Sáng 28/9, tại cuộc họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng 2019, Tổng cục Thống kê đã cho biết, kết quả tăng trưởng 6,98% khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2019. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng; căng thẳng thương mại Mỹ - Trung diễn biến khó lường, căng thẳng địa chính trị leo thang ở Vịnh Ba Tư, nguy cơ Brexit không có thỏa thuận và bất ổn chính sách gia tăng trên toàn cầu…
Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo đang là điểm sáng. (Ảnh: P.V)
Theo đó, trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,02% (cùng kỳ năm 2018 tăng 3,7%), đóng góp 4,8% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,36%, đóng góp 52,6%; khu vực dịch vụ tăng 6,85%, đóng góp 42,6%.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, động lực chính của tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm nay là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 11,37%) và các ngành dịch vụ thị trường (bán buôn và bán lẻ tăng 8,31%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,19%; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,82%; thông tin và truyền thông tăng 7,65%).
Tại họp báo, lý giải về tăng trưởng ngành nông nghiệp thấp, ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Thống kê Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản cho biết, 9 tháng qua, ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do tình hình thời tiết phức tạp, xuất khẩu khó khăn “vụ đông xuân thì chịu nắng nóng, vụ hè thu thì bị lũ lụt, sản lượng lúa và lương thực giảm đáng kế. Hơn nữa, ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi đã tác động nghiêm trọng tới hệ số giá trị ngành nông nghiệp nói chung.
Phân tích về tình hình sản xuất công nghiệp, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp Phạm Đình Thuý khẳng định, những năm gần đây, công nghiệp luôn là ngành đi đầu, đặc biệt chế biến chế tạo tăng tích cực đều, tháng sau hơn tháng trước và tăng trưởng hầu hết các nhóm ngành trọng yếu.
Giải đáp thắc mắc của báo chí về chỉ số tồn kho công nghiệp còn cao, ông Phạm Đình Thuý cho biết, hiện có 3 nhóm ngành còn chỉ số tồn kho cao, đó là sản xuất xăng dầu, ô tô – xe máy và kim loại. Tuy nhiên, xét về tổng thế, đây chỉ là vấn đề tồn kho về mặt kỹ thuật, có tính chất tạm thời, không phải lo lắng đến tác động, ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng chung.
Trao đổi về các chỉ số giá, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá Đỗ Thị Ngọc bảo đảm, khả năng lạm phát của cả năm 2019 giữ ở mức dưới 4% là chắc chắn. Theo bà Ngọc phân tích, có một số yếu tố ảnh hưởng tới giá điều hành, trong đó phải đề cập tới giá dịch vụ y tế. Cùng với đó là các yếu tố mang tính chất thị trường, liên quan đến xăng dầu và thực phẩm tươi sống. Thêm vào đó, là rủi ro thiên tai thời tiết, đề phòng một số yếu tố địa chính trị khu vực và thế giới (Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, an ninh hòa bình Trung Đông, vấn đề hạt nhân Iran – Irac – CHDCND Triều Tiên…). Mặc dù vậy, bà Ngọc cũng bày tỏ tin tưởng với sự quyết liệt trong điều hành của Chính phủ, nhất là sự sát sao của Ban chỉ đạo điều hành giá, kịp thời điều chỉnh và đối phó rủi ro.
Đồng quan điểm này, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản Quốc gia Dương Mạnh Hùng nhấn mạnh, GDP tăng trưởng cao 9 tháng của Việt Nam trong bối cảnh chung kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro, thậm chí nhiều quốc gia tăng trưởng âm cho thấy sự khởi sắc chung của nền kinh tế. Với những đóng góp tích cực của công nghiệp chế biến chế tạo, hoạt động dịch vụ thị trường sôi động, nhất là gia tăng tiêu dùng gia đình xuất phát từ lý do việc làm và thu nhập cải thiện, tăng trưởng nhanh của tầng lớp trung lưu trong xã hội nước ta. Ông Hùng cũng nêu lên một số dấu hiệu tích cực quý IV bao gồm: chỉ số sản xuất công nghiệp, sự gia tăng của doanh nghiệp mới... “Điều này sẽ tiếp đà tăng trưởng đạt mục tiêu Quốc hội đề ra”- ông Hùng nói.
Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và vốn đầu tư Nguyễn Việt Phong nêu bật lên 2 điểm sáng trong vốn đầu tư ở hai khu vực: ngoài nhà nước và đầu tư nước ngoài FDI. Mặc dù 9 tháng qua, giải ngân vốn đầu tư công chậm được coi là “điểm nghẽn” nhưng sang quý IV, với tính chất đặc thù của mình là thời điểm giải ngân, việc giải ngân sẽ tiến triển nhanh và thực hiện đúng theo tinh thần Hội nghị về giải ngân vốn đầu tư công diễn ra ngày 26/9 vừa qua đã đề cập. “Khu ngoài nhà nước và FDI còn dư địa huy động khá rộng, có thể góp thêm vào GDP 0,6%” – ông Phong chỉ ra.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm. (Ảnh: HNV)
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm liên tục khẳng định, tăng trưởng 6,98% của 9 tháng 2019 là một kết quả đáng khích lệ. Trước hết, khu vực dịch vụ có 2 nhóm dịch vụ có tính thị trương và nhóm phi thi trường (hợp đồng quản lý nhà nước, quốc phòng) tăng trưởng tốt bù đắp cho tăng trưởng lại của khu vực nông lâm nghiệp thuỷ sản. Riêng dịch vụ phải tăng trưởng cao hơn tăng trưởng bình quân của nền kinh tế. Dịch vụ có tính thị trường đều cao hơn mức 6,98%.
Điểm sáng nữa là xuất nhập khẩu. Trong bối cảnh toàn cầu thương mại suy giảm, nhu cầu giảm mà vẫn xuất siêu là thành công của nền kinh tế, xuất khẩu mặc dù nông nghiệp thuỷ sản có rất nhiều nhóm hàng giá giảm nhưng lượng vẫn tăng.
Điểm sáng tiếp theo là trong khu vực đầu tư. Đồng thời là hiệu quả của việc giải ngân của vốn đầu tư nước ngoài…Hơn nữa, các dự án vào Việt Nam ngày càng củng cố và nâng cao trách nhiệm, tăng quy mô…
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm chia sẻ, một điểm sáng khác là thu hút đầu tư nước ngoài tích cực và doanh nghiệp mới thành lập tăng cao đạt cao nhất trong các năm gần đây, cụ thể trong 9 tháng qua có tới hơn 102.300 doanh nghiệp thành lập mới. Điều này phản ánh môi trường kinh doanh tốt với tín hiệu sáng.
Có thể thấy, bức tranh kinh tế 9 tháng qua đã phản ánh dấu hiệu tích cực trong bối cảnh phức tạp chung đồng thời có thể nắm bắt các dấu hiệu tích cực, khắc phục một số biểu hiện tiêu cực trong bối cảnh chung của khu vực và thế giới.
Khánh Linh