Trước thực trạng trẻ em bị xâm hại có xu hướng gia tăng, gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển, tâm sinh lý của trẻ em cũng như những hệ lụy của vấn đề này với gia đình, xã hội; nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình và Tháng hành động vì trẻ em, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo “Vai trò, trách nhiệm của gia đình trong phòng, chống xâm hại trẻ em”.
Bà Trần Tuyết Ánh - Vụ trưởng Vụ Gia đình - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: K.T)
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, bà Trần Tuyết Ánh - Vụ Trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Mỗi chúng ta ngay từ khi sinh ra đã bắt đầu cuộc sống trong cái nôi gia đình. Nền tảng giáo dục của gia đình giúp con người có thể hòa nhập vào cuộc sống chung của nhân loại. Gia đình có vai trò, trách nhiệm trong việc giáo dục, đạo đức, lối sống, hình thành nhân cách đối với thế hệ trẻ. Đây cũng là môi trường giáo dục trang bị những kiến thức, kỹ năng sống đầu đời cho trẻ em. Ở Việt Nam, giáo dục đời sống gia đình luôn được các bậc cha mẹ chú ý quan tâm ngay từ khi trẻ cất tiếng khóc chào đời và theo suốt cả cuộc đời mỗi con người.
Khi đạo đức xã hội, đạo đức cá nhân đang có những biểu hiện giảm sút thì vai trò của gia đình, giáo dục trong gia đình đối với việc hình thành, nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách và việc bảo vệ trẻ em - chủ nhân tương lai của đất nước trước những nguy cơ xâm hại, ảnh hưởng xấu từ môi trường xã hội càng trở nên cấp thiết. Bảo vệ trẻ em cũng chính là bảo vệ tương lai của mỗi gia đình, quốc gia vì mục đích phát triển con người trong thời đại hiện nay.
Để bảo vệ an toàn trẻ em, tránh những nguy cơ bị xâm hại, giúp các em yên vui học tập phát triển con người toàn diện, mỗi gia đình phải tăng cường quan tâm con em của mình; phối hợp với nhà trường, các cơ quan chức năng, không ngừng nâng cao giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng phòng vệ rủi ro bản thân cho trẻ em và các thành viên trong gia đình.
Hội thảo thu hút hơn 20 bài tham luận của các chuyên gia nhà văn hóa, xã hội...
(Ảnh: K.T)
Tuy nhiên, một thực tế rất đáng buồn là tình trạng xâm hại trẻ em ngày càng có xu hướng gia tăng, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho nạn nhân, gia đình và cả xã hội. Theo số liệu của các cơ quan chức năng, trong 02 năm 2017 - 2018, toàn quốc có 3.221 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trong đó có 2.690 trẻ em bị xâm hại tình dục; trong 3 tháng đầu năm 2019 có 325 trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Trên thực tế, con số này có thể còn cao hơn nhiều.
Theo bà Lesley Miller, Phó trưởng đại diện UNICEF trong cuộc hội thảo lần thứ nhất về “Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em” cho biết: “Bạo lực đối với trẻ em gây hậu quả nặng nề cho bản thân trẻ em và toàn xã hội”. “Bạo lực xâm hại trẻ em đã gây thiệt hại lớn cho xã hội và phát triển đất nước. Gánh nặng của bạo lực xâm hại trẻ em đặc biệt về sức khỏe và các hành vi nguy hại cho sức khỏe đã gây thiệt hại 209 tỷ USD, chiếm gần 2% GDP trong khu vực châu Á Thái Bình Dương”. Phòng, chống xâm hại trẻ em chính là để bảo vệ trẻ em, bảo vệ tương lai của mỗi gia đình, của đất nước. Điều này cần có sự tham gia, vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Trong đó, gia đình có vị trí vô cùng quan trọng, mà trước hết là những người cha, người mẹ phải luôn đồng hành cùng con, giáo dục, trang bị cho con những kiến thức, kỹ năng cơ bản để tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ bị xâm hại.
Hơn 20 tham luận của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia về văn hóa gia đình và xã hội học tại Hội thảo cũng tập trung làm rõ các vấn đề như: Thực trạng xâm hại trẻ em hiện nay và công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trong gia đình; Vai trò của gia đình, các thành viên gia đình trong phòng, chống xâm hại trẻ em ;Những kiến thức, kỹ năng mà các thành viên gia đình cần biết để phòng, chống xâm hại trẻ em; Đề xuất, kiến nghị các giải pháp hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn để phát huy vai trò của gia đình trong phòng, chống xâm hại trẻ em, góp phần giảm thiểu tình trạng xâm hại trẻ em hiện nay./.
K.T