Giá dầu hạ nhiệt
Theo MXV, lực bán chiếm ưu thế trên thị trường năng lượng trong phiên giao dịch ngày hôm qua. Giá dầu đã giảm trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 4 khi những lo ngại về nguồn cung trước đó được xoa dịu nhờ kế hoạch tăng sản lượng của OPEC+, trong khi thị trường lại đối mặt với áp lực mới từ triển vọng nhu cầu dầu toàn cầu suy yếu.
Sau khi lên mức cao nhất trong một tháng, kết thúc phiên ngày 1/4, giá dầu Brent giao tháng 6 giảm 0,37% xuống 74,49 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI giảm 0,39%, chốt ở mức 71,2 USD/thùng.
Nguồn cung dầu toàn cầu hiện đã bớt căng thẳng nhờ kế hoạch tăng sản lượng của OPEC+ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/4. Theo kế hoạch được công bố vào đầu tháng 3, sản lượng khai thác sẽ tăng thêm khoảng 138.000 thùng/ngày trong tháng này. Ngoài ra, thị trường cũng kỳ vọng OPEC+ sẽ tiếp tục nâng sản lượng vào tháng 5, với đề xuất tăng thêm 135.000 thùng/ngày dự kiến được xem xét tại hội nghị Bộ trưởng OPEC+ trong tuần này.
Bên cạnh đó, hai yếu tố khác cũng làm gia tăng viễn cảnh nguồn cung dư thừa. Thứ nhất, báo cáo từ Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cho thấy dự trữ dầu thô thương mại của Mỹ đã tăng mạnh 6,04 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 28/3, đảo ngược xu hướng giảm sâu 4,6 triệu thùng ở tuần trước đó. Thứ hai, sản lượng dầu thô tại Kazakhstan tiếp tục lập kỷ lục mới với mức 2,17 triệu thùng/ngày trong tháng 3, vượt xa hạn mức cho phép của OPEC+ là 1,47 triệu thùng/ngày. Điều này đang khiến Kazakhstan chịu áp lực từ các nước thành viên OPEC+ khác yêu cầu cắt giảm phần sản lượng vượt mức.
Tuy nhiên, thị trường vẫn đối mặt với những rủi ro lớn hơn từ nhu cầu. Các chính sách thuế quan mới dự kiến được Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố vào ngày 2/4 đang làm gia tăng căng thẳng thương mại toàn cầu. Những phản ứng mạnh mẽ từ các đối tác thương mại lớn của Mỹ có thể dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Qua đó kéo theo nhu cầu dầu lao dốc, vượt qua cả những lo ngại về nguồn cung bị thiếu hụt trước đó.
Ngoài ra, những áp lực tăng giá ngắn hạn vẫn tồn tại do các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhắm vào xuất khẩu dầu thô từ Iran và Venezuela. Các biện pháp thuế quan thứ cấp đối với các nước nhập khẩu dầu từ Venezuela sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 2/4, qua đó gia tăng nguy cơ thiếu hụt nguồn cung khu vực.
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, sắc xanh chiếm ưu thế trên thị trường nông sản. Đóng cửa, giá đậu tương đã tăng mạnh gần 2% lên mức 380 USD/tấn, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ nhờ hàng loạt thông tin tích cực từ thị trường.