Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội khi trao đổi về mô hình gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới, đã cho rằng: "Xã hội dù phát triển và hiện đại đến đâu thì gia đình vẫn cứ là giá trị thiêng liêng với mỗi con người”. Phan Bội Châu từng nói: “Nhà tức là cái nước nhỏ, nước tức là cái nhà lớn”. Nhà (gia) không bao giờ là chuyện riêng trong nội bộ một gia đình. Sự đầm ấm của mỗi gia đình sẽ là cội nguồn của đồng thuận xã hội. Chính vì vậy mà trong tâm thức của người Việt Nam “Mái ấm gia đình” luôn là cái nôi sinh thành, để lại dấu ấn dưỡng dục không thể phai mờ trong suốt đời người. Từ đó, có thể suy rộng ra rằng cũng cố và nâng cao vai trò gia đình là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững xã hội. Nói cách khác xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng, văn minh phải bắt đầu từ nền tảng gốc rễ của nó là gia đình.
Trong quá trình lãnh đạo xã hội, Đảng ta nhìn gia đình từ các góc độ: “Xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường trực tiếp, quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách”; “Triển khai cuộc vận động xây dựng gia đình Việt Nam, góp phần gìn giữ và phát triển những giá trị truyền thống của văn hoá, con người Việt Nam, nuôi dưỡng giáo dục thế hệ trẻ”; “Xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đàn bản sắc dân tộc, gia đình tiến bộ, hạnh phúc”, “Văn hoá gia đình là một bộ phận hợp thành nền văn hoá Việt Nam”.
Tuy nhiên, văn hóa gia đình không thể hình thành trong một sớm một chiều mà phải qua một quá trình phát triển lâu dài để hình thành nên “mái ấm gia đình” có tính truyền thống của Việt Nam. Đó là hệ thống những giá trị, chuẩn mực đặc thù có chức năng kiểm soát, điều chỉnh hành vi và mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và giữa gia đình với xã hội. Chính vì thế, giữ gìn văn hoá gia đình cũng là góp phần giữ gìn truyền thống văn hoá Việt Nam. Để tạo dựng một "tổ ấm" hoà thuận, thì mọi người trong gia đình đều phải có trách nhiệm vun đắp cho gia đình, cùng gánh mọi công việc của gia đình, cùng chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn. Chỉ như thế, thì ngọn lửa hạnh phúc mới luôn được thắp sáng trong mỗi mái nhà…
Vấn đề đặt ra là xây dựng văn hóa gia đình phải bắt đầu từ bên trên, chứ không phải từ dưới. Nghĩa là phải dạy cho người làm cha, mẹ cách thức và đạo lý làm cha, mẹ - khi người ấy đóng vai trò phụ huynh. Rồi phải dạy chính họ cách thức làm con, em – để họ biết nêu gương sáng cho chính con em họ. Thậm chí còn phải làm ngược lại, dạy cách làm tròn phận sự con em trước, rồi mới dạy đến cách làm cha mẹ. Phải làm cho gia đình trở thành nền tảng đạo đức của xã hội. Trách nhiệm này thuộc nhiều tổ chức, nhưng trước hết và phải là tự thân của mỗi con người. Hiện nay, do ảnh hưởng tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường, nên một số giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống Việt Nam đã bị ảnh hưởng.
Để kết thúc bài viết này, xin dẫn lời nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân "Duy trì gia đình, phát triển hạnh phúc vừa là chuyện cá nhân, vừa là chuyện quốc gia, hết sức quan trọng. Giáo dục về gia đình để thấy gia đình là nguồn vui, hạnh phúc, dựa vào gia đình mà sống, sống là vì gia đình rất là quan trọng....Phát triển gia đình Việt Nam như một lợi thế của chúng ta trong cạnh tranh toàn cầu". Trí Ánh