Quang cảnh buổi họp báo (Ảnh: BT)

Nhiều lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đạt và vượt chỉ tiêu

Theo Bộ NN&PTNT, kết quả sản xuất ngành nông nghiệp tháng 9 và 9 tháng năm 2018 cho thấy bức tranh khả quan về tình hình thực hiện các mục tiêu tăng trưởng ngành. Mặc dù phải đối mặt với 14 loại hình thiên tai với những tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất nông, lâm, thủy sản nhưng nhiều lĩnh vực sản xuất của ngành vẫn đạt kết quả cao so với cùng kỳ, cơ bản đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.

Cụ thể, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 9 tháng tăng 3,82% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, nông nghiệp tăng 2,81%; lâm nghiệp tăng 6,0%; thuỷ sản tăng 6,46%. Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP nông, lâm, thủy sản 9 tháng đạt 3,65%.

Trong tháng 9, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 3,371 tỷ USD, tăng 9,93% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành 9 tháng ước đạt 29,54 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017, bằng 73% kế hoạch năm và vượt 1,3% mục tiêu quý đã đề ra. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng trưởng mạnh và vượt mục tiêu như: gạo, tăng 23,1%; lâm sản chính tăng 3,1% và rau quả vượt 1%.

9 tháng năm 2018 cũng ghi nhận dịch bệnh trên vật nuôi được khống chế tốt. Tính đến ngày 24/9, không có địa phương nào có dịch tai xanh, lở mồm long móng và cúm gia cầm. Trong tháng 9, thị trường tiêu thụ và giá các sản phẩm thịt bò, thịt gia cầm ổn định; giá thịt lợn duy trì mức giá cao (thịt lợn hơi khoảng 50.000 – 55.000 đồng/kg), người chăn nuôi có lãi. Bên cạnh đó, các cơ sở chăn nuôi đang chuẩn bị nguồn hàng, phục vụ cho dịp lễ, tết cuối năm 2018 nên tổng đàn lợn cả nước đã tăng nhanh hơn so với thời gian trước.

Tính đến ngày 20/9, cả nước đã có 3.542 xã (39,7%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 64 xã so với cuối tháng 8/2018; bình quân đạt 14,33 tiêu chí/xã. Hiện có 55 đơn vị cấp huyện thuộc 28 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Chú trọng tới các nhiệm vụ trọng tâm cuối năm 2018

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng ngành quý IV và cả năm 2018, trong tháng 10/2018, theo Bộ NN&PTNT, trên lĩnh vực trồng trọt, cần theo dõi diễn biến thời tiết, nguồn nước đảm bảo sản xuất lúa được thuận lợi; theo dõi và chỉ đạo sản xuất các cây công nghiệp, cây ăn quả, tái canh cà phê, ghép cải tạo giống điều, rải vụ cây ăn trái ở phía Nam.

Trên lĩnh vực chăn nuôi, đôn đốc, chỉ đạo các địa phương nghiêm túc thực hiện Công điện số 6741/CĐ-BNN-TY ngày 30/8/2018 của Bộ về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam. Theo dõi, bám sát cung cầu, đặc biệt là thị trường thịt lợn trong nước và các nước láng giềng.

Mặt khác, với lĩnh vực thuỷ sản, tháo gỡ thẻ vàng để đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU; hướng dẫn các địa phương tăng cường công tác quản lý khai thác thủy sản, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển. Tổ chức các đoàn kiểm tra về chống khai thác bất hợp pháp tại một số địa phương. Tiếp tục chỉ đạo sản xuất, đặc biệt với tôm, cá tra tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đánh giá về kết quả ngành nông nghiệp 9 tháng năm 2018, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhận định, mặc dù thời tiết, thiên tai trên cả nước diễn biến phức tạp, các chỉ tiêu của ngành nông nghiệp vẫn đạt ngưỡng cao so với nhiều năm trở lại đây, đặc biệt về tăng trưởng ngành và giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Với những con số đạt được, khả năng đạt kim ngạch xuất khẩu 40 tỷ USD trong năm 2018 là khả thi.

Thứ trưởng cũng lưu ý, những tháng cuối năm 2018, ngành nông nghiệp cần bám sát vào các công tác quan trọng, đặc biệt chú ý tới việc cố gắng tháo gỡ thẻ vàng cho ngành thủy sản Việt Nam, đồng thời, kiểm soát tốt dịch tả lợn châu Phi, chủ động phòng ngừa là chính, chú trọng đến các giải pháp phát triển thị trường…/.

 

 

BT