GDP quý I/2023 ước tăng 3,32% 

(ĐCSVN) - Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020.

Ngày 29/3, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê đã họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I năm 2023. Họp báo do Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương chủ trì.

Tổng cục Thống kê họp báo tại trụ sở Hà Nội và kết nối trực tuyến các điểm cầu 63 tỉnh, thành phố (Ảnh: HNV) 

Báo cáo chung về tinh hình kinh tế - xã hội trong đó có tốc độ tăng trưởng, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp quý I/2023 tăng 2,43% so với cùng kỳ 2022; ngành lâm nghiệp tăng 3,66%; ngành thủy sản tăng 2,68%.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý I/2023 giảm 0,82% so với cùng kỳ 2022, là mức giảm sâu nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,37%. Ngành khai khoáng giảm 5,6%. Riêng ngành xây dựng tăng 1,95%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,28% và 1,41% của cùng kỳ năm 2011 và 2012 trong giai đoạn 2011-2023. 

Đáng chú ý, cũng theo bà Nguyễn Thị Hương, khu vực dịch vụ trong quý I/2023 thể hiện rõ sự phục hồi nhờ hiệu quả của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách mở cửa nền kinh tế trở lại từ ngày 15/3/2022 khi dịch COVID-19 được kiểm soát, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới được đẩy mạnh. Đóng góp của một số ngành dịch vụ vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của quý I/2023 đến dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 25,98% so với cùng kỳ 2022, ngành bán buôn và bán lẻ tăng 8,09%, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,65%, ngành vận tải, kho bãi tăng 6,85%, ngành thông tin và truyền thông tăng 1,5%.

Về cơ cấu nền kinh tế quý I/2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,66%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,47%; khu vực dịch vụ chiếm 43,65%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,22%.

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực Trung ương (GRDP) quý I năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 58 địa phương và giảm ở 5 địa phương trên cả nước.

Khi thông tin chung về tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cũng đề cập tới 6 nhóm giải pháp cần phải đảm bảo bao gồm:

Một là, theo dõi sát và cập nhật kịp thời diễn biến tình hình thế giới, chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước có quy mô kinh tế lớn, là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm; chính sách tiền tệ cần linh hoạt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay, vừa đảm bảo kiểm chế lạm phát, vừa đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng. Điều hành giá các mặt hàng có nhà nước quản lý thận trọng, phù hợp, có lộ trình. Nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2023 trên tinh thần đoàn kết, kỷ cương, bản lĩnh, linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời, quyết liệt và hiệu quả.

Hai là, thường xuyên rà soát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các tác nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: da dày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ…

 Lãnh đạo Tổng cục Thống kê giải đáp tại họp báo (Ảnh: HNV)

Ba là, triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp kích cầu thương mại và dịch vụ, các chương trình xúc tiến, đẩy mạnh quảng bá thúc đẩy phát triển du lịch; các giải pháp được mở rộng, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu; khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, điều chỉnh kịp thời chính sách nhằm tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài có chất lượng cao.

Bốn là, quyết liệt triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2023, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ, trong đó tập trung vào các dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2023 và đầu năm 2024, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ dự án, giao kế hoạch, giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục về đầu tư công.

Năm là, tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tử sản xuất và cuộc sống của người dân, thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm.

Sáu là, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các ngành, các cấp, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, thực hiện nghiêm quy chế làm việc, kỷ luật phát ngôn, công khai, minh bạch, cải tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng. Tăng cường thông tin, ngăn chặn, triệt phá các thông tin xấu, sai sự thật gây hoang mang cho người dân, tuyên truyền các hình ảnh đẹp về đất nước và con người Việt Nam./.

 
Lê Anh
286 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 695
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 695
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 84634392