Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản đồng ý về nguyên tắc giao Công ty Gazprom EP Internatiional B.V (là công ty con của Tập đoàn Gazprom - Liên Bang Nga) làm chủ đầu tư. Dự án nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Quảng trị với công suất 340 MW, sử dụng từ mỏ Báo Vàng như đề nghị của Bộ Công thương và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Hoan nghênh dự án điện khí tại Quảng Trị, chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm (Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam) thấy yên tâm khi dự án do công ty con của Tập đoàn Gazprom (Nga) làm chủ đầu tư.
Đồng thời, ông khẳng định, chủ trương dùng khí và khí hóa lỏng rất quan trọng và nên làm bởi những lý do sau:
Thứ nhất, theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, đến năm 2030, nhiệt điện than vẫn chiếm hơn 50% sản lượng điện của Việt Nam. Tuy nhiên, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), mục tiêu trên rất khó thực hiện được vì rất nhiều nhà máy đang bị chậm hoặc lùi tiến độ, có khả năng không hoàn thành.
Thứ hai, hiện có 15 dự án BOT, trong đó 12 dự án chậm tiến độ hoặc chưa thể xác định tiến độ do còn vướng mắc trong đàm phán.
Vậy nên, trong khoảng 10 năm tới, khả năng thực hiện được các dự án trên hay không chưa chắc, có nguy cơ thiếu điện.
Thứ ba, vốn để làm nhiệt điện than cũng là vấn đề cần quan tâm. Hiện các quốc gia hay định chế tài chính (như WB, ADB) khi cho vay tiền để làm nhiệt điện than thường có những ràng buộc kỹ thuật và đây chính là rào cản khiến việc vay vốn trở nên khó khăn.
|
Gazprom sẽ làm chủ đầu tư dự án điện khí ở Quảng Trị |
Thứ tư, nguồn than sử dụng cho các nhà máy nhiệt điện than gặp nhiều khó khăn, khi từ nay trở đi, nguồn than nhập khẩu là nguồn nhiên liệu chính cung cấp cho các nhà máy. Hợp đồng lâu dài để nhập than hiện nay chưa xác định được rõ, một số nhà máy chỉ nhập khẩu ngắn hạn trong khoảng 5-10 năm, trong khi đời một dự án nhiệt điện than khoảng 20-30 năm. Giá than lại diễn biến theo thị trường quốc tế và có xu hướng tăng lên, do đó giá điện cũng sẽ tăng.
Thứ năm, Việt Nam đã cùng hơn 170 quốc gia ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, trong đó cam kết phải giảm tỷ lệ phát thải khí CO2, khí nhà kính. Điều đó có nghĩa Việt Nam phải giảm nhiệt điện than và tìm nguồn khác để thay thế.
Đó là chưa nói đến vấn đề nhiệt điện than gây ô nhiễm môi trường. Cho tới nay, nhiều địa phương, đặc biệt ở miền Nam, không muốn xây dựng nhà máy nhiệt điện than. Đây cũng là lý do khiến việc giải phóng mặt bằng để xây dựng nhà máy nhiệt điện than bị kéo dài và thúc đẩy tìm kiếm nguồn điện khác thay thế.
Trong khi nhiệt điện than không còn là xu hướng phát triển được ưu tiên lựa chọn thì một trong những nguồn có thể thay thế là năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời).
Khẳng định đây là xu hướng tốt nhưng TS Ngô Đức Lâm cho rằng phát triển điện gió, điện mặt trời không đơn giản. Thời gian xây dựng các nhà máy điện gió, điện mặt trời rất ngắn, các nhà đầu tư ngoại cũng rất quan tâm và đăng ký đầu tư lĩnh vực này ở Việt Nam nhiều, tuy nhiên khi thực hiện lại có khó khăn.
Cụ thể, phần lớn nhà máy điện gió, điện mặt trời xây dựng xa đất liền, hoặc nếu ở đất liền thì nằm ở vùng ven biển, vì thế việc xây dựng đường ống để chuyển điện vào trong đất liền không dễ.
"Chúng ta có khả năng làm điện gió, điện mặt trời nhưng để vận hành ổn định, tin cậy đối với hệ thống điện, không gây nên sự cố thì cần có thời gian kiểm nghiệm. Vì lẽ đó, làm điện gió, điện mặt trời ngày nay là thực hiện theo kiểu vừa xây dựng, vừa kiểm nghiệm, theo dõi, đến khi nào ổn định thì phát triển nhiều hơn", chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm cho biết.
Từ những phân tích trên, vị chuyên gia khẳng định khí và khí hỏa lỏng là lựa chọn tốt hơn cả. Điện khí và khí hóa lỏng có nhiều ưu điểm: xây dựng nhà máy nhanh hơn, ít tốn đất hơn, không ô nhiễm nhiều, nguồn cung khí, khí hóa lỏng ngày càng phong phú hơn, dù giá thành có thể cao hơn.
Đối với những dự án sử dụng nguồn khí ở vùng biển Việt Nam, trong đó có dự án điện khí ở Quảng Trị do Gazprom làm chủ đầu tư, TS Ngô Đức Lâm cho biết, nước nào đầu tư đều phải xây dựng giàn khoan để hút khí lên, truyền qua đường ống vào bờ. Ở trong bờ cũng phải tìm vốn để xây dựng nhà máy chuyển khí vào.
Việc vận chuyển khí có thể thực hiện qua đường ống hoặc ép lại, nhưng dù làm cách nào thì việc vận chuyển khí và khí hóa lỏng cũng thuận tiện hơn nhiều so với vận chuyển than.
"Việc này, nhiều nhà máy phía Nam đã có kinh nghiệm. Thậm chí, nếu phải nhập khẩu khí và khí hóa lỏng thì cũng rất tiện bởi đã có những đoàn tàu chuyên dụng. Bây giờ việc cần làm là phải tính hiệu quả kinh tế của nó đến mức độ nào", ông Lâm nói.
Thành Luân