Trước khi gây án rúng động này, Thắng đã đánh người và bị xét xử về tội “Cố ý gây thương tích”. Trong cuộc hôn nhân của mình, Thắng cũng để lại những dấu vết bạo lực, vũ phu khi xảy ra mâu thuẫn, nghi ngờ vợ. Chính vì hiểu, vì thương và nghĩ đến 2 đứa cháu còn nhỏ dại, người thân của bị hại dù đau xót khôn nguôi vẫn có lời đề nghị giảm án cho anh Thắng, cùng với những tình tiết tự thú, thành khẩn, ăn năn, bị cáo đã thoát án tử, lãnh hình phạt chung thân. Sau phiên tòa này, Thắng kháng cáo lên cấp phúc thẩm xin giảm án nhưng đã bị bác. Tuy nhiên, cơ hội giảm án luôn mở ra cho bất kỳ ai cải tạo tốt trong quá trình chấp hành án. Nhiều người vẫn tin rằng Thắng sẽ là phạm nhân tích cực trong lao động và rèn luyện để quay về nẻo thiện, chuộc lại lỗi lầm và sớm đoàn tụ với các con.
Nơi Thắng thụ án là Trại Tạm giam Nghĩa An (Tổng cục III, Bộ CA, nằm trên địa bàn vùng Cùa, Cam Lộ, Quảng Trị) thuộc Đội 31, Phân trại 1. Quá trình lao động và cải tạo tại đây, Thắng được quan tâm giáo dục, rèn luyện nhưng không thể chiến thắng được bản thân mình, vẫn nóng nảy. Ngày 25-7-2016, cả Quảng Trị lại thêm một phen xôn xao khi nghi phạm gây ra vụ giết người tại Trại Tạm giam Nghĩa An lại chính là Thắng, nạn nhân là phạm nhân cùng buồng giam Đ.Đ.L. Người này hơn Thắng 2 tuổi, quê tận Nghệ An cũng đang chấp hành mức án chung thân về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Rất may nạn nhân được phát hiện và cấp cứu kịp thời nên không mất mạng. Tuy nhiên, CA tỉnh Quảng Trị có đủ căn cứ để khởi tố bị can Thắng về hành vi “Giết người”.
Theo kết quả điều tra cho thấy, quá trình chấp hành án, Thắng tự nhận thức thấy có sự phân chia, mâu thuẫn giữa hai nhóm phạm nhân quê Nghệ An và Quảng Trị. Những mâu thuẫn thường phát sinh từ xích mích nhỏ trong sinh hoạt, lao động. Hoàn cảnh ấy, Thắng tự cho mình xuất xứ Quảng Trị, nếu có chuyện gì xảy ra thì có trách nhiệm bảo vệ cho các phạm nhân cùng quê. Trong thực tế, Thắng và phạm nhân L. không hề có chuyện gì. Tuy nhiên, sau vụ có 2 phạm nhân đánh nhau dẫn đến 2 nhóm quê Nghệ An và Quảng Trị mâu thuẫn, Thắng cho rằng L. là thủ lĩnh kích động nhóm phạm nhân Nghệ An xung đột với nhóm quê Quảng Trị. Thắng bắt đầu ngầm có ý định đánh dằn mặt L.
Đến ngày 23-7-2016, một phạm nhân quê Quảng Trị lại mâu thuẫn với L. Tính khí nóng nảy, thiếu kiềm chế trong con người Thắng lại trỗi dậy. Sáng 25-7-2016, các phạm nhân được dẫn giải đi lao động sản xuất. Theo sự phân công của cán bộ quản giáo, Thắng sử dụng dao rọc giấy cắt keo dùng để dán mi mắt giả. Phạm nhân L. được phân công phát tóc cho phạm nhân làm mi mắt giả, xong công đoạn này, L. di chuyển đến khu vực khác để thực hiện thêu tranh. Quan sát thấy L. đang chăm chú làm, Thắng lấy con dao rọc giấy bỏ vào túi quần rồi hướng đến và bất ngờ tấn công vào vùng cổ của L. Nạn nhân đổ xuống sàn nhà sau đó lại gượng dậy được nhưng tiếp tục bị Thắng đâm vào tay, mặt, đùi. Mọi chuyện diễn ra quá nhanh.
|
Hình ảnh Mai Chiếm Thắng tại phiên xét xử hành vi gây ra cái chết thảm của vợ. |
Chi tiết này khiến chúng tôi lại nhớ đến lời khai của Thắng trong vụ án sát hại vợ tại phiên tòa xét xử. “Bị cáo không biết mình đâm bao nhiêu nhát nữa, lúc đó tức giận quá, khi dừng tay thì vợ đã...” - anh ta nghẹn ngào, hối hận. Tuy nhiên, trong vụ án trên, cán bộ quản giáo kịp thời ngăn chặn và đưa nạn nhân L. đi cấp cứu. Rất may vết thương ở vùng cổ miệng rộng, chảy nhiều máu nhưng chỉ tổn thương phần mềm, chưa tổn thương tĩnh mạch. Còn thương tích các vị trí khác được Trung tâm Giám định pháp y kết luận: L. bị gãy mỏm trâm quay tay phải, đứt gân dạng dài, duỗi ngắn ngón 1, đa vết sẹo phần mềm, tỷ lệ tổn thương cơ thể là 16%.
Hành vi của Thắng đã gây hoang mang, lo lắng cho nhiều phạm nhân khác. Chỉ vì nóng nảy, Thắng đã quên mất con đường phục thiện, xâm phạm đến tính mạng người khác một cách quyết liệt. Ngày 16-5-2017, TAND tỉnh Quảng Trị cho hay, sắp tới vụ án này sẽ được đưa ra xét xử lưu động tại Trại Tạm giam Nghĩa An nhằm răn đe, phòng ngừa và giáo dục chung.
Bảo Hà