GDP 2019 với tốc độ tăng ấn tượng 7,02% 

(ĐCSVN) - Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2019 đạt kết quả ấn tượng với tốc độ tăng 7,02%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra từ 6,6-6,8%. Đây là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7% kể từ 2011.

 

Chiều 27/12, Tổng cục Thống kê đã tổ chức họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý IV và năm 2019.

 Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm trả lời báo chí .(Ảnh: HNV)

Tại họp báo, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội chung, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm thông tin, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2019 tăng 7,02%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao trong khoảng 6,6-6,8% và cũng cao hơn dự báo của nhiều tổ chức quốc tế. Trong đó, tăng trưởng các quý của năm 2019 đạt lần lượt 6,82%, 6,73%, 7,48% và 6,97%.

So với số liệu công bố trước đó, tốc độ tăng GDP quý III được điều chỉnh thêm 0,17 điểm phần trăm, từ mức 7,31% công bố trước đó lên 7,48%. Theo ông Lâm, việc điều chỉnh số liệu tăng GDP quý III do một số ngành đạt kết quả thực hiện cao hơn số ước tính như: Nông, lâm nghiệp và thủy sản điều chỉnh tăng 0,47%; Công nghiệp tăng 0,14%; Vận tải, kho bãi tăng 1,31%...

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,01%, đóng góp 4,6% vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng (tăng 8,9%, góp 50,4%) và khu vực dịch vụ (tăng 7,3%, góp 45%).

Động lực chính của tăng trưởng kinh tế năm nay tiếp tục là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 11,29%) và các ngành dịch vụ thị trường (như ngành vận tải, kho bãi tăng 9,12%; bán buôn và bán lẻ tăng 8,82%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,62%).

Cơ cấu kinh tế năm 2019 cũng có những chuyển biến tích cực với tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm xuống còn 13,96% GDP, so với mức 14,68% của năm 2018. Tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,49%; khu vực dịch vụ chiếm 41,64% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,91%.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2019 vượt mốc 500 tỷ USD, trong đó ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực kinh tế trong nước với tốc độ cao hơn rất nhiều khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2019 ước tính xuất siêu 9,9 tỷ USD, mức cao nhất trong 4 năm liên tiếp xuất siêu.

 Đại diện các vụ, đơn vị Tổng cục Thống kê trả lời báo chí tại họp báo .(Ảnh: HNV)

Trả lời các câu hỏi của báo chí về công nghiệp chế biến chế tạo với nền kinh tế nói riêng và chỉ số tồn kho ngành công nghiệp nói chung hiện nay, tại cuộc họp, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp lý giải: Tăng trưởng công nghiệp đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo có đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 7,02% GDP với mức đóng góp hơn 30% vào GDP. Tuy nhiên, năm 2020 và những năm sau, tốc độ tăng trưởng của ngành này sẽ khó khăn hơn và khó giữ đà tăng trưởng như hiện nay. Điều này cũng dẫn đến tỷ số tồn kho cao, tiêu thụ thấp hơn sản xuất. “Hiện tại, mức tồn kho không đáng lo ngại vì cơ bản có thể sẽ giải tỏa sớm trong thời gian ngắn” - ông Thúy nói.

Chia sẻ về điểm sáng thu hút FDI năm 2019, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và vốn đầu tư chi biết, năm 2019 thu hút đạt đỉnh với mức 38 tỷ USD. Đạt được điều này do môi trường kinh doanh thu hút vốn FDI tốt hơn, nhất là khi Luật Đầu tư ban hành 2014 có hiệu lực từ 2015 và Việt Nam đã đa dạng hóa các hình thức đầu tư, trong đó có góp vốn mua cổ phần, khá phù hợp xu hướng mới của các nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dầu vậy, ông Phong cũng kiến nghị, phải kiểm soát sát sao phần vốn FDI, tránh để xảy ra hiện tượng vốn ngoại hóa chi phối các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Chính phủ cũng cần có động thái dẫn hướng vốn vào ngành công nghệ cao, ít ảnh hưởng môi trường.

Trong khuôn khổ buổi họp báo, Tổng cục trưởng Nguyễn Bich Lâm đã chỉ ra 8 điểm sáng và cũng nêu những thách thức khó khăn của nền kinh tế trong năm 2019. Từ đó, đề xuất cần tập trung vào 6 nhóm giải pháp tạo động lực tăng trưởng bao gồm: hoàn thiện thể chế kinh tế, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư của nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, tăng khả năng đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế, thúc đẩy đô thị hóa./.

 

 
Lê Anh
246 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1201
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1201
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87102340