóa ở các chợ đầu mối,… vất vả ngày đêm, ăn tiêu tằn tiện, ngủ tạm qua đêm trong lều lán, nhà trọ chỉ 3.000đ đến 5.000đ/tối để tiết kiệm tiền nuôi con ăn học đại học, mong con, cháu sau này có “cái nghề” cho đỡ khổ!

Đặc biệt, trong khoảng gần chục triệu người cao tuổi ở nước ta hiện nay có hàng triệu người cao tuổi có trình độ đại học, cao đẳng, nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhiều nhà khoa học, nhiều cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước, của các ngành, các cấp vẫn lao động miệt mài không ngừng nghỉ, vẫn ngày đêm say sưa nghiên cứu khoa học, sáng tạo,… tích cực tham gia vào các hoạt động công tác xã hội, truyền thụ những kiến thức, kinh nghiệm về khoa học - công nghệ, ngành nghề truyền thống cho thế hệ trẻ. Thực tế cho thấy, những người nghỉ hưu ở tuổi 55 - 60, về cơ bản họ còn sức khỏe, trí tuệ, nhiệt huyết đều có nguyện vọng được tiếp tục làm những công việc phù hợp để tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, phụ giúp con cháu,… sống khỏe, sống có ích. Nhiều người cao tuổi xác định, nghỉ hưu là nghỉ việc ở cơ quan nhà nước hay ở đơn vị sản xuất kinh doanh theo chính sách của Nhà nước chứ không phải ngừng hoạt động. Trong nhiều trường hợp, các cụ ở tuổi thượng thượng thọ vẫn lao động, học tập không ngừng nghỉ. Họ đã chứng minh rằng, cơ thể con người có khả năng nội tại vô tận, nên tiếp tục sử dụng khả năng đó một cách liên tục không ngừng nghỉ thì mới tốt. Chính vì vậy, việc phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, chiến đấu của người cao tuổi trong xã hội và gia đình; xây dựng gia đình “ông, bà cha mẹ mẫu mực, cháu con hiếu thảo không chỉ để phát huy sức mạnh của cả dân tộc mà còn đó là nguồn lực quý báu trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.

Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận thức rằng, ở một gốc độ khác xu thế già hoá dân số cũng là một thách thức; trong đó, thách thức lớn nhất là chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, sức khỏe của người cao tuổi còn nhiều hạn chế. Hiện nay, tuổi thọ trung bình của Việt Nam khoảng 73 tuổi nhưng độ tuổi thực sự khỏe mạnh chỉ vào khoảng hơn 55 tuổi điều này đồng nghĩa với  gánh nặng bệnh tật của người Việt, trong đó có người cao tuổi. Kết quả khảo sát năm 2010 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy: khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây truyền. Trung bình một người cao tuổi Việt Nam mắc ba bệnh….khiến cho chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cao, trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chưa đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của đối tượng này. Đó là chưa kể, người cao tuổi nước ta chủ yếu sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp; đời sống vật chất còn nhiều khó khăn. Cùng với đó là tình trạng người cao tuổi sống không có vợ/chồng chiếm tỷ lệ cao.

Với trách nhiệm và tình cảm, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đã coi công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi là thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ và đạo đức cũng như thuần phong, mỹ tục của người Việt Nam nhằm phát huy nguồn lực quý trong quá trình xây dựng quê hương giàu đẹp; theo đó cần tiến hành đồng bộ một số giải pháp chủ yếu:

Tăng cường truyền thông vận động, nâng cao nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể, ban ngành, các nhà hoạch định chính sách, các chức sắc tôn giáo… về phát huy vai trò của người cao tuổi nói riêng và những thách thức của quá trình “già hòa dân số” nói chung đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Giáo dục, nâng cao nhận thức của cá nhân, gia đình và toàn xã hội về trách nhiệm kính trọng, giúp đỡ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người cao tuổi; ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc chủ động cho tuổi già ngay từ khi còn trẻ.

Tiếp tục thực hiện Đề án “Tư vấn, chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng”, trong đó có việc xây dựng các mô hình phát huy, chăm sóc người cao tuổi thích ứng với giai đoạn “già hóa dân số”. Xây dựng, hoàn thiện các chính sách nhằm tận dụng tốt giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”, tạo cơ hội để nước ta chủ động bước vào giai đoạn “dân số già” góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

 Cải cách hệ thống hưu trí; đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm, đặc biệt chú trọng đến các loại hình bảo hiểm tự nguyện, phù hợp với khả năng đóng góp và chi trả của người tham gia, có khả năng liên thông với các loại hình bảo hiểm khác. Trong đó, phải đặc biệt chú trọng đến nhóm người cao tuổi thuộc các gia đình nghèo và cận nghèo.

 Xây dựng và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế của mạng lưới lão khoa (bao gồm viện lão khoa quốc gia và các khoa lão khoa tại các bệnh viện) trên phạm vi toàn quốc. Khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng; từng bước nâng cao và mở rộng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại nhà.

Tin rằng, cùng với sự chăm lo của xã hội, sự trường thọ của người già, những tích lũy, chiêm nghiệm của người cao tuổi là tài sản quý báu, là chổ dựa tinh thần quan trọng của mỗi gia đình, cộng đồng và xã hội. Đặc biệt, người cao tuổi là những tấm gương về nhân phẩm, về lối sống giản dị, thanh cao về tấm lòng nhân ái, cách xử sự giàu tình người thấu tình đạt lý đã, đang và sẽ góp phần cùng các cán bộ trẻ năng động sáng tạo hoàn thiện một cung cách quản lý xã hội, xây dựng quê hương đất nước ngày một giàu đẹp. Trí Ánh

2799 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1013
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1013
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87041386