Theo đánh giá của Liên hợp quốc, uớc tính mỗi năm lượng rác thải nhựa do con người thải ra phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất. Mỗi năm có đến 8 triệu tấn rác thải nhựa trôi ra các đại dương. Đến năm 2030 có khoảng 300 triệu tấn rác thải trong đại dương, và có trên 240 loài sinh vật biển bị vướng phải rác thải nhựa hoặc ăn phải rác thải nhựa. Nhưng để “Nói không với rác thải nhựa” lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng và mang lại hiệu quả cao nhất, phải bắt đầu từ ý thức của mỗi người dân. Với mục đích đó và hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” do Trung ương Hội phát động, BTV Hội LHPN tỉnh đã tổ chức cuộc thi “Làm sản phẩm tái chế, thay thế, bảo vệ môi trường”.
Cuộc thi đã được triển khai rộng rãi đến toàn thể cán bộ, hội viên phụ nữ của toàn tỉnh. Với tổng số 135 sản phẩm sản phẩm dự thi , của 11 đơn vị, trong đó có 75 tập thể và 28 cá nhân tham gia gồm các nhóm sản phẩm: Đồ đùng gia đình; Đồ dùng, đồ chơi trẻ em; Phục vụ trang trí; Phục vụ sản xuất…Hội LHPN các huyện, thi, thành phố, Hội phụ nữ Công an tỉnh và nữ công LĐLĐ tỉnh đã có tinh thần trách nhiệm cao, tích cực hưởng ứng cuộc thi đáp ứng các yêu cầu của Ban tổ chức cuộc thi đề ra. 100% sản phẩm dự thi đảm bảo nguyên liệu được làm từ rác thải nhựa; một số sản phẩm tận dụng từ rác thải nhựa ở biển như: Phao nhựa, bọt biển,... mang thông điệp ý nghĩa về bảo vệ môi trường biển; nhiều sản phẩm có tính thẩm mỹ và khả năng ứng dụng vào thực tế cao như: Làn đi chợ của xã Gio Quang (Gio Linh) và Hải Trường (Hải Lăng); mô hình trang trại của Đông Giang (Đông Hà); bản đồ Việt Nam, bộ sản phẩm bộ đồ chơi trẻ em, bộ sản phẩm tranh hoa, giỏ hoa...
Tại cuộc thi, Ban tổ chức đã trao giải đặc biệt cho Hội LHPN phường Đông Giang, thành phố Đông Hà với sản phẩm là mô hình trang trại thu nhỏ; 01 giải nhất cho Trường mầm non phường 2 thuộc đơn vị LĐLĐ tỉnh đã tận dụng các vỏ nắp chai nhựa làm thành sản phẩm bản đồ Việt Nam; 02 giải nhì; 03 giải ba; 06 giải khuyến khich; 02 giải phụ và 02 giả tập thể cho đơn vị có nhiều sản phẩm và sản phẩm có chất lượng là: Hội LHPN thành phố Đông Hà và Liên Đoàn Lao động tỉnh. Từ việc phát động cuộc thi của Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã thúc đẩy sự hưởng ứng của một số đơn vị trong việc tiếp tục phát động cuộc thi ngay tại đơn vị cơ sở, như Hội LHPN huyện Gio Linh đã phát động cuộc thi “Làm sản phẩm tái chế, thay thế, bảo vệ môi trường” tại 17/17 cơ sở vào dịp ngày môi trường thế giới (5/6). Sau cuộc thi các sản phẩm từ cuộc thi được tiếp tục sử dụng vào mục đích tuyên truyền, trang trí,...tại các cơ sở. Đặc biệt đã lựa chọn 80 sản phẩm tặng các trường Mầm Non do tổ chức Cây Hòa Bình Việt Nam tài trợ, phục vụ hoạt động dạy và học của các nhà trường.
Trao đổi với chúng tôi chị Hoàng Thị Mỹ Nga – Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Đông Giang chia sẻ: “Vinh dự nhận được giải đặc biệt cũng đồng nghĩa với việc tôi cùng với những cá nhân và tập thể khác phải tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình đối với môi trường và đây là một nhiệm vụ cao cả và đáng tự hào khi được Ban tổ chức cuộc thi trao cho. Vì vậy, chúng tôi xin hứa sẽ không ngừng cố gắng chung tay giảm thiểu chất thải nhựa, góp phần làm cho tỉnh Quảng Trị ngày càng xanh – sạch hơn”.
Hội thi “Làm sản phẩm tái chế, thay thế, bảo vệ môi trường” là hoạt động ý nghĩa thiết thu hút đông đảo hội viên tham gia. Thông qua hội thi nhằm tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ và người dân về chống rác thải nhựa, chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường do sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy gây ra, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học. Tạo sân chơi cho cán bộ, hội viên phụ nữ trong việc đưa ra các ý tưởng sáng tạo về việc làm sản phẩm tái chế từ rác, rác thải nhựa, làm sản phẩm thay thế đồ nhựa dùng một lần để phục vụ lại đời sống sinh hoạt hàng ngày trong gia đình cũng như nơi công cộng, góp phần bảo vệ môi trường và tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước theo các tiêu chí: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, qua đó nhằm thay đổi hành vi sử dụng đồ nhựa của mỗi người dân và cộng đồng nhằm góp phần hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần thông qua việc sử dụng các biện pháp thay thế như: tái sử dụng túi nilon khó phân hủy, sử dụng các loại túi giấy, túi vải hoặc túi nilon sinh học dễ phân hủy, thân thiện với môi trường… Thu Hòa