GDP quý III tăng 2,62%, nhiều ngành kinh doanh khởi sắc 

(Chinhphu.vn) – Tổng cục Thống kê vừa công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2020 ước tính tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới trong bối cảnh hiện nay. Đây cũng là một thành công lớn của nước ta trong việc phòng chống dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê thông báo một số vấn đề cơ bản về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam trong quý III và 9 tháng năm 2020.

Sáng ngày 29/9, Tổng cục Thống kê (TCTK) tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2020.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2020 ước tính tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm nay, kinh tế đạt mức tăng trưởng 2,12%.

Trước đó, trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng GDP của Việt Nam chỉ ở mức 1,81%.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng dương cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội”.   

 Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu 9 tháng năm 2020 như sau:

 - Tổng sản phẩm trong nước (GDP): + 2,12%

 - Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): + 2,4%

- Số doanh nghiệp thành lập mới: 98.954 doanh nghiệp

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng: + 0,7%

 - Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện: + 4,8%

- Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa: + 4,2%

 - Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa: -0,8%

 - Xuất siêu: 16,99 tỷ USD

 - Khách quốc tế đến Việt Nam: -70,6%

 - Chỉ số giá tiêu dùng: + 3,85%

 - Lạm phát cơ bản: + 2,59%

Nhìn tổng thể, trong bối cảnh dịch COVID-19 đã gây ra một cú sốc lớn làm kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu suy thoái sâu và nghiêm trọng, bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam 9 tháng năm 2020 tiếp tục duy trì được ổn định. Sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, cùng với tác động tích cực từ những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân của Chính phủ, các lĩnh vực kinh tế - xã hội đang bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường mới, nhiều ngành sản xuất kinh doanh có sự khởi sắc.

Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế 9 tháng năm nay đạt mức tăng trưởng 2,12%, thấp nhất giai đoạn 2011-2020 nhưng trong bối cảnh hiện nay, đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đây cũng là một thành công lớn của nước ta trong việc phòng chống dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn và dịch bệnh nhưng đã có những giải pháp ứng phó kịp thời, trở thành bệ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm.

Công nghiệp chế biến, chế tạo tuy không tăng cao nhưng tiếp tục giữ vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 9 tháng. Cung cầu hàng hóa trong nước được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng của người dân tăng trở lại. Cán cân thương mại hàng hóa đạt mức xuất siêu cao. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, kinh tế - xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, nhất là nền kinh tế nước ta có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Dịch COVID-19 tuy đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải và xuất nhập khẩu, doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động. Thu nhập, lao động, việc làm bị ảnh hưởng, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm ở mức cao sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Do đó cần có sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, sự hỗ trợ và chia sẻ gánh vác trách nhiệm giữa các thực thể trong nước trong giai đoạn khó khăn này. Trước mắt, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Đồng thời, Tổng cục Thống kê đề xuất, cần tiếp tục các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, trong đó tập trung vào đối tượng doanh nghiệp, cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Kịp thời đưa ra các giải pháp để giữ được các thị trường tiêu thụ nông sản. Tận dụng và hòa nhập được các quy định Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA)…/.

220 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1137
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1137
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87218740