|
Một trong các hoạt động tại ngày làm việc thứ 4 kỳ họp Đại hội đồng GEF6. Ảnh: VGP/Thế Phong
|
Ngoài ra còn có cuộc họp của Hội đồng Quỹ Biến đổi khí hậu đặc biệt (SCCF)/Quỹ Ủy thác cho các nước kém phát triển (LCDF) lần thứ 24, Diễn đàn của các tổ chức chính trị xã hội (CSO) và các sự kiện liên quan.
Đặc biệt, trong ngày 26/6, có 4 sự kiện bên lề do Bộ TN&MT Việt Nam chủ trì: Chương trình chung tay bảo vệ đại dương, các hội nghị quản lý rác thải nhựa đại dương, bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch bền vững, thành tựu và định hướng hợp tác Việt Nam-GEF: Hợp tác cho mục tiêu tăng trưởng bền vững.
Với thông điệp “Xây dựng quan hệ đối tác vì đại dương không rác thải nhựa”, hội nghị quản lý rác thải nhựa đại dương hướng tới các mục tiêu như: Thiết lập mối quan hệ đối tác khu vực biển Đông Á, kêu gọi thúc đẩy hợp tác toàn cầu và khu vực chung tay cùng giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương; cam kết của các quốc gia trong khu vực Đông Á, các tổ chức quốc tế thực hiện một cơ chế hợp tác vùng nhằm giảm thiểu nguồn rác thải nhựa đại dương và kiến nghị giải pháp về cơ chế, chính sách, công nghệ xử lý rác thải nhựa đại dương trong nền kinh tế tuần hoàn; kêu gọi hỗ trợ nguồn lực, công nghệ để theo dõi, giám sát, quản lý rác thải nhựa đại dương hiệu quả hơn; xây dựng, đề xuất một sáng kiến cấp khu vực do GEF tài trợ.
Trong khi đó, hội nghị bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch bền vững là diễn đàn trao đổi kinh nghiệm về tăng cường năng lực quản lý bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch dựa vào thiên nhiên bền vững theo hướng tối đa hóa hiệu quả các nguồn lực hiện có, đồng thời thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực bảo tồn gắn với du lịch bền vững ở Việt Nam.
Thông qua hội nghị, Việt Nam muốn giới thiệu các giá trị đa dạng sinh học của mình, cũng như khẳng định du lịch bền vững có thể góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị đa dạng độc đáo của Việt Nam. Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các đối tác để thực hiện giải pháp hài hoà giữa bảo tồn và phát triển bền vững bao gồm phát triển du lịch bền vững.
Thông qua hội nghị thành tựu và định hướng hợp tác Việt Nam-GEF: Hợp tác cho mục tiêu tăng trưởng bền vững, Việt Nam mong muốn cùng với GEF, các đối tác quốc tế, các quốc gia thành viên chia sẻ kinh nghiệm thực hiện dự án do GEF hỗ trợ. Qua đó, đề xuất được những cơ chế phối hợp với GEF trong huy động, phân bổ nguồn lực, các cơ chế hợp tác linh hoạt nhằm thực hiện những dự án mang tính cấp bách trên phạm vi toàn cầu, cũng như đề xuất các dự án mang tính liên vùng, liên lĩnh vực.
Ngoài ra, trong ngày 26/6 cũng diễn ra diễn đàn các tổ chức chính trị-xã hội (CSO) và các sự kiện bên lề song song gồm: Hợp tác hiệu quả cho thay đổi toàn cầu; sức mạnh của sự ủng hộ và các hành động môi trường đổi mới; con đường cho các dự án và chương trình tổng hợp GEF: Sự tham gia của các bên có liên quan và cách tiếp cận giới cho GEF 7; quan điểm của mạng lưới chính trị xã hội về hợp tác hiệu quả cho chuyển đổi bền vững; diễn đàn tổ chức chính trị xã hội: Phiên toàn thể - tóm tắt nội dung các phiên song song, đề xuất các giải pháp cho Đại hội đồng và CSO.
Ngày mai, 27/6, sẽ diễn ra phiên họp Đại hội đồng GEF lần thứ 6 và Hội nghị bàn tròn cấp cao với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Thế Phong